Tìm thủ phạm “ngáng chân” nợ xấu
Ngày 6/12, tại Hội thảo Quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng”, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, ngoài các giải pháp bán nợ, cơ cấu lại khoản nợ gắn với cơ cấu lại doanh nghiệp, xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) để thu hồi nợ là giải pháp quan trọng nhất để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu vì hơn 90% khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, biện pháp xử lý tài sản bảo đảm (bán, phát mại) thu hồi nợ chưa được thực hiện hiệu quả chỉ đạt khoảng 13,9 nghìn tỷ đồng/493 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý.
Đại diện Vietinbank, VPbank thì khẳng định: Trong thực tế, thu hồi nợ, ngân hàng đối mặt với nguy cơ tranh chấp pháp lý do quyền đòi nợ trở thành “bán hợp pháp”. Trong nhiều vụ tranh chấp đòi nợ, khởi kiện ra tòa mà kết quả phân xử tuyên ngân hàng thắng kiện, được thu nợ và tài sản thế chấp. Song thực tế, tài sản thế chấp lại thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba khiến cho việc xử lý, “bắt nợ” tài sản rất gian nan…
Còn đại diện Techcombank thì cho biết, trong hoạt động xử, việc thu giữ, bán, sang tên, hạch toán thu nợ một số TSBĐ của ngân hàng kéo dài hàng năm trời. Cá biệt có không ít trường hợp phiên đấu giá thành tài sản đã diễn ra từ năm 2013. Tuy nhiên, đến nay, tài sản vẫn chưa được sang tên cho bên trúng đấu giá do không nhận được sự hợp tác từ bên bảo đảm, chính quyền địa phương không đồng thuận.
Trong 4 năm qua, tính đến thời điểm 31/12/2015, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 493 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các TCTD tự xử lý (chiếm 55,4%), còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức, cá nhân khác) chiếm 44,6%.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh chỉ ra: Các tài sản bảo đảm của ngân hàng chủ yếu là bất động sản, giá trị tăng giảm phụ thuộc vào diễn biến thị trường. “Nếu ngân hàng xử lý được các bất động sản thế chấp khi thị trường tốt lên thì sẽ thu về giá trị rất lớn. Đây là thách thức của ngân hàng khi phải xử lý tài sản bất động sản như dự án, đất đai”, ông Ánh nói.
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, việc xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật được xây dựng đồng bộ, minh bạch, phù hợp.
Trong đó, cần tôn trọng quyền chủ nợ hợp pháp của bên cho vay, tạo lập được khuôn khổ pháp lý cho các bên liên quan thực thi. Đặc biệt là các chủ nợ thực thi được quyền hợp pháp của mình theo thoả thuận, hệ thống pháp luật cần được các bên liên quan thực thi nghiêm.