Tín dụng ở TP HCM chưa phục hồi như kỳ vọng
Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng cao hơn dự báo và mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức khá thấp, tín dụng ở Tp. Hồ Chí Minh vẫn chưa phục hồi như kỳ vọng. Thậm chí, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thời gian gần đây có xu hướng thấp hơn mặt bằng chung của cả nước.
Theo số liệu của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, tính đến cuối tháng 8/2024, dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố ước tăng 4,5% so với cuối năm 2023 và tăng 11,4% so với cùng kỳ. Con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng chung của cả nước là 6,63% (thống kê đến ngày 26/8).
Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn có xu hướng chậm lại trong thời gian gần đây, khi tín dụng tháng 6 tăng 4%, nhưng qua tháng 7 chỉ tăng 3,9% và đến tháng 8/2024 bật tăng lên 4,5% so với cuối năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng chậm trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm. Thống kê cho thấy, hết tháng 8, lãi suất cho vay bằng VND thấp hơn 0,9 – 1 điểm % đối với các kỳ ngắn hạn so với cuối năm ngoái, bất chấp lãi suất huy động đang nhích lên.
Với những dữ liệu trên, Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh nhận định: Khả năng hấp thụ vốn của kinh tế thành phố vẫn chưa cải thiện nhiều. Mục tiêu tín dụng tăng trưởng cả năm là 15% sẽ gặp nhiều thách thức nếu không có giải pháp tháo gỡ.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, diễn biến tăng trưởng tín dụng trên địa bàn thời gian qua phù hợp với tình hình sản xuất kinh doanh và nhu cầu vốn của các doanh nghiệp thành phố.
Trên thực tế, sự suy giảm của cầu tín dụng trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh trong 8 tháng năm 2024 là một biểu hiện tất yếu khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức.
Sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 mặc dù tăng 6,2%, mức tăng cao nhất từ đầu năm tới nay và gần bằng mức tăng cùng kỳ trước dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, tốc độ phục hồi ngành vẫn còn khá chậm, từ tháng 4, chỉ số công nghiệp trung bình tăng thêm 0,3 điểm phần trăm so với tháng trước.
Công nghiệp còn nhiều khó khăn khi còn 8/30 ngành cấp II có chỉ số sản xuất giảm; chế biến, chế tạo là trụ cột của ngành công nghiệp nhưng tăng thấp hơn toàn ngành; lao động vẫn còn giảm 3,8%. Mặc dù có nhiều đơn hàng hơn nhưng khi phí đầu vào tăng nhanh khiến biên lợi nhuận của nhiều ngành bị co hẹp.
Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 8 tháng năm 2024 ghi nhận tăng tới 10,3% so với cùng kỳ, song doanh thu sau khi trừ chỉ số giá lại tăng không đáng kể. Trong khi đó, môi trường kinh doanh trong nước chưa được cải thiện, cứ 10 doanh nghiệp tham gia, có 6 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường…
Đặc biệt, giải ngân đầu tư công vẫn còn ở mức thấp, dù thành phố quyết liệt đẩy mạnh thực hiện ngay từ đầu năm. Tính đến hết ngày 23/8, giải ngân đầu tư công trên địa bàn mới đạt 17,6% so với kế hoạch vốn năm 2024, giảm 30,4% so với cùng kỳ.
Báo cáo gần đây của Trường Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh và Cục Thống kê thành phố cũng cho thấy, đầu tư của các doanh nghiệp nội địa trên địa bàn vẫn còn phục hồi chậm tương đối so với cả nước.
Nguyên nhân là do nhu cầu thị trường vẫn chưa tăng trưởng mạnh và đối mặt với nhiều rủi ro. Tiêu dùng trong nước đang phục hồi chậm, trong khi các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được cơ hội đến từ sự phục hồi của thị trường xuất khẩu. Điều này kết hợp với môi trường kinh tế vĩ mô còn nhiều rủi ro và bất định khiến các doanh nghiệp nội trì hoãn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, tình hình nợ xấu có xu hướng gia tăng khiến các ngân hàng khắt khe hơn với các tiêu chuẩn cho vay nhằm bảo toàn thanh khoản phòng ngừa cho các biến cố trong hệ thống. Các doanh nghiệp nội địa vừa và nhỏ không có nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
“Tình hình của các doanh nghiệp quốc nội trên địa bàn thành phố là điều cần phải chú ý hơn trong nửa cuối năm 2024. Tăng trưởng đầu tư trên địa bàn thành phố đang có xu hướng thấp hơn mặt bằng chung cả nước. Trong bối cảnh nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm đi và mặt bằng lãi suất cho vay đang tăng lên, các doanh nghiệp nội địa có khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây là điểm nóng mà Tp. Hồ Chí Minh cần phải tập trung theo dõi”, báo cáo lưu ý.
Các chuyên gia cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh cần phải tập trung nguồn lực để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp quốc nội nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân. Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có nhiều tài sản cầm cố giá trị sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng để duy trì và đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Trong khuôn khổ chức năng của mình, Tp. Hồ Chí Minh cần phải tìm ra những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong việc đăng ký đầu tư, sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản…