|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tổ chức trong nước bán ròng hơn 1.100 tỷ đồng khi VN-Index rơi khỏi mốc 1.080 điểm, tâm điểm TCB, ACB, MSB

10:44 | 07/02/2023
Chia sẻ
Tuần 30/1 – 3/2, tổ chức trong nước chuyển hướng bán ròng 1.144 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch rút vốn tập trung ở nhóm ngân hàng với các đại diện như TCB, ACB, MSB.

Trong tuần giao dịch đầu năm Quý Mão, VN-Index giảm mạnh trước áp lực chốt lãi ngắn hạn và sự suy yếu nhanh của các cổ phiếu trụ cột. Thị trường dù vậy cân bằng trong hai phiên cuối tuần khi khối ngoại đẩy mạnh mua ròng. Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 3,58% xuống 1.077,15 điểm.

Đà giảm diễn ra trên diện rộng với 257/404 cổ phiếu và 15/19 ngành giảm điểm. Một số ngành đã tăng mạnh và ngành có hệ số beta cao như hàng cá nhân & gia dụng, du lịch & giải trí, dịch vụ tài chính và bất động sản giảm trên 5% trong khi bán lẻ, ô tô & phụ tùng, y tế và truyền thông đi ngược xu hướng.

Về giao dịch của tổ chức trong nước, họ có tuần bán ròng 1.144 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 1.000 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Nhóm ngân hàng tiếp tục trở thành tâm điểm rút vốn của tổ chức nội

Theo thống kê của FiinTrade, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều bán ròng của các tổ chức trong nước chiếm ưu thế khi diễn ra ở 12/18 nhóm ngành.

Trong đó, cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần với 510 tỷ đồng, chỉ số giá ngành giảm 2,99% trong tuần. Điều này cho thấy nhóm này đã có lực bán ra.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa rõ nét trong tuần qua, các cổ phiếu tăng điểm gồm PGB, HDB, VIB, OCB, NAB, trong khi VCB không thay đổi giá, một số cổ phiếu khác giảm hơn 6% như VPB, LPB, ACB, TCB, SHB, toàn bộ giảm hơn 6%.

Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là dịch vụ tài chính (174 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (119 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (103 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Chiều ngược lại, ngành bán lẻ được dòng tiền của các tổ chức nội hướng sự chú ý trong tuần 30/1 – 3/2 với giá trị 115 tỷ đồng.

Trong tuần qua, nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ có tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng lên 2,79% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp. Trong đó, chỉ số giá tăng 2,29% bất chấp thị trường chung giảm điểm.

Nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động gồm MWG, FRT, DGW, PET, ABS trong đó MWG là cổ phiếu tăng 4,14% hỗ trợ chỉ số cả ngành. Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm bán lẻ tăng trong tuần chỉ số giá tăng cho thấy có cầu chủ động đẩy giá. Chỉ số dòng tiền của nhóm bán lẻ tăng mạnh so với thị trường chung cho thấy dòng tiển đổ mạnh vào nhóm này.

Bên cạnh đó, nhóm bảo hiểm, dầu khí, hàng & dịch vụ công nghiệp, ô tô & phụ tùng, xây dựng & vật liệu cũng thu hút sự chú ý của dòng tiền với giá trị thấp hơn.

Cổ phiếu nào được mua/bán ròng mạnh nhất?

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần qua nổi bật nhất là cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới Di động với 119,3 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất hút ròng trên 100 tỷ đồng của tổ chức trong nước, đối ứng với chiều bán ròng của NĐT cá nhân.

Lũy kế cả năm 2022, doanh thu thuần của MWG tiếp tục lập kỷ lục với 133.405 tỷ đồng, tăng gần 8,5% so với năm 2021 nhưng chỉ hoàn thành 95% mục tiêu năm. Lợi nhuận giảm sâu trong quý IV đã kéo lãi ròng cả năm ngoái còn 4.100 tỷ, giảm 16% so với mức kỷ lục của 2021 và mới đạt 65% chỉ tiêu năm.

Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 88 tỷ đồng cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam. Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như HAH (75,1 tỷ đồng), NVL (38 tỷ đồng), MSN (37,8 tỷ đồng), …

Trở lại chiều bán ròng, danh mục rút vốn của tổ chức trong nước có sự góp mặt của nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng như TCB (132,7 tỷ đồng), ACB (131,4 tỷ đồng), MSB (124,6 tỷ đồng). Top 5 bán ròng còn có các đại diện như chứng chỉ quỹ FUEVFVND (115,1 tỷ đồng) và PNJ (102,3 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

 

Linh Chi