|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tòa truy sai phạm của cựu tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội

08:07 | 19/09/2019
Chia sẻ
Tòa cho rằng, việc thất thoát 1.700 tỉ đồng của Bảo hiểm xã hội là do hành vi cố ý làm trái, song hai cựu Tổng giám đốc nói "làm đúng luật".

Sau phần công bố cáo trạng, TAND Hà Nội thẩm vấn các bị cáo Nguyễn Huy Ban, Lê Bạch Hồng (hai cựu tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam) và cấp dưới về sai phạm khi cho Công ty cho thuê tài chính II - ALC II vay vốn khiến thiệt hại 1.700 tỷ đồng.

Theo cáo buộc, khi nhận được 14 tờ trình từ cấp dưới về đề nghị của ông Vũ Quốc Hảo (cựu tổng giám đốc ALC II) vay vốn từ Quỹ bảo hiểm xã hội, căn cứ vào thư bảo lãnh của Agribank, ông Ban đã ký, phê duyệt đồng ý cho vay 630 tỷ đồng. Ông Hồng phê duyệt 3 hợp đồng cho vay 380 tỷ đồng.

Việc cho ALC II vay được xác định không đúng đối tượng, không đảm bảo nguyên tắc đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội, trái với Luật Bảo hiểm xã hội... bởi theo quy định, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ được cho các ngân hàng thương mại của Nhà nước vay vốn.

Hiện, ALC II còn nợ hơn 1.700 tỷ đồng và không có khả năng trả.

Tòa truy sai phạm của cựu tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội - Ảnh 1.

Cựu tổng giám đốc Hồng (đứng) và Ban (áo trắng, ngồi phía sau) trong phần thẩm vấn.

"Bị cáo căn cứ thư bảo lãnh mà ký cho ALC II vay. Bị cáo không làm sai", ông Ban trình bày trước tòa.

Theo ông Ban, thời gian trước khi cho ALC II vay tiền, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ký thỏa thuận 01 với Agribank trên nguyên tắc ngân hàng này khi nhận bảo lãnh cho các công ty con thì phải chịu trách nhiệm trả tiền nếu những đơn vị này "phá sản".

Chủ tọa cho hay ALC II là tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, ALC II không phải là đối tượng được vay từ Quỹ bảo hiểm xã hội. ALC II chỉ được nhận tiền gửi, vay vốn tổ chức tín dụng trong và ngoài nước. "Bảo hiểm xã hội không phải là một tổ chức tín dụng", chủ tọa nói.

Theo tòa, không phải khi có bảo lãnh, Bảo hiểm xã hội có thể cho bất cứ tổ chức nào vay. Nhiều tài liệu cho thấy bị cáo Ban không tìm hiểu quá trình hoạt động đầu tư của ALC II khi cho vay số tiền lớn, chỉ dựa trên bảo lãnh. Việc làm này là sai quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

"Bị cáo cho ALC II vay đúng Luật", ông Ban một mực phủ nhận cáo buộc và cho hay không có tư lợi gì từ đối tác.

Cựu tổng giám đốc khác của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là bị cáo Lê Bạch Hồng cũng khai "vẫn nghĩ việc cho ALC II vay là đúng luật". Ông này khai khi cấp dưới Nguyễn Phước Tường (cựu Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính) có tờ trình, bị cáo Hồng không biết ALC II thuộc đối tượng không được vay. 

Tuy nhiên, bị cáo có chỉ đạo xem xét toàn bộ hồ sơ của công ty này trước khi ký phê duyệt 3 hợp đồng.

Bị cáo Hồng nói: Sự việc xảy ra là ngoài ý muốn. Bị cáo đã làm hết khả năng và thấy có một phần trách nhiệm. Trước khi ALC II ngưng trả tiền gốc và lãi, bị cáo có gặp đại diện Agribank và được đại diện ngân hàng này nói sẽ trả các khoản công ty con này vay. "Như vậy số tiền này Bảo hiểm là không bị mất đi", ông Hồng trình bày.

Trước tòa, bị cáo Tường - người trình 14 tờ trình lên ông Ban, Huy để cho ALC II vay vốn, thừa nhận có trách nhiệm trong việc này song không tư lợi cá nhân Ông không trao đổi, bàn bạc với lãnh đạo trong việc cho ALC II vay bởi thấy làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. "Tôi không bao giờ cố ý làm trái pháp luật", bị cáo Tường nói.

Hôm nay, phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.

Năm bị cáo hầu tòa tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (khoản 3, Điều 165, BLHS 1999) gồm Lê Bạch Hồng (cựu Thứ trưởng Lao động, Thương binh và xã hội, cựu Tổng giám đốc); Nguyễn Huy Ban (cựu Tổng giám đốc); Trần Tiến Vỹ (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp); Hoàng Hà (cựu Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) và Nguyễn Phước Tường (cựu Trưởng ban Kế hoạch - Tài chính).

Bà Trần Thanh Thủy (nguyên chuyên viên Phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính) bị cáo buộc tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 2 điều 285, Bộ luật Hình sự 1999.

Việt Dũng