Tổ chức trong nước bán ròng hơn 950 tỷ đồng trong tuần VN-Index tiếp tục điều chỉnh, tâm điểm ACB, HPG
Thị trường giao dịch cầm chừng và khối ngoại duy trì đà bán đã tạo sức ép cho VN-Index giảm điểm trong tuần giao dịch 27/2 – 3/3. Chỉ số đã mất ngưỡng hỗ trợ quanh 1.035 điểm và hình thành đáy sau thấp hơn đáy trước trong tuần. Với mức giảm 1,4%, chỉ số đã ghi nhận hai tuần đi xuống liên tiếp.
Đà lao dốc vẫn chi phối xu hướng chung với 16/19 ngành đỏ lửa cùng 67% số cổ phiếu giảm. Hoạt động bán ròng của khối ngoại đã giảm bớt tuy nhiên trong bối cảnh thanh khoản thấp và thị trường mất dần các ngưỡng hỗ trợ đã tạo áp lực tiêu cực lên tâm lý thị trường.
Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình toàn thị trường đạt 7.321 tỷ đồng, giảm 36,2% so với tuần trước. Theo Chứng khoán BIDV, những phiên rung lắc rất dễ xảy ra trong các phiên tiếp theo đẩy chỉ số giảm dần về ngưỡng hỗ trợ từ 980 – 1.000 điểm nếu không có thông tin hỗ trợ.
Nhà đầu tư cần lưu ý hạn chế bắt đáy, cẩn thận quan sát phản ứng giá tại các ngưỡng hỗ trợ quan trọng và sẵn sàng mở lại vị thế tại khi các ngưỡng hỗ trợ được giữ vững đón đầu cơ hội giao dịch ngắn hạn trong vòng 1 tháng từ việc công bố kết quả kinh doanh quý I cũng như các thông tin trong mùa đại hội đồng cổ đông.
Cổ phiếu dầu khí hút tiền, nhóm ngân hàng bị bán ròng mạnh nhất
Theo thống kê từ Fiintrade, nếu tính riêng giao dịch khớp lệnh thì tổ chức nội rút ròng 424 tỷ đồng. Chiều bán ròng của các tổ chức trong nước có phần nhỉnh hơn khi diễn ra ở 11/18 nhóm ngành.
Cổ phiếu của các nhà băng vẫn là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần với 208 tỷ đồng, tăng gần 43% so với tuần trước đó.
Không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục giảm 18% so với tuần trước đó xuống còn hơn 508 triệu đơn vị trong tuần này, mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay. Giá trị giao dịch đạt chưa tới 10.000 tỷ đồng.
Tương tự, cổ phiếu thép tiếp tục nằm trong Top bán ròng. Tuần qua, tổ chức nội đã bán ròng 76 tỷ đồng ngành này.
Nhóm cổ phiếu tài nguyên cơ bản có tỷ trọng giá trị giao dịch tiếp tục tăng lên 12,27% toàn thị trường, cao nhất trong vòng 10 tuần liên tiếp với chỉ số giá ngành giảm 1,16% trong tuần. Điều này cho thấy nhóm này có lực bán ra.
Tính từ đầu năm, cổ phiếu thép có nhịp tăng 5,72% nhưng tính chung 1 năm nhóm này vẫn giảm 48,9% và là nhóm giảm mạnh thứ 3 toàn thị trường.
Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là hóa chất (58 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (57 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (55 tỷ đồng), bán lẻ (34 tỷ đồng), bất động sản (14 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (13 tỷ đồng), …
Trong đó, ngành dầu khí được dòng tiền của các tổ chức nội hướng sự chú ý trong tuần qua, tuy nhiên quy mô chỉ đạt gần 33 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức trong nước đảo chiều mua ròng 26 tỷ đồng ở nhóm thực phẩm & đồ uống và 13,8 tỷ đồng ngành bảo hiểm.
Ngoài ra, nhóm công nghệ thông tin, điện, nước & xăng dầu khí đốt, ô tô & phụ tùng, y tế, … cũng thu hút sự chú ý của dòng tiền với giá trị dưới 10 tỷ đồng.
Dòng tiền tổ chức nội tập trung xả ACB, HPG
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần qua không thật sự nối bật khi không mã nào hút ròng hơn 100 tỷ đồng. Cổ phiếu STB của Sacombank được tổ chức trong nước mua ròng mạnh nhất với 97,8 tỷ đồng.
Dù có thanh khoản thường xuyên ở mức cao, khối lượng giao dịch tuần qua của STB đã giảm xuống còn 66,7 triệu cp, thấp hơn 15% so với tuần trước; song vẫn đứng đầu ngành.
Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 30,6 tỷ đồng cổ phiếu SBT của Thành Thành Công - Biên Hòa. Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như SAB (28,7 tỷ đồng), DGC (24,9 tỷ đồng), PVD (23,3 tỷ đồng), ...
Trở lại chiều bán ròng, danh mục bán ròng của tổ chức trong nước có sự góp mặt của ACB (207,4 tỷ đồng). Đây cũng là cổ phiếu duy nhất bị khối này rút ròng mạnh nhất tuần qua, đối ứng với lực cầu từ phía các nhà đầu tư cá nhân.
Một số cổ phiếu tài chính - ngân hàng cũng nằm trong danh mục rút vốn gồm VPB (46,7 tỷ đồng), MBB (34,5 tỷ đồng), CTG (11,7 tỷ đồng), HDB (6,8 tỷ đồng), SSI (4,4 tỷ đồng). Cuối cùng, Top5 bán ròng còn có các đại diện như HPG (77,5 tỷ đồng), DIG (49,5 tỷ đồng), HAH (48,7 tỷ đồng), …