Tìm lối thoát cho doanh nghiệp - Bài 1: Hướng nào giúp doanh nghiệp vượt khó?
Bước qua quý I/2023, giai đoạn khởi đầu cho 1 năm tiếp tục nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong nước hầu như chưa cải thiện đáng kể.
Bằng chứng là theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính chung quý I/2023, cả nước có 57 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Trong khi đó, có 60,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022; bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đây là 1 chỉ báo không mấy lạc quan cho tiến trình phục hồi kinh tế và đó cũng là một trong những lý do mà ngày 22/4, lãnh đạo Chính phủ vừa yêu cầu Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan quản lý điều chỉnh quy định cơ cấu lại nợ, hoãn giãn và không chuyển nhóm nợ, theo đó, cần cân nhắc việc mở rộng đối tượng và kéo dài thời hạn áp dụng chính sách này.
Rõ ràng, việc tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là vô cùng quan trọng ở thời điểm này. Liên quan tới vấn đề này, Thông tấn xã Việt Nam xin giới thiệu tới độc giả chùm 3 bài viết với tiêu đề: "Tìm lối thoát cho doanh nghiệp".
Bài 1: Hướng nào giúp doanh nghiệp vượt khó?
Trong bối cảnh khó khăn và nhiều biến động như hiện nay; đặc biệt là dưới sức ép và những tác động tiêu cực của tình hình địa chính trị thế giới, nhìn chung, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp tư nhân, đang gặp rất nhiều thách thức.
Để có thể hỗ trợ 1 cách tích cực nhất, giúp các doanh nghiệp dễ tìm định hướng và vượt qua giai đoạn khó khăn này, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam chính là yếu tố quan trọng, giúp doanh nghiệp tìm lối thoát hiểm hiện nay.
Theo đánh giá của ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cứ 100 doanh nghiệp đăng ký thành lập thì sau 1 năm vừa qua, có 80 doanh nghiệp ngừng, nghỉ hoặc "biến mất" khỏi thị trường.
Nhìn vào báo cáo về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022 (PCI) do VCCI vừa công bố mới đây, cho thấy, quy mô doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân đang ở mức thấp kể từ đại dịch COVID-19.
Một doanh nghiệp tư nhân điển hình có quy mô vốn khoảng 15,6 tỷ đồng hoặc là có 21 lao động. Nếu năm 2019, quy mô vốn và lao động của doanh nghiệp ấy có thể tăng 22,3 tỷ đồng hoặc là có 23 lao động thì vào năm 2022, chỉ 5,1% doanh nghiệp trong số đó thông báo là tăng vốn đầu tư và 4,9% doanh nghiệp tăng quy mô lao động, mức giảm đáng kể so với thời điểm ở năm 2019.
Về hiệu quả kinh doanh, chỉ 42,6% doanh nghiệp tư nhân cho biết có lãi trong năm 2022, thấp hơn đáng kể con số 63% của năm 2019. Tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ năm 2022 là 35,3%, trong khi năm 2019 chỉ ở mức 23,4%.
Cả hai con số về tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi hoặc báo lỗ của 3 năm gần đây là những chỉ báo cho thấy các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang trải qua một quãng thời gian khó khăn nhất trong hoạt động kinh doanh của mình.
Điểm qua những khó khăn nhất mà doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải theo Báo cáo PCI 2022, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phó Tổng thư ký VCCI và cũng là Giám đốc Dự án PCI Việt Nam, cho hay, trong năm 2022, tiếp cận tín dụng đã trở thành mối lo lớn nhất của khoảng 55,6% doanh nghiệp.
Tỷ lệ này tăng liên tục từ 34,8% của năm 2019, 40,7% năm 2020 và 46,9% của năm 2021. Tìm kiếm khách hàng là khó khăn lớn thứ hai của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trong năm 2022, với tỷ lệ 55,1 % doanh nghiệp chia sẻ điều này.
Tiếp đến là khó khăn từ tác động của dịch bệnh COVID-19 và đến nay vẫn đang dai dẳng đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Ngoài ra, còn có 1 số khó khăn đáng chú ý khác gồm biến động thị trường có 23,5% doan nghiệp phản ánh hay khó khăn trong quá trình tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh và tuyển dụng nhân sự…
Không chỉ như thế, ông Tuấn còn phản ánh, tổng hợp ý kiến từ các doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI 2022 cho thấy chính quyền các tỉnh, thành phố cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi.
Một số lĩnh vực hành chính cần có sự quan tâm thúc đẩy cải cách trong thời gian tới, như thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội, an toàn phòng chống cháy nổ, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện. Việc nâng cao chất lượng thực thi ở cấp sở ngành, huyện thị thực sự cấp thiết để đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính địa phương.
Đồng thời, cần tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin và giảm thiểu chi phí không chính thức cho các doanh nghiệp trong những năm tiếp theo.
Năm 2023 là một năm có rất nhiều thách thức với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trên thế giới tiếp tục xảy ra các xung đột quân sự nghiêm trọng, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, căng thẳng thương mại, nguy cơ bất ổn về tài chính, tiền tệ toàn cầu, những vấn đề an ninh năng lượng, lương thực.
Thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh tiếp tục là những thách thức khó lường. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với việc suy giảm thị trường xuất khẩu, chi phí tăng cao, khó khăn trong tiếp cận vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Để có thể hỗ trợ 1 cách tích cực nhất, giúp các doanh nghiệp dễ tìm định hướng và vượt qua giai đoạn khó khăn này, đại diện VCCI cho rằng, việc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam chính là yếu tố quan trọng, giúp doanh nghiệp tìm lối thoát hiểm hiện nay.
Vì thế xu hướng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh cần tiếp tục được duy trì; tập trung nâng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và giảm gánh nặng chi phí, thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm tần suất thanh, kiểm tra và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin chính sách, pháp luật hơn.
TS Phùng Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT Saigon Ratings - tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc, thành viên thuộc Hiệp hội Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm châu Á nhận định, trong bối cảnh bất định về tình hình kinh tế thế giới và trong nước, đó, các doanh nghiệp Việt Nam đòi hỏi phải có khả năng phản ứng nhanh và linh hoạt, thích nghi với các tác động tiêu cực của môi trường kinh doanh bên ngoài, phát huy tinh thần tự cường vượt khó khăn; đồng thời nỗ lực sáng tạo, nắm bắt cơ hội phát triển trong điều kiện khó khăn, thách thức.
Các doanh nghiệp nên tập trung mở rộng phát triển thị trường nội địa, song song với mở rộng và đa dạng hóa các thị trường quốc tế tiềm năng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu doanh nghiệp gắn với thương hiệu quốc gia, trong khu vực Đông Nam Á và toàn cầu.
Sự phát triển thương hiệu phải đi kèm với việc tuân thủ các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu thương hiệu, các chính sách bảo hộ mậu dịch, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật sản phẩm, tranh chấp khởi kiện phá giá hàng hóa sản phẩm, và quy định tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm.
Riêng với thách thức về tín dụng, đại diện cộng đồng doanh nghiệp địa phương, ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa kiến nghị, muốn có giải pháp về vốn mang lại hiệu quả cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, xây dựng kinh tế đất nước trong thời kỳ mới, ngành ngân hàng và doanh nghiệp tư nhân cần có một tiếng nói chung, với phương châm: “Lấy tâm làm trọng, lấy tầm làm chiến lược, lấy kết quả khẳng định cho uy tín”.
Vì thế, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần đánh giá tình hình kinh tế, thực trạng hoạt động của các ngân hàng thương mại, xem xét nới Room tín dụng phù hợp để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng cao của doanh nghiệp nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung.
Song song đó, cần sát sao hơn nữa với công tác cho vay tại các ngân hàng thương mại trong việc thực thi các chính sách hỗ trợ vay vốn đối với doanh nghiệp, ông Đoan nhấn mạnh.
Dẫu biết rằng, từ điều chỉnh đến chính sách và ban hành xuống thực thi đòi hỏi 1 quá trình không ngắn. Nhưng, quyết sách cần thiết nếu thiếu sự kịp thời sẽ khó lòng trợ giúp doanh nghiệp vượt qua cơn bĩ cực trong giai đoạn hiện nay và đó là điều mà Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương cần quan tâm, chú trọng.
Bài 2: Mong chờ sự vào cuộc quyết liệt