Tính thuế đối sản phẩm đồ uống có cồn cần đảm bảo lộ trình phù hợp
Trình bày tổng quan về thực trạng chính sách thuế hiện hành đối với sản phẩm đồ uống có cồn (rượu, bia), bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA cho biết, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt ở Việt Nam hiện hành đang áp dụng phương pháp tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được tính trên cơ sở giá bán sản phẩm chưa có thuế giá trị gia tăng, chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt chia cho 1+ thuế suất thuế giá trị gia tăng.
Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm có cồn, tính từ khi có Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 1990 đến nay đã được thay đổi 12 lần, kể cả về sản phẩm chịu thuế, thuế suất, nồng độ cồn.
Cụ thể, quá trình hoàn thiện chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt trong thời gian từ năm 1990 đến nay đã thể hiện rõ tính chất điều tiết, đặc trưng của sắc thuế và mức độ phức tạp của thuế tiêu thụ đặc biệt nói chung, đồ uống có cồn, rượu bia nói riêng.
“Thuế suất thời điểm cao nhất đối với rượu (trừ rượu dưới 20 độ) và bia các loại là 90%, gấp hai lần thời điểm thấp nhất là 45%. Điều đó, làm rõ quan điểm trong chính sách điều tiết thu ngân sách nhà nước đối với các sản phẩm chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, bao gồm rượu bia, đã tính toán các phương án, đảm bảo hài hòa các yếu tố: Sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, điều tiết thu ngân sách nhà nước, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, bà Nguyễn Thị Cúc nêu rõ.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, chưa sản phẩm nào có sự thay đổi chính sách, thuế suất nhiều như rượu bia. Khi cơ quan soạn thảo đưa ra phương pháp tính thuế, thuế suất, chính sách cần đảm bảo đồng bộ để doanh nghiệp ổn định trong đầu tư, sản xuất kinh doanh. Bởi việc thay đổi chính sách chắc chắn ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp, cần tránh rủi ro quá mức khi điều chỉnh chính sách.
Việc xây dựng chính sách thiếu sự đánh giá tác động toàn ngành, đối tượng có liên quan sẽ gây nên nhiều bất cập khi thực thi, do đó, khi xây dựng chính sách cần tham vấn rộng rãi hơn với các bên liên quan.
Còn theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công, cần đánh giá kỹ lưỡng hành vi người tiêu dùng, tác động đến số thu ngân sách, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cần có bằng chứng rõ ràng, căn cứ cụ thể.
Tuy nhiên, cơ chế phối hợp, liên kết giữa cơ quan làm chính sách và nghiên cứu hiện nay lỏng lẻo. Theo ông Cường, tại các quốc gia phát triển, khi sửa đổi chính sách thường sử dụng nghiên cứu của các cơ quan nghiên cứu, đơn vị độc lập làm bằng chứng để thấy rõ tác động chính sách.
Thế nhưng, tại Việt Nam việc sửa đổi chính sách nhiều khi còn đẩy nhiều trách nhiệm đến cơ quan làm chính sách nhưng nguồn lực các cơ quan này không đủ khi phải kiêm nhiều nhiệm vụ, gồm quản lý, làm chính sách lại vừa nghiên cứu.
Bà Nguyễn Minh Thảo nêu khuyến nghị, cải cách chính sách thuế cần gắn với tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh tự do và an toàn; đảm bảo tính ổn định và nhất quán giữa các chính sách; trong đó có chính sách phát triển ngành.
Cùng với đó, cải cách chính sách thuế nên tham khảo, cập nhật để phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế. Cân bằng giữa các mục tiêu điều tiết sản xuất, tiêu dùng, nguồn thu; mục tiêu về y tế, phát triển kinh tế, tạo nguồn thu và các vấn đề xã hội khác; nghiên cứu áp dụng đa dạng các phương pháp tính thuế, việc áp dụng phương pháp thuế hay chuyển đổi phương pháp thuế cần đảm bảo lộ trình phù hợp.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, điều chỉnh chính sách thuế; trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn, cần đảm bảo các yếu tố, cụ thể như cơ quan soạn thảo thực hiện nghiên cứu, đánh giá tác động toàn diện về kinh tế - xã hội, dựa trên các căn cứ khoa học và thực tiễn, cũng như tham vấn ý kiến rộng rãi, nhất là các đối tượng chịu tác động bởi chính sách, tạo đồng thuận về chính sách.
Đặc biệt, bà Thảo nhấn mạnh rằng, cần kết hợp với các biện pháp khác như các chính sách liên quan tới đồ uống có cồn, chẳng hạn như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Nghị định số 100/2019/NĐ - CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt...; tuyên truyền về việc lạm dụng đồ uống có cồn; giám sát, kiểm tra.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc Công ty PwC Việt Nam khuyến nghị, cần xác định rõ mục tiêu và chiến lược dài hạn của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với từng nhóm hàng để xây dựng mô hình thuế và lộ trình cải cách phù hợp. Có thể áp dụng các mô hình khác nhau cho 3 nhóm đồ uống có cồn do sự đặc thù của từng nhóm, cũng như việc chuyển đổi từ tương đối sang tuyệt đối ngay sẽ phức tạp và gây xáo trộn.
Bên cạnh đó, nên dịch chuyển dần từ tương đối sang hỗn hợp trước khi tiến đến hệ thống thuế tuyệt đối. Đồng thời, cần xây dựng lộ trình cải cách thuế một cách rõ ràng minh bạch và dịch chuyển dần theo hướng hệ thống thuế mong muốn như tăng dần cấu phần tuyệt đối và giảm dần cấu phần tương đối.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam mong muốn, chính sách được sửa đổi theo hướng khách quan, công bằng, đảm bảo lợi ích các bên; khi nghiên cứu ban hành cần có bằng chứng khoa học và phù hợp với bối cảnh nền kinh tế hiện tại.
"Trong tiến trình nghiên cứu hoàn thiện hệ thống chính sách thuế, cải cách thể chế và quản lý thuế cần thực hiện song hành, hài hòa giữa thực hiện theo thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt nam", bà Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh.