|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín dụng quay đầu giảm, đến giữa tháng 7 chỉ đạt 5,3%

07:20 | 29/07/2024
Chia sẻ
VDSC đánh giá diễn biến này là phù hợp với quy luật về xu hướng tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, do mức thay đổi trong thời gian cuối quý II là cao kỷ lục, nên xu hướng giảm tốc trong tháng 7 nhiều khả năng sẽ mạnh hơn các năm trước.

Trong báo cáo thị trường tiền tệ tháng 7, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết tăng trưởng tín dụng so với đầu năm tính đến ngày 17/7 đạt 5,3%, giảm so với kết quả 6% vào cuối tháng 6. Trước đó vào cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng mới ở mức 3,43%. 

Từ con số trên, có thể ước tính dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã giảm 94.500 tỷ đồng trong 17 ngày đầu của tháng 7. Nhưng nếu so với đầu năm, dư nợ tín dụng vẫn đang tăng khoảng 720.000 tỷ đồng.

VDSC đánh giá diễn biến này phù hợp với quy luật về xu hướng tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, các chuyên viên phân tích cũng nhấn mạnh mức thay đổi trong thời gian cuối quý II là cao kỷ lục, vì vậy, xu hướng giảm tốc trong tháng 7 nhiều khả năng sẽ mạnh hơn các năm trước. 

Tăng trưởng tín dụng vào tháng 7 năm ngoái cũng tụt nhẹ so với kết quả cuối tháng 6. 

Dù vậy, VDSC vẫn ước tính tăng trưởng tín dụng 7 tháng vẫn đạt khoảng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, gần sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm của NHNN là 15%. Đồng thời, theo số liệu của NHNN, tăng trưởng cung tiền tính đến cuối tháng 5/2024 ước đạt 11,1% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng theo năm của tín dụng là 14%.

Ngoài ra, VDSC cũng chỉ ra xu hướng tín dụng tăng trưởng không đồng đều giữa các ngân hàng cũng như các ngành nghề. Theo báo cáo của NHNN, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình của hệ thống, nhưng cũng có ngân hàng đạt kết quả thấp hơn nhiều. 

Theo kết quả công bố gần đây, tăng trưởng tín dụng cao được ghi nhận ở một số ngân hàng như LPBank (tăng 15,2% so với cuối năm 2023), HDBank (13,3%), ACB (12,4%). Trong khi đó, VietinBank thuộc nhóm quốc doanh chỉ ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng khoảng 6,7% tính đến ngày 30/6.

Xét theo lĩnh vực, tính đến cuối tháng 5/2024, những ngành tăng trưởng cao hơn trung bình gồm gồm có công nghiệp (tăng 5,6% so với cuối năm 2023) và thương mại (3,8%). 

Đặc biệt, tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên có sự bứt phá. Ví dụ, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng 9,8% và công nghệ cao tăng 18,2%. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng của lĩnh vực bất động sản cũng cao hơn trung bình, đạt 4,6% vào cuối tháng 5. Trong đó, tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản tăng 10,3%, trái lại, tín dụng dành cho bất động sản tiêu dùng chỉ nhích nhẹ 1,2%.

Ngoài câu chuyện tín dụng, VDSC cũng nhấn mạnh xu hướng nợ xấu tiếp tục gia tăng trong nửa đầu năm 2024 và hoạt động cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ vẫn mạnh mẽ. Theo ước tính của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 5/2024 ở mức 4,94%, cao hơn kết quả 4,55% ghi nhận vào cuối năm 2023. 

Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu gồm cả nợ tiềm ẩn và cơ cấu lại không thay đổi nhiều so với cuối năm 2023, duy trì ở mức 6,9%. Xét về số tuyệt đối, nợ xấu nội bảng tăng thêm khoảng 75.900 tỷ đồng so với cuối 2023, trong khi nợ nội bảng, tiềm ẩn và cơ cấu lại tăng khoảng 30.700 tỷ đồng, VDSC thông tin.

Các chuyên viên phân tích lưu ý rằng nợ cơ cấu lại thời hạn và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 06/2024 và Thông tư 02/2023 tăng khá mạnh, tổng giá trị nợ gốc và lãi đã tăng thêm 25,5% so với cuối năm 2023 lên 230.400 tỷ đồng.

Đồng thời, số lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng đi lên, từ 188.000 lượt lên 282.000 lượt tính đến cuối tháng 6/2024.

Minh Quang