|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tinh bột sắn Việt Nam bị thương lái Trung Quốc 'chèn ép'

14:33 | 11/04/2019
Chia sẻ
Cục Xuất nhập khẩu cho biết nhu cầu mua sắn của các nhà máy phía Trung Quốc đã chậm lại.

Nhu cầu từ Trung Quốc vẫn thấp

Theo Cục Xuất Nhập khẩu, nhu cầu mua sắn của các nhà máy phía Trung Quốc đã chậm lại, một số nhãn hàng tinh bột sắn của Việt Nam bị sức ép bán hàng luân chuyển với mức giá khá thấp, tạo đà cho thương nhân Trung Quốc đề xuất giảm giá các nhãn hiệu tinh bột sắn dùng cho ngành thực phẩm.

Các đơn vị kinh doanh sắn lát vẫn tiếp tục nhập hàng vào lưu kho chờ cơ hội xuất bán.

Tuy nhiên, việc Thái Lan tăng giá sàn xuất khẩu mặt hàng này thêm 10 USD/tấn đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh sắn lát Việt Nam ổn định giá đầu ra.

Tinh bột sắn Việt Nam bị thương lái Trung Quốc chèn ép - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Tổng khối lượng sắn lát vụ mới về kho Quy Nhơn trong niên vụ 2018 - 2019 ước tính sẽ đạt khoảng 180.000 - 190.000 tấn, thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước. 

Cục Xuất nhập khẩu cho biết do nguồn nguyên liệu cuối vụ giảm nên so với cuối tháng 2, chào giá sắn lát xuất khẩu của các nhà máy Việt Nam trong tháng 3 tăng 20 USD/tấn lên  440 - 450 USD/tấn FOB (giao trên tàu) cảng TP HCM.

Xuất khẩu sắn quí I vẫn ảm đạm

Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu, tháng 3 xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 280.000 tấn, trị giá 104 triệu USD, tăng 104,6% về lượng và tăng 97% về trị giá so với tháng 2; so với cùng kì năm 2018 giảm 12,5% về lượng và giảm 6,4% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân tăng 7% so với cùng kì năm 2018, lên 371 USD/tấn. 

Tính chung quí I, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 689.000 tấn, trị giá 256 triệu USD, giảm 22,8% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với cùng kì năm 2018. 

Tính riêng mặt hàng sắn, trong tháng 3 xuất khẩu ước đạt 84.000 tấn, trị giá 18 triệu USD, tăng 212,4% về lượng và tăng 249,3% về trị giá so với tháng 2.

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3, xuất khẩu sắn ước đạt 178.000 tấn, trị giá 34 triệu USD, giảm 57,7% về lượng và giảm 60,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. 

Trong tháng 3, giá sắn nguyên liệu trong nước biến động trong biên độ hẹp, tăng nhẹ so với đầu tháng, nhưng vẫn giảm so với cuối tháng 2 do xuất khẩu gặp khó khăn. 

Tại Tây Ninh, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.750 – 2.950 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với đầu tháng 3, nhưng vẫn giảm nhẹ so với cuối tháng 2. 

Tại Kon Tum, giá sắn thu mua tại nhà máy dao động quanh mức 2.200 – 2.400 đồng/kg. Giá sắn lát đưa về cửa khẩu tại Tây Ninh và Bình Phước vẫn ở mức thấp do thiếu đơn hàng xuất khẩu, đồng thời chất lượng sắn đưa về kém hơn, độ ẩm cao.


Đức Quỳnh