NĐT cá nhân giao dịch ra sao khi VN-Index lấy lại gần 110 điểm?
VN-Index trải qua tuần phục hồi mạnh mẽ với sắc xanh lan tỏa ở hầu hết tất cả các nhóm ngành và dần chững lại khi chỉ số chung tiến sát khu vực 1.070 điểm. Thanh khoản giao dịch gia tăng đáng kể cho thấy tâm lý cùa nhà đầu tư đã phần nào được cải thiện.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index nối dài mạch tăng điểm của tuần trước với sắc xanh lan tỏa khắp thị trường trong 3 phiên đầu tuần giúp chỉ số chung tiếp cận khu vực 1.070 điểm. Thanh khoản của thị trường tăng mạnh và chủ yếu xuất hiện ở chiều mua chủ động cho thấy sự lạc quan đã trở lại trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 cũng bứt tốc tạo ra tiền đề tích cực dẫn sóng thị trường phục hồi. Đà tăng có phần chững lại khi chịu áp lực bán chốt lời T+ vào phiên ngày 1/12 những lực cầu ngay lập tức quay trở lại vào phiên cuối tuần kéo VN-Index bật tăng trở lại.
Kết tuần, VN-Index tăng 108,55 điểm, tương đương với 11,17% so với tuần trước và cũng là tuần phục hồi mạnh mẽ nhất kể từ giữa năm 2022 tới hiện tại.
Theo thống kê, thanh khoản khớp lệnh bình quân tuần này đã tăng lên mức trên 16.000 tỷ đồng trên sàn HOSE so với mức bình quân 9.000 tỷ đồng trong 2 tháng vừa qua. Khối ngoại sau khi mua ròng gần 16.000 tỷ đồng trong tháng 11 vẫn tiếp tục mua ròng hơn 3.000 tỷ đồng trong tuần vừa qua.
Giao dịch ngược chiều với các NĐT nước ngoài, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 8.175 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 8.874 tỷ đồng.
NĐT cá nhân bán ròng 16/18 nhóm ngành
Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng hẳn bên bán với 16/18 các nhóm ngành bị bán ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu bất động sản với giá trị lên tới gần 2.476 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu bất động sản có tuần giao dịch mạnh với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 29,87% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá ngành tăng 4,11% trong tuần. Điều này cho thấy nhóm này tiếp tục có cầu vào mạnh.
Nhóm cổ phiếu bất động sản có nhiều mã phục hồi tốt nhưng vẫn nằm trong top các mã giảm điểm trong vòng một năm, các cổ phiếu giao dịch sôi động nhất tuần qua có NVL vẫn giảm 72,72%; PDR giảm 77,57%; HPX giảm 76,89%, DIG giảm 67,76% và CEO giảm 47,87%, ngay cả cổ phiếu lớn VHM cũng vẫn đang giảm 28,47% trong vòng một năm.
Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm địa ốc biến động mạnh trong tuần, tiếp tục tăng mạnh lên mức cao nhất 6 tháng và mang giá trị dương. Điều này cho thấy nhóm này có cầu vào mạnh và dòng tiền đã đủ bù đắp cho mức rút ra trong 6 tháng trước. Tuy nhiên với khung một năm thì dòng tiền vẫn đang âm.
Chỉ số dòng tiền của nhóm bất động sản tăng mạnh suốt cả tuần cho thấy so với thị trường chung nhóm này thu hút dòng tiền mạnh hơn.
Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng 1.685 tỷ đồng ở nhóm ngân hàng và 1.466 tỷ đồng cổ phiếu tài nguyên cơ bản, trước khi rút ròng nhẹ hơn ở một số ngành như dịch vụ tài chính (880 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (677 tỷ đồng), hóa chất (360 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (351 tỷ đồng), …
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện HPG của nhóm thép với 1.456,5 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài.
Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của Vinhomes, VHM cũng bị bán ròng với giá trị 1.264,1 tỷ đồng. Kế đó, hai ông lớn ngành tài chính ngân hàng là STB và SSI lần lượt bị bán ròng 741,6 tỷ đồng và 616,5 tỷ đồng.
Tương tự, loạt cổ phiếu bất động sản cũng nằm trong top bán ròng, bao gồm VIC, PDR, KBC, KDH với giá trị 260 – 605 tỷ đồng. Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN (469,2 tỷ đồng), CTG (357,6 tỷ đồng).
Cổ phiếu nào được NĐT cá nhân mua/bán ròng nhiều nhất khi VN-Index tăng gần 110 điểm?
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu HPX của Đầu tư Hải Phát vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua, dù trước đó mã này đứng đầu danh mục rút vốn trong tuần trước đó.
Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 329,1 tỷ đồng cổ phiếu HPX, trái ngược so với lực xả từ phía nhà đầu tư nước ngoài (328 tỷ đồng).
Cùng chiều, cổ phiếu NVL của Novaland cũng được mua ròng 135,9 tỷ đồng. Tương tự loạt mã vốn hóa trung bình cũng nằm trong danh mục mua ròng như DXG, SSB, PC1, HAG với giá trị dưới 70 tỷ đồng.