|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước trở lại mua ròng hơn 1.070 tỷ đồng dù VN-Index tiếp tục điều chỉnh, ưu tiên cổ phiếu ngân hàng

19:38 | 13/02/2023
Chia sẻ
Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư trong tuần qua có sự thay đổi ở khối tổ chức nội. Trong đó các tổ chức trong nước chuyển hướng mua ròng 1.073 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ gom ròng 177 tỷ đồng.

VN-Index tiếp tục nối dài đà giảm kể từ khi thị trường khép lại tháng đầu năm 2023. Mặc dù đã có sự hồi phục tích cực ở phiên đầu tuần khi tăng hơn 10 điểm nhưng áp lực bán đã nhanh chóng gia tăng và kéo chỉ số rơi khỏi các ngưỡng hỗ trợ quan trọng

VN-Index suy yếu dần cùng với đà giảm của thanh khoản cũng như hoạt động mua ròng khối ngoại trong phiên cuối tuần. Kết tuần, VN-Index giảm 33,99 điểm, tương đương giảm 2,03% so với tuần trước, về mức 1,055.3 điểm, qua đó ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp cho dù cổ phiếu VCB quay lại giữ trụ.

Độ rộng giảm điểm lớn với 14/19 ngành và 253/404 cổ phiếu giảm điểm. Các ngành du lịch & giải trí, hóa chất, bất động giảm trên 4%, cá biệt ngành bán lẻ giảm 9% trong khi chỉ có ngành dầu khí tăng trên 2% nhờ sự phục hồi mạnh của giá dầu. Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên cả 3 sàn đạt hơn 8.923 tỷ đồng, giảm 35,3% so với tuần trước.

Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư trong tuần qua có sự thay đổi ở khối tổ chức nội. Trong đó các tổ chức trong nước chuyển hướng mua ròng 1.073 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ gom ròng 177 tỷ đồng. 

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Dòng tiền tổ chức nội tiếp tục ưu tiên cổ phiếu ngân hàng

Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì cán cân giao dịch của các tổ chức trong nước cân bằng với 9 nhóm ngành được mua ròng/9 nhóm bị bán ròng.

Trong đó cổ phiếu ngân hàng vươn lên trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền của các tổ chức nội với quy mô lên tới gần 324 tỷ đồng.

Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giao dịch phân hóa, trong tuần, các cổ phiếu tăng điểm gồm MSB, VCB, LPB, BVB, SSB, CTG, trong đó VCB là cổ phiếu lập đỉnh mới trong tuần, và đã tăng 29,8% trong vòng 3 tháng, là cổ phiếu ngân hàng duy nhất tăng 3,5% trong vòng một năm.

Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm ngân hàng giảm trong tuần, chỉ số giá giảm cho thấy có lực bán ra. Chỉ số dòng tiền của cổ phiếu vua trong tuần đi ngang cho thấy so với thị trường chung áp lực bán của nhóm này tương đương.

Lực cầu từ tổ chức trong nước cũng lan tỏa sang nhóm công nghệ thông tin, hàng & dịch vụ công nghiệp, dầu khí với giá trị vào ròng lần lượt là 79 tỷ đồng và 72 tỷ đồng và 62 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm bảo hiểm, tài nguyên cơ bản, truyền thông, xây dựng & vật liệu, y tế với giá trị thấp hơn.

Ở chiều ngược lại, NĐT tổ chức trong nước bán ròng mạnh nhất cổ phiếu nhóm bất động sản với 101 tỷ đồng.

Một số ngành khác cũng chịu áp lực bán ròng là hóa chất (80 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (65 tỷ đồng), bán lẻ (57 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Cổ phiếu nào được mua/bán ròng mạnh nhất? 

Giao dịch lớn của tổ chức trong nước tuần chủ yếu tập trung ở loạt bluechips trong rổ VN30, nhất là nhóm ngân hàng. Tại chiều mua, 4/5 mã được giải ngân mạnh nhất đều là các cổ phiếu ngân hàng.

Trong đó, cổ phiếu CTG của Vietinbank dẫn đầu với giá trị mua ròng lớn nhất lên tới 97,3 tỷ đồng. Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 60,3 tỷ đồng cổ phiếu ACB, MBB (53,3 tỷ đồng) và VCB (46,4 tỷ đồng).

Đại diện còn lại trong top 5 mua ròng là FPT với quy mô 79,6 tỷ đồng. Theo báo cáo cập nhật của SSI Research, mảng công nghệ thông tin toàn cầu kỳ vọng vẫn là động lực tăng trưởng của FPT trong năm 2023 với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế là 22%. Thị trường Nhật ước tính tiếp tục cải thiện cùng với sự hồi phục của đồng Yên Nhật.

Khu vực Mỹ & APAC có thể vẫn duy trì tăng trưởng hai con số. Tỷ trọng doanh thu từ thị trường EU khá thấp và chỉ ở mức 3% trên tổng doanh thu của FPT; vì vậy trong trường hợp căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài thì mức độ ảnh hưởng đến FPT không đáng kể.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI chịu áp lực rút vốn mạnh nhất với giá trị xả ròng 90,8 tỷ đồng.

Theo dõi giao dịch của tổ chức trong nước, dòng tiền tiếp tục rút khỏi các cổ phiếu vốn hóa lớn như VHM và MWG với giá trị rút ròng lần lượt là 80,5 tỷ và 52,9 tỷ đồng. Danh mục top 5 bán ròng còn có hai đại diện là VIC (38,7 tỷ đồng) và DIG (29,5 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Linh Chi

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.