Tín dụng xanh: Lối đi lớn nhưng vẫn còn nhiều chông gai
(Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN) |
Trong khi tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán ngày càng bị siết chặt, bên cạnh việc ưu tiên cho vay để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nhiều ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh việc rót vốn vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng Mặt Trời, các dự án thân thiện với môi trường…
Ngân hàng mạnh dạn vào cuộc
Dành nguồn vốn nhiều nhất đến thời điểm này có lẽ phải kể đến HDBank. Ngân hàng này vừa đưa ra gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên cả nước; 7.000 tỷ đồng tài trợ cho các dự án điện Mặt Trời nối lưới thuộc quy hoạch phát triển điện lực quốc gia; 3.000 tỷ đồng phát triển năng lượng tái tạo tại các tỉnh An Giang, Bình Định, Ninh Thuận…
Lãi suất cho vay ưu đãi với mức giảm 1%/năm so với lãi suất thông thường, tài sản thế chấp là tài sản hình thành từ vốn vay với tỷ lệ cho vay lên đến 80%, thời hạn vay tối đa 10 năm.
Lãnh đạo HDBank cho biết, ngoài gói tín dụng trên, ngân hàng còn triển khai nhiều chương trình liên kết với các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong cả nước, cũng như xây dựng các chương trình xuất khẩu đi kèm các giải pháp tài chính chuyên biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đưa sản phẩm nông nghiệp sạch đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Cũng là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện chương trình tín dụng xanh nhằm góp phần bảo vệ môi trường, Nam A Bank đã ký kết với Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) về việc triển khai chương trình Tín dụng xanh tại Việt Nam. Theo đó, Nam A Bank sẽ cấp tín dụng xanh trung và dài hạn cho các dự án thúc đẩy giảm khí thải CO2 và các dự án tiết kiệm 20% nhu cầu năng lượng.
Cụ thể, đối với khách hàng doanh nghiệp, Nam A Bank cấp tín dụng xanh cho các mục đích đầu tư máy móc, thiết bị; bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm, thiết bị thân thiện với môi trường hoặc cung cấp vốn đầu tư đối với các dự án năng lượng Mặt Trời. Trong khi đó, với khách hàng cá nhân, Nam A Bank cho vay mua xe ôtô, vay tiêu dùng, vay đầu tư, vay xây dựng – sửa chữa nhà… miễn là các nhu cầu này không gây tác động đến môi trường.
Chẳng hạn như việc cấp tín dụng xanh cho nhu cầu vay mua ôtô, dòng xe mua phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên. Hoặc với chính sách cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn, Nam A Bank cấp tín dụng xanh cho các mục đích mua sắm thiết bị sản xuất ngành nông nghiệp để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và không gây ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc Nam A Bank chia sẻ rằng biến đổi khí hậu và môi trường bị ô nhiễm là vấn nạn chung của toàn cầu, Nam A Bank mong muốn chung tay xây dựng một môi trường xanh, xã hội bền vững thông qua triển khai dự án “Tôi chọn sống xanh” nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân về xu hướng lựa chọn sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng… Mức lãi suất ưu đãi dành cho chương trình này khoảng 5% - 6%/năm.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng đã mạnh tay rót vốn cho các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, như Vietcombank vừa rót vốn tài trợ 785 tỷ đồng cho dự án nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 tại Ninh Thuận; Agribank tài trợ 950 tỷ đồng cho dự án điện mặt trời Long Thành (tỉnh Đắk Lắk); VietinBank cấp tín dụng 1.000 tỷ đồng cho việc thực hiện dự án Nhà máy Điện mặt trời TTC số 1 (tỉnh Tây Ninh).
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, hiện có khoảng 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, trong đó chủ yếu được thực hiện tại một số hội sở chính và chi nhánh của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, có 26% số ngân hàng xây dựng và triển khai quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, bao gồm các ngân hàng được cấp phép hoạt động dưới hình thức ngân hàng 100% vốn sở hữu nước ngoài như HSBC, Standard Chartered... Một số ngân hàng cổ phần trong nước cũng đã xây dựng và ban hành quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội bằng văn bản.
Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cũng thông tin, dư nợ tín dụng xanh đang tăng nhanh. Cụ thể, nếu như quý 4/2017 dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 180.121 tỷ đồng, thì quý 1/2018 đã ở mức 188.270 tỷ đồng và quý 3/2018 đã đạt 235.717 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đầu tư vào lĩnh vực xanh cũng gặp nhiều khó khăn vì đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao...
Nhiều ngân hàng đã mạnh dạn dành nguồn vốn ưu đãi cho các dự ấn xanh. (Ảnh: T.H/Vietnam+) |
Vẫn còn nhiều trở ngại
Những năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những điều chỉnh để dòng tín dụng phù hợp hơn với mục tiêu tăng trưởng xanh, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được như kỳ vọng.
Lý giải về việc chưa thể đẩy mạnh tín dụng xanh, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết, việc đầu tư vốn vào lĩnh vực xanh đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu. Ngoài ra, vấn đề phức tạp về kỹ thuật thẩm định cũng là trở ngại lớn, dẫn đến tín dụng xanh vẫn còn hạn chế.
Cũng theo vị lãnh đạo này, để khuyến khích phát triển tín dụng xanh, Ngân hàng Nhà nước không nên tính nguồn vốn cho vay dự án xanh, sạch vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để cho vay dự án tín dụng xanh.
Còn ông Lê Kiên Nghị, Phó trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp lớn của BIDV - một trong những ngân hàng đang tham gia tích cực cho vay các dự án xanh sạch - chia sẻ, BIDV đã, đang tập trung cho vay các dự án sạch như về dự án điện, xử lý rác thải môi trường… Trong quá trình cấp tín dụng cho các dự án trên, BIDV đặc biệt quan tâm đến các tiêu chí bảo vệ môi trường, đánh giá tác động của dự án môi trường xã hội. Đây là yêu cầu bắt buộc trong quá trình thẩm định các dự án liên quan đến lĩnh vực xanh. Đến thời điểm này, BIDV đã cho vay 9 dự án điện gió, năng lượng Mặt Trời.
Tuy nhiên, theo ông Nghị, việc tài trợ cho vay của ngân hàng còn nhiều vướng mắc như cơ chế ưu đãi chưa rõ, chi phí đầu tư rất lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài nên các ngân hàng gặp khó khăn về nguồn vốn. Vì cũng như những ngân hàng thương mại khác nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn, trung hạn mà đầu tư cho dự án xanh lại đòi hỏi dài hạn.
Về phía cơ quan quản lý, để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tham gia cấp tín dụng xanh, lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, tới đây, Ngân hàng Nhà nước xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các tổ chức tín dụng. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho 11 ngành kinh tế, xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án thân thiện với môi trường. Nhất là tiếp tục huy động các nguồn lực để thực hiện chính sách tín dụng xanh.
Tiến sỹ Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho biết, việc đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện, song nguồn vốn để phát triển loại hình tín dụng này chủ yếu đến từ vốn chính sách hỗ trợ cho các dự án về môi trường, dự án nông nghiệp có hiệu quả cao... Bởi vậy, để có thể đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, các ngân hàng Việt Nam cũng cần sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Còn Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về môi trường như biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, mục tiêu tăng trưởng của Việt Nam trong vòng hai thập kỷ tới không chỉ là tăng trưởng nhanh như các giai đoạn trước đây mà phải là tăng trưởng xanh và bền vững, hướng tới phát triển kinh tế xanh.
Cũng theo ông Hòe, ngành ngân hàng có chức năng nhiệm vụ là kênh cung ứng vốn cho nền kinh tế và hiện chiếm khoảng 30% GDP thì đương nhiên nó có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển xanh cũng như phát triển bền vững tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chủ trương và chính sách rất rõ ràng. Cụ thể, Thống đốc cũng đã có Chỉ thị và các chương trình hành động hướng các hoạt động ngành ngân hàng vào phát triển xanh. Vì vậy, vai trò của ngành ngân hàng là đặc biệt quan trọng: Là cầu nối giữa các tổ chức, cá nhân, giữa bên thừa vốn và thiếu vốn; tham gia vào quá trình đánh giá và quản lý rủi ro các dự án đầu tư, trong đó gồm cả những rủi ro môi trường.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước chia sẻ về vốn dành cho tín dụng xanh.
Xem thêm |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/