|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tín dụng phục hồi, đến 16/8 đã quay đầu tăng 6,25%

15:14 | 23/08/2024
Chia sẻ
Sau khi sụt giảm nhẹ trong tháng 7, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã phục hồi và vượt mức tăng trưởng đã ghi nhận vào cuối tháng 6 (6,1%).

Tín dụng nền kinh tế đang có tín hiệu phục hồi trở lại sau khi sụt giảm vào cuối tháng 7. Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 16/8, tín dụng tăng 6,25% so với cuối năm 2023 trong khi trước đó đến hết tháng 7,tổng dư nợ toàn nền kinh tế tăng 5,66%, thấp hơn con số ghi nhận vào cuối tháng 6 là 6,1%.

 

Bước sụt giảm và phục hồi diễn ra sau khi tăng trưởng tín dụng cuối tháng 6 đã cán đích mục tiêu được Chính phủ đề ra trước đó có phần giống với giai đoạn tăng tốc cuối năm 2023 và sụt giảm trong quý đầu năm 2024, sau đó lại tăng trở lại từ quý II.

Tại địa bàn TP HCM, dư nợ tín dụng tháng 7giảm nhẹ 0,09% so với tháng trước đó. Chia sẻ về nguyên nhân của sự sụt giảm này, ông Nguyễn Đức Lệnh,Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, cho biết tín dụng tháng 7giảm nhẹ chủ yếu là khoản tín dụng ngắn hạn đến hạn và tín dụng ngoại tệ giảm.

"Tuy vậy, với tình hình kinh tế xã hội và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là những nhóm ngành lĩnh vực động lực tăng trưởng kinh tế  tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực sẽ là yếu tố môi trường quan trọng để duy trì và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới", ông nhận định.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tăng trưởng tín dụng trong nửa đầu năm được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố như lãi suất cho vay tiếp tục duy trì ở mức thấp, nhiều gói tín dụng ưu đãi được tung ra với quy mô lớn hơn. Cùng với đó, là các động lực đến từ sản xuất phục hồi và tín hiệu tích cực từ FDI,xuất nhập khẩu. 

Theo số liệu công bố từ NHNN, trong nửa đầu năm lãi suất đối với các khoản vay mới và cũ tiếp tục giảm. Đến cuối tháng 6/2024, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so cuối năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so cuối năm 2023.

Mặc dù lãi suất huy động tại các ngân hàng đã xuất hiện nhiều đợt điều chỉnh tăng nhưng phần lớn là tăng lãi suất ngắn hạn, còn lãi suất trung và dài hạn vẫn ở mức rất thấp. Đồng thời, lãi suất cho vay vẫn được giữ ở mức thấp theo chủ trương định hướng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của NHNN.

Có thể nhận thấy rằng với con số hiện tại thì mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu của năm 2024 từ 14 - 15% là tương đối thách thức. 

Trước đó theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo, thống kê (NHNN) về xu hướng kinh doanh quý II/2024, các TCTD dự báo dư nợ tín dụng toàn hệ thống tăng bình quân 3,8% trong quý II/2024 và tăng 13,6% trong năm 2024. Huy động vốn toàn hệ thống tăng 3,5% trong quý II/2024 và tăng 9,9% trong năm 2024.

Trên thực tế, dù tín dụng tăng trở lại từ tháng 3 nhưng có sự phân hóa giữa các tổ chức tín dụng. Những ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp nhưLPBank, OCB, HDBank, Techcombank,... ghi nhận mức tăng trưởng cao trong khi nhóm các ngân hàng bán lẻ và các "ông lớn" Big4 lại có con số tăng trưởng tín dụng thấp hơn.

H.T