|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Toàn cảnh dự án mỏ quặng sắt Thạch Khê trước triển vọng tái khởi động

07:55 | 27/04/2017
Chia sẻ
Thạch Khê - Dự án mỏ quặng sắt lớn nhất Đông Nam Á tại tỉnh Hà Tĩnh đã dừng hoạt động từ tháng 8/2011.

Tái khởi động

Theo nguồn tin riêng, ngày 25/4 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến các cơ quan, chuyên gia về việc tiếp tục triển khai thực hiện Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh.

Được biết, Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh đã tạm dừng đầu tư, khai thác từ tháng 8/2011 đến nay do dự án triển khai còn nhiều bất cập, về bộ máy tổ chức, triển khai dự án, trình tự về đầu tư, để xảy ra tình trạng chậm, kéo dài, huy động vốn cho dự án thấp.

Dự án có chủ đầu tư là Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC). Tổng mức đầu tư điều chỉnh là hơn 14.517 tỷ đồng, trong đó giai đoạn I là 6.777 tỷ đồng, giai đoạn II là 7.740 tỷ đồng. Tuổi thọ mỏ là 52 năm. Công suất khai thác mỏ giai đoạn I là 5 triệu tấn/năm, giai đoạn II là 10 triệu tấn/năm.Tổng diện tích đất sử dụng cho dự án là 4.821 ha, gồm 3.898 ha trong đất liền và 923 ha lấn biển, nằm trên 6 xã của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Trước đó, tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá, toàn diện các mặt về hiệu quả kinh tế, công nghệ, phương án tiêu thụ sản phẩm, thị trường, các tác động về xã hội để triể

Từ 9 cổ đông ban đầu sau khi tiến hành tái cơ cấu theo yêu cầu, dự án hiện còn 5 cổ đông.

Trong đó, TKV là cổ đông chính góp 52% vốn, các cổ đông còn lại là Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) góp 13%, Tổng công ty thép Việt Nam (Vnsteel) góp 20%, Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco (Bitexco) góp 3% và Công ty CP đầu tư và Thương mại Khoán sản Thăng Long góp 12%.

Tuy nhiên, đến tháng 3/2017, các cổ đông của dự án ban đầu bao gồm Mitraco, Vnsteel và Bitexco không thực hiện nghĩa vụ góp vốn, nên TKV đã nâng vốn điều lệ từ 52% lên 59,5%, Công ty Thăng Long từ 3% lên 13,45%.

Tổng số vốn góp tích lũy đến 6/3/2017 là 1.809 tỷ đồng trên 2.033 tỷ đồng, còn thiếu 224 tỷ đồng để đáp ứng 30% vốn đối ứng giai đoạn I của dự án theo yêu cầu.

TKV đã có công văn xin Bộ Công thương được tăng vốn góp tháng 8/2016 nhưng đến nay chưa được chỉ đạo thực hiện.

Các dự án thép trong nước đủ bao tiêu sản lượng mỏ Thạch Khê

Sản phẩm quặng sắt mỏ Thạch Khê được đánh giá có ưu điểm hàm lượng sắt cao, hệ số bóc thấp, có lợi thế gần cảng biển, đường sắt nên giá bán có thể cạnh tranh tốt trên thị trường.

Hiện nay đã có một số doanh nghiệp sản xuất, thương mại trong nước đăng ký với TIC để tiêu thụ quặng sắt từ mỏ Thạch Khê là Công ty CP thép Hòa Phát, Công ty CP TM Thái Hưng với tổng nhu cầu khoảng 5.700 ngàn tấn, đủ khả năng tiêu thụ sản phẩm giai đoạn I của dự án.

Tháng 1/2017, Công ty CP thép Hòa Phát đã có công văn gửi Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị: "Tạo điều kiện tối đa cho mỏ sắt Thạch Khê được nhanh chóng triển khai và đưa vào khai thác để có thêm nguồn nguyên liệu quặng sắt cấp cho các doanh nghiệp đầu tư Lò cao trong nước. Công ty CP thép Hòa Phát sẵn sàng đặt hàng quặng sắt Thạch Khê trong thời gian dài để phục vụ cho Lò cao số lượng ít nhất 3 triệu tấn mỗi năm."

Đến sau 2020, khi các dự án thép tại Dung Quất công suất 4 triệu tấn/năm, Dự án thép Nghi Sơn công suất 4 triệu tấn/năm đi vào sản xuất có thể sử dụng quặng sắt mỏ Thạch Khê thì với công suất mỏ tăng lên 10 triệu tấn/năm sẽ tiêu thụ hết trong thị trường nội địa, chưa tính đến Liên hợp thép ở Hà Tĩnh do TIC tự đầu tư.

Mỏ sắt Thạch Khê được phát hiện năm 1954, có trữ lượng 544 triệu tấn quặng sắt có hàm lượng trung bình 58% Fe lớn nhất vùng Đông Nam Á. Trong khu vực mỏ còn có các khoáng sản khác có trữ lượng đáng kể như đất sét với trữ lượng 80 triệu m3, đá hoa dolomit và dolomit với trữ lượng 145 triệu tấn, chưa kể khối lượng cát sỏi.

Mỏ nằm sát bờ biển, cách bờ biển 500m, phân bố tối đa ở độ sâu -550m so với mực nước biển.

Cho phép xuất khẩu quặng sắt để tháo gỡ khó khăn cho các mỏ?

Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt, ngày 19/4, Bộ Công thương đề nghị UBND các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Hà Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Gia Lai phối hợp thông báo cho các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu xuất khẩu gửi báo cáo và phối hợp với Đoàn công tác của Bộ Công thương để kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp có quặng sắt manhetit xuất khẩu yêu cầu báo cáo tồn kho đến hết tháng 2/2017 kèm theo tài liệu chứng minh nguồn gốc quặng tồn kho. Đối với doanh nghiệp có quặng sắt limonit xuất khẩu yêu cầu báo cáo về năng lực khai thác, tuyển quặng sắt năm 2017 và các tài liệu liên quan.

Đoàn công tác của Bộ Công thương có nhiệm vụ kiểm tra thực tế khai thác, chế biến và tồn kho quặng sắt của các doanh nghiệp để Bộ Công thương giải quyết xuất khẩu quặng sắt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đoàn sẽ tiến hành kiểm tra từ ngày 21/4 đến 4/5/2017.

Trước đó, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị dừng hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt để tập trung khai thác, phục vụ cho các cơ sở sản xuất gang thép trong nước.

Phương Nguyễn