|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

STB tăng 23%, dẫn đầu ngành ngân hàng tháng qua; vốn hóa Vietcombank lấy lại mốc 400.000 tỷ

17:46 | 04/12/2022
Chia sẻ
Cổ phiếu STB của Sacombank là mã đi lên mạnh nhất ngành ngân hàng trong tháng từ 2/11 đến 2/12. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu EIB của Eximbank có nhiều phiên giảm sàn liên tiếp và mất gần 37% giá trị.

Vietcombank hiện là ngân hàng có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Trong một tháng từ 2/11 đến 2/12/2022, các cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa rõ rệt khi có nhiều mã tăng mạnh nhưng cũng có nhiều cái tên giảm sâu.

Cổ phiếu STB của Sacombank đi lên 23,4% trong tháng vừa qua, dẫn đầu toàn ngành. Phiên gần đây nhất 2/12, STB tăng kịch trần lên 20.850 đồng/cp, nhiều cổ phiếu ngân hàng khác cũng đóng cửa trong sắc tím gồm VIB, CTG và LPB.

Cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân bám đuổi sát nút STB với thành tích đi lên 23,1% trong một tháng.

Hai cổ phiếu khác cũng tăng trưởng trên 20% trong tháng qua là BID của BIDV và LPB của LienVietPostBank. Trong đó, BID không những có hiệu suất tốt trong tháng vừa qua mà còn giúp nhà đầu tư sinh lợi theo khung thời gian 3 tháng, 6 tháng và tính từ đầu năm.

Cổ phiếu ngân hàng phân hóa trong tháng 2/11 - 2/12.

STB không chỉ tăng mạnh nhất mà còn là cổ phiếu ngân hàng được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trong tháng qua với giá trị 1.787 tỷ đồng.

Xét trên phạm vi toàn thị trường, STB chỉ đứng sau hai cổ phiếu khác là VHM của Vinhomes và HPG của Hòa Phát. Biểu đồ dưới đây cho thấy một cổ phiếu ngân hàng khác là CTG của VietinBank cũng có tên trong top 10 khối ngoại mua ròng trong tháng vừa qua.

Nhiều cổ phiếu được khối ngoại mua ròng hàng nghìn tỷ đồng trong một tháng.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu EIB của Eximbank là mã giảm mạnh nhất ngành ngân hàng trong tháng gần đây khi mất gần 37% giá trị. Trong 11 phiên giao dịch từ ngày 7 đến 21/11, EIB ghi nhận 9 phiên giảm kịch sàn, bao gồm 7 phiên giảm sàn liên tiếp.

Văn bản giải trình ngày 16/11 của Eximbank cho biết cổ phiếu EIB tăng giảm “là do cung cầu của thị trường, nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng”.

“Hiện tại Eximbank vẫn hoạt động bình thường, hiệu quả kinh doanh 9 tháng đầu năm đạt kết quả khả quan với nhiều chỉ tiêu hoạt động đã vượt kế hoạch năm 2022”, Eximbank cho biết. “Ngân hàng chúng tôi khẳng định hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong thời gian qua tăng trưởng rất tốt, an toàn và luôn tuân thủ đúng các quy định của pháp luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước”.

Hôm 2/12 vừa qua, Eximbank đã công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng tài sản dự kiến đạt 210.000 tỷ đồng, tăng khoảng 14% so với mức ước tính cuối năm 2022. Huy động cuối kỳ phấn đấu tăng gần 12% lên 165.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng dự kiến giảm từ 1,7% xuống 1,6%.

Lợi nhuận trước thuế năm nay ước đạt 3.500 tỷ đồng, năm 2023 có thể đạt 5.000 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 43%.

Ngày 16/1/2023, Eximbank sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường. Nội dung cụ thể chưa được tiết lộ. Danh sách cổ đông đã được chốt vào ngày 28/11/2022.

Vốn hóa Vietcombank quay lại mốc 400.000 tỷ

Phiên cuối tuần 2/12, cổ phiếu VCB của Vietcombank bật tăng 6,3% và đóng cửa ở 85.000 đồng/cp. Giá trị thị trường của VCB tăng thêm gần 23.700 tỷ đồng (tức xấp xỉ 1 tỷ USD) trong một phiên và vượt mốc 400.000 tỷ đồng. Biểu đồ bên dưới cho thấy lần gần đây nhất vốn hóa Vietcombank ở trên mốc 400.000 tỷ là vào ngày 30/8 năm nay.

Vốn hóa Vietcombank vượt mốc 400.000 tỷ đồng.

Hiện nay Vietcombank đang vững vàng ở ngôi quán quân vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vượt xa các doanh nghiệp đứng sau như Vingroup, Vinhomes hay PV GAS.

Vietcombank hiện chiếm hơn 9% vốn hóa trên toàn sàn HOSE, và cũng là doanh nghiệp duy nhất có giá trị thị trường trên 300.000 tỷ đồng. Ba ngân hàng khác là BIDV, VietinBank và VPBank cũng góp mặt trong top 10 vốn hóa của HOSE.

Vietcombank là doanh nghiệp duy nhất có giá trị thị trường trên 400.000 tỷ đồng. 

Song Ngọc