|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước bán ròng hơn 1.800 tỷ đồng khi VN-Index có nhịp tăng hơn 11%, tâm điểm MSN, VIC, SBT

19:00 | 06/12/2022
Chia sẻ
Giao dịch trái chiều với khối ngoại, tổ chức trong nước bán ròng 1.815 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 545 tỷ đồng.

VN-Index đóng cửa tuần 28/11 – 2/12 với 1 phiên giảm, 4 phiên tăng, có thêm 108,55 điểm tương đương 11,17% đóng cửa tại 1.080,01 điểm. Đây là tuần thứ 3 liên tiếp VN-Index tăng điểm và mức tăng % theo tuần mạnh nhất kể từ 5/6/2009. Sau 3 tuần tăng liên tiếp, chỉ số đã tăng được 23,6% kể từ mức thấp nhất 873,78 điểm thiết lập ngày 16/11.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 18.336 tỷ đồng, tăng 78,5% so với tuần trước đó và tăng 68% so với trung bình 5 tuần gần đây.

Các cổ phiếu lớn trong danh mục VN30 tăng mạnh đóng góp trên 60% mức tăng điểm của chỉ số. Các nhóm ngân hàng, bán lẻ, tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính, dầu khí, hóa chất, bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng đều tăng trên 10%. Tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm bất động sản, chứng khoán, tài nguyên cơ bản, trong khi giảm ở nhóm thực phẩm đồ uống, dầu khí, hóa chất.

NĐT nước ngoài mua ròng 266 triệu USD trong tuần, nâng tổng giá trị mua ròng hơn 500 triệu USD trong tháng 11 tiếp tục hỗ trợ cho VN-Index tăng điểm, qua đó duy trì 3 tuần tăng điểm liên tiếp.

Nhóm BĐS trở thành tâm điểm rút vốn của tổ chức nội

Theo thống kê từ Fiintrade, cán cân giao dịch cân bằng khi tỷ lệ số ngành mua ròng/bán ròng là 9/9.

Là một trong các nhóm ngành giảm sâu nhất tháng 10, cổ phiếu bất động sản là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần đầu tháng 12 với hơn 374 tỷ đồng. Nhóm cổ phiếu địa ốc có tuần giao dịch mạnh với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 29,87% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá ngành tăng 4,11% trong tuần. Điều này cho thấy nhóm này tiếp tục có cầu vào mạnh.

Nhóm bất động sản ghi nhận phục hồi nhưng vẫn nằm trong top các mã giảm điểm trong vòng một năm, các cổ phiếu giao dịch sôi động nhất tuần qua có NVL giảm 72,72%; PDR giảm 77,57%; HPX giảm 76,89%, DIG giảm 67,76% và CEO giảm 47,87%, ngay cả cổ phiếu lớn VHM cũng vẫn đang giảm 28,47% trong vòng một năm.

Tương tự, cổ phiếu thực phẩm & đồ uống cũng nằm trong Top bán ròng. Về giá trị, tổ chức nội đã bán ròng gần 290 tỷ đồng nhóm này, quy mô gấp 3,4 lần tuần trước đó.

Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là ngân hàng (83 tỷ đồng), công nghệ thông tin (48 tỷ đồng), du lịch & giải trí (32 tỷ đồng), bán lẻ (29 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (19 tỷ đồng), ….

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu dầu khí vươn lên trở thành tâm điểm thu hút dòng tiền của các tổ chức nội với hơn 105 tỷ đồng. Nhóm ngành này ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch giảm từ 3,41% về 3,35%. Bên cạnh đó, hoạt động giải ngân của tổ chức nội cũng được chứng kiến ở nhóm dịch vụ tài chính (69 tỷ đồng) và xây dựng & vật liệu (53 tỷ đồng).

Ngành chứng khoán có một tuần tăng 15,06% nằm trong top 5 tăng giá và tăng mạnh hơn thị trường chung, với tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng lên 13,84% toàn thị trường và cao nhất trong 10 tuần liên tiếp. Điều này cho thấy cầu chủ động đẩy giá tăng dù có cung hàng.

Điểm đáng chú ý đối với nhóm ngành này là tuy có sự phục hồi gần đây, các cổ phiếu nhóm này vẫn nằm trong top giảm điểm so với toàn thị trường.Top các mã có giao dịch mạnh nhất gồm SSI, VND, VCI, HCM, SHS, VIX, FTS, MBS, SBS, ORS đều giảm từ 53% đến 77% trong vòng một năm.

Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm chứng khoán tăng mạnh trong tuần và mang giá trị dương trong vòng 6 tháng, chỉ số giá tăng. Điều này cho thấy dòng tiền đã vào lại nhóm này bù đắp cho lượng rút ra 6 tháng trước đó, tuy nhiên, tính trong vòng một năm thì lượng rút ra vẫn lớn hơn. Chỉ số dòng tiền của nhóm chứng khoán tăng cho thấy so với thị trường chung nhóm này giao dịch mạnh hơn.

Dòng tiền của tổ chức trong nước cũng được duy trì ở các một số nhóm cổ phiếu khác như bảo hiểm (32 tỷ đồng), hóa chất (31 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiêp (29 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (19 tỷ đồng), …

Cổ phiếu nào được mua/bán nhiều nhất?

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tháng vừa qua tập trung vào cổ phiếu SSI của Chứng khoán SSI với 66,4 tỷ đồng. Nối tiếp hoạt động giải ngân vào SSI, các tổ chức nội cũng gom ròng 59,1 tỷ đồng cổ phiếu PVD của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling).

Liên quan đến giao dịch cổ phiếu PVD, nhóm quỹ Dragon Capital đã mua ròng tổng cộng 900.000 cổ phiếu của PV Drilling trong phiên 30/11.

Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu PVD mà Dragon Capital nắm giữ tăng từ 55,14 triệu lên 56,04 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu tăng tương ứng từ 9,92% lên hơn 10,08%. Tính theo giá kết phiên 30/11 là 15.800 đồng/cp, ước tính nhóm quỹ đã chi khoảng 14 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.

Ngoài ra, danh mục rót vốn còn có sự góp mặt của các bluechip như TCB (54 tỷ đồng), PLX (46,5 tỷ đồng) và MBB (25,5 tỷ đồng).

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Trong khi đó, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 140,1 tỷ đồng. Vừa qua, Tập đoàn Masan công bố đã nhận giải ngân thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD. Được sắp xếp bởi BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC và Standard Chartered Bank. Giao dịch được bảo lãnh phát hành và thu hút 37 tổ chức tài chính quốc tế đăng ký.

Masan cho biết giao dịch trị giá 600 triệu USD, là khoản huy động hợp vốn nước ngoài có kỳ hạn 5 năm và có giá trị lớn nhất từ ​​trước đến nay trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

Khoản vay bằng USD có lãi suất 2,9%, cộng với lãi suất tham chiếu SOFR, tương đương lãi suất 6,7% mỗi năm, với biên độ trên lãi suất tham chiếu giảm 35 điểm cơ bản so với khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD hoàn thành vào năm 2020.

Cùng chiều, dòng tiền của tổ chức nội rút ròng khỏi nhiều cổ phiếu bất động sản như VIC (96,4 tỷ đồng), PDR (60 tỷ đồng), NVL (55,4 tỷ đồng), …

Linh Chi