Tivi giá 'bèo' vẫn ế
Thông tin từ các trung tâm, siêu thị điện máy tại TP HCM cho thấy sức mua các mặt hàng điện máy, trong đó có tivi, giảm mạnh từ 40%-60% so với trước khi xảy ra dịch Covid-19.
Lượng tồn kho lớn
Ông Lê Văn Lợi, phụ trách kinh doanh tại một hệ thống bán lẻ điện máy ở TP HCM, nhận xét sức mua giảm mạnh gây áp lực lớn cho các hệ thống bán hàng điện tử.
Thông thường, nếu một nhà bán lẻ tiêu thụ khoảng 500 tivi/tháng thì có mức tồn kho hợp lý là khoảng 1.000 chiếc tivi. Nhưng hiện nay, hầu hết nhà bán lẻ đều có mức tồn kho gấp 2-3 lần tỉ lệ trên.
Ông Huỳnh Ngọc Thái, người phân phối mặt hàng tivi tại TP HCM và khu vực ĐBSCL, cho biết từ đầu tháng 4-2020, các hãng điện máy đã nhập đầy kho những mẫu tivi mới của năm 2020.
Trong khi đó, sức mua trên thị trường sụt giảm mạnh khiến các nhà bán lẻ phải tìm nhiều giải pháp để đẩy hàng tồn ở cả mẫu mới và mẫu cũ nhập về trước đó.
Thậm chí, một số hệ thống nắm được tâm lý cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng nên đã không nhập ồ ạt tivi mẫu mới như thông lệ trước đây. Thay vào đó, họ chỉ nhập một lượng nhỏ để phục vụ trưng bày hoặc tiêu thụ số lượng ít.
"Để bán được hàng, các nhà bán lẻ buộc phải giảm giá từ 20%-50%, kèm theo nhiều chính sách khuyến mãi, tặng quà hấp dẫn nhằm thu hút người mua.
Ngay cả các mẫu tivi cao cấp như Oled, Qled cũng phải giảm giá mạnh. Tuy vậy, tiêu thụ mặt hàng này vẫn rất chậm" - ông Thái ngao ngán.
Theo ghi nhận của phóng viên, tivi của các hãng nổi tiếng như Samsung, LG, Sony… đều giảm giá mạnh tới hàng chục triệu đồng. Giảm mạnh nhất là tivi Oled 4K 55 inch của LG với mức giảm đến 28 triệu đồng, đưa giá sản phẩm về còn 27 triệu đồng.
Ngoài ra, mẫu Samsung 4K 65 inch cũng giảm gần một nửa, từ giá 30 triệu đồng còn 16 triệu đồng; tivi LG 4K 65 inch giảm từ 34 triệu đồng còn 17 triệu đồng… Nhiều dòng khác có giá chỉ 6-7 triệu đồng/chiếc.
Các nhà bán lẻ đua nhau giảm giá tivi để thu hút khách
Tránh mua "hớ"
Với người tiêu dùng có nhu cầu mua tivi trong thời điểm này, dù có cơ hội sở hữu sản phẩm giá rẻ nhưng cũng cần cẩn trọng lựa chọn.
Theo giới chuyên môn, khách hàng chỉ nên chọn tivi được sản xuất cách thời điểm mua từ 1-2 năm để bảo đảm công nghệ tốt nhất. Ngoài ra, người mua cũng cần nhận biết và phân biệt sản phẩm qua tên mã hiệu (bao gồm chữ cái và mã số).
Theo đó, sản phẩm tivi cùng một dòng thường chung dãy mã hiệu, chỉ thay đổi ký hiệu đầu hoặc cuối của tên gọi sau mỗi năm.
Dựa trên mã hiệu, có thể nhận biết được tivi sản xuất năm nào, từ đó đánh giá được sản phẩm còn phù hợp hay không, giá rẻ hay vẫn cao so với sản phẩm mới…?
Ông Huỳnh Ngọc Thái cho rằng khác với smartphone hay máy tính, chất lượng của tivi không phụ thuộc quá lớn vào cấu hình chip, bộ nhớ, phần mềm...
Theo ông, cấu hình tivi và phần mềm có thể khác biệt qua mỗi đời, mỗi năm nhưng sự khác biệt không nhiều. Vì thế, những mẫu tivi ra mắt 1-2 năm trước vẫn bảo đảm công nghệ không bị lỗi thời nhưng giá thấp hơn loại mới nhất.
"Công nghệ của tivi chững lại nhiều năm qua. Cũng có công nghệ mới được giới thiệu rầm rộ nhưng cần thời gian dài để thị trường thích ứng.
Chẳng hạn, màn hình 8K đã xuất hiện từ năm ngoái nhưng nội dung vẫn hạn chế; hay tivi 4K ra đời được 5 năm mà kho nội dung trực tuyến và truyền hình 4K vẫn chưa được định hình" - ông Thái dẫn chứng và cho rằng tivi đời cũ vẫn đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.
Nhưng mặt hàng tivi thường rớt giá rất nhanh nên người tiêu dùng cần nắm được đặc điểm này để lựa chọn sản phẩm và giá cả phù hợp nhất.
Chẳng hạn, một chiếc tivi 75 inch model đời 2019 khi ra mắt có giá niêm yết 60 triệu đồng nhưng chỉ vài tháng sau chỉ còn khoảng 30 triệu đồng. Dòng sản phẩm nào giữ giá lâu nhất thì cũng bắt đầu giảm sau khoảng nửa năm có mặt trên thị trường.
Khách e ngại nhãn hiệu mới
Thị trường tivi giá rẻ gần đây có sự góp mặt của thương hiệu Xiaomi với nhiều mẫu giá rẻ hơn sản phẩm của Samsung, LG, Sony… từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.
Ở phân khúc 65 inch, hãng này có sản phẩm khoảng 11-12 triệu đồng, phân khúc 75 inch có tivi giá hơn 20 triệu đồng.
Nhiều nhà bán lẻ cho biết người tiêu dùng vẫn e dè với thương hiệu không quen thuộc nên ít chọn mua.
Hơn nữa, tivi nhãn hiệu Xiaomi chưa được phân phối chính hãng nên việc bảo hành đang gặp khó khăn, thiếu linh kiện bảo hành hoặc linh kiện không bảo đảm chất lượng...