Tổ chức trong nước bán ròng 1.235 tỷ đồng khi VN-Index ngắt chuỗi tăng điểm, tâm điểm TPB, VIC
Về giao dịch của tổ chức trong nước, họ có tuần bán ròng 1.235 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh các tổ chức nội rút ròng 332 tỷ đồng.
Trong tuần 5 – 9/12, VN-Index thoái lui 2,6% trước áp lực chốt lãi sau khi đã tăng mạnh 11,1% tuần trước đó, qua đó tạm dừng chuỗi tăng điểm 3 tuần liên tiếp. Thị trường có sự phân hóa với 143 cổ phiếu tăng/240 cổ phiếu giảm và 5/19 ngành tăng điểm.
Dòng tiền tuần qua vận động nhanh qua các nhóm cổ phiếu dầu khí, hóa chất, thủy sản, chứng khoán, xây dựng giúp các cổ phiếu ngành khởi sắc nhưng ngân hàng, bất động sản, thực phẩm đồ uống lại chịu áp lực chốt lời.
Khối ngoại duy trì đà mua ròng khoảng gần 4.200 tỷ đồng, hỗ trợ VN-Index nhanh chóng ổn định sau phiên chốt lãi mạnh và tích lũy quanh 1.050 điểm. Về giao dịch của tổ chức trong nước, họ có tuần bán ròng 1.235 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh các tổ chức nội rút ròng 332 tỷ đồng.
Nhóm BĐS tiếp tục trở thành tâm điểm rút vốn của tổ chức nội
Mặc dù bán ròng trong tuần qua, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì chiều mua ròng của các tổ chức trong nước chiếm ưu thế khi diễn ra ở 11/18 nhóm ngành.
Trong đó, ngành bán lẻ được dòng tiền của các tổ chức nội hướng sự chú ý trong tuần 5 – 9/12 với giá trị 104 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổ chức trong nước cũng duy trì mua ròng hơn 72 tỷ đồng ở nhóm hóa chất, công nghệ thông tin (66 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (44 tỷ đồng), tài nguyên cơ bản (38 tỷ đồng), dầu khí (25 tỷ đồng), …
Ngoài ra, nhóm bảo hiểm, ô tô & phụ tùng, xây dựng & vật liệu,… cũng thu hút sự chú ý của dòng tiền với giá trị thấp hơn.
Cổ phiếu bất động sản vẫn là nhóm bị bán ròng nhiều nhất trong tuần với 339 tỷ đồng, chỉ số giá ngành giảm sâu nhất với 3,97%. Tương tự, cổ phiếu thực phẩm & đồ uống, ngân hàng cũng nằm trong Top bán ròng với giá trị lần lượt là 190 tỷ đồng và 82 tỷ đồng.
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng có tỷ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng lên 20,15% toàn thị trường, chỉ số giá giảm 3,28% với sự phân hóa mạnh của các cổ phiếu với 11/27 mã tăng điểm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn VCB, BID nằm trong top giảm điểm của ngành. Tuy nhiên, các cổ phiếu LPB, STB, EIB tăng mạnh.
Nối tiếp, lực xả nhẹ hơn cũng được ghi nhận ở một số nhóm cổ phiếu, lần lượt là hàng cá nhân & gia dụng (31 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (28 tỷ đồng), du lịch & giải trí (27 tỷ đồng), …
Theo thống kê từ Fiintrade, nhóm cổ phiếu chứng khoán có tuần giao dịch mạnh với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 15,58% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá ngành tăng 0,92% trong tuần. Điều này cho thấy nhóm này tiếp tục có cầu vào mạnh.
Cổ phiếu của các công ty chứng khoán có nhiều mã phục hồi tốt nhưng vẫn nằm trong top các mã giảm điểm trong vòng một năm. Trong tuần CSI, CTS, PHS, FTS, VND là những mã tăng hơn 10%. Tính từ đầu năm duy nhất CSI tăng điểm. Trong khi top các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất SSI, VND, VCI, HCM, SHS, MBS giảm trên 51% từ đầu năm.
Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm chứng khoán biến động mạnh trong tuần, kết thúc tuần đi ngang và mang giá trị dương. Điều này cho thấy nhóm này có biến động mạnh cả về cung và cầu, tuy nhiên bên cầu vẫn chiếm ưu thế. Chỉ số dòng tiền của ngành chứng khoán tăng trong tuần cho thấy so với thị trường chung nhóm này thu hút dòng tiền mạnh hơn.
TPB dẫn đầu Top bán ròng
Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước tuần qua nổi bật nhất là cổ phiếu MBB của MBBank với 108,9 tỷ đồng. Đây cũng là mã duy nhất hút ròng trên 100 tỷ đồng của tổ chức trong nước, đối ứng với chiều bán ròng của NĐT cá nhân.
Nối tiếp, các tổ chức nội gom ròng 73,6 tỷ đồng cổ phiếu HDG của Tập đoàn Hà Đô. Theo báo cáo cập nhật của Chứng khoán MB, HDG đang thuộc top 4 công ty năng lượng tái tạo niêm yết có công suất lớn nhất vào cuối năm 2022 và theo đó HDG đang hưởng lợi từ đà tăng trưởng ổn định của nhu cầu điện của Việt Nam trong các năm tới.
Hơn nữa, năng lượng là lĩnh vực kinh doanh ổn định, có biên lợi nhuân cao và hứa hẹn đem đến bứt phá trong trung dài hạn cho tập đoàn. Tính đến nay, HDG đã có 8 nhà máy đi vào vận hành với tổng công suất 462 MW, trong đó có 1 nhà máy điện gió (7A).
HDG đang chờ phê duyệt Quy hoạch Phát triển Điện lực Việt Nam (PDP) VIII để triển khai kế hoạch nâng công suất điện lên gấp đôi vào 2025. HDG cũng tự tin rằng dự án điện gió lớn An Phong 300 MW của công ty sẽ được đưa vào PDP VIII.
Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu vốn hóa lớn như MWG (69,1 tỷ đồng), FPT (67,5 tỷ đồng), TCB (58,8 tỷ đồng).
Trở lại chiều bán ròng, danh mục bán ròng của tổ chức trong nước có sự góp mặt của TPB (500 tỷ đồng). Ông lớn bất động sản VIC cũng nằm trong danh mục rút vốn với quy mô 419,3 tỷ đồng). Cuối cùng, top 5 bán ròng còn có các đại diện như SBT (111 tỷ đồng), VNM (88,1 tỷ đồng), PNJ (62 tỷ đồng), …