|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tìm lời giải việc VN-Index mất trăm điểm, vốn hóa HOSE bay 15 tỷ USD chỉ sau ít phiên

18:47 | 27/01/2021
Chia sẻ
Ngay sau khi VN-Index không chinh phục thành công mốc đỉnh lịch sử 1.200 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam bị bán tháo. Chỉ số giảm gần 100 điểm và vốn hóa sàn HOSE "bốc hơi" 15 tỷ USD chỉ sau ít phiên.

VN-Index một lần nữa lao dốc trước vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm

Tiếp nối đà hưng phấn cuối năm 2020, thị trường chứng khoán Việt Nam giao dịch khởi sắc trong những phiên giao dịch đầu năm 2021. Chỉ số liên tục tăng điểm, bứt qua mốc 1.100 điểm và tiến đến vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm.

Khi đó, giới đầu tư trong nước mong đợi việc VN-Index vượt mốc đỉnh lịch sử và tăng mạnh như những gì diễn ra tại các thị trường lớn như Mỹ, Hàn Quốc… Trái với kỳ vọng, sau khi không chinh phục thành công mốc 1.200 điểm và đóng cửa cao nhất 1.194,2 điểm phiên 15/1, VN-Index bất ngờ lao dốc.

Đỉnh điểm trong phiên 19/1, VN-Index giảm 60,94 điểm, có thời điểm chỉ số mất hơn 70 điểm. Sau phiên bán tháo, thi trường hồi phục nhẹ. Nhưng trong hai ngày (26 – 27/1), VN-Index một lần nữa giảm sâu, mất tổng cộng 68,88 điểm, xuyên thủng mốc 1.100 điểm.

Kết phiên 27/1, VN-Index ở 1.097,17 điểm, giảm 97,03 điểm so với mức đóng cửa phiên 15/1. Cùng với đó, vốn hóa TTCK Việt Nam bị thổi bay hàng chục tỷ USD.

Chỉ tính riêng sàn HOSE, giá trị vốn hóa bốc hơn 349.515 tỷ đồng (khoảng 15 tỷ USD) trong ít phiên giảm gần đây (15 – 27/1). Nếu tính cả sàn HNX và thị trường UPCoM, con số này còn lớn hơn.

Tìm lời giải việc VN-Index mất trăm điểm, vốn hóa HOSE bay 15 tỷ USD chỉ sau ít phiên - Ảnh 1.

Nguồn: Lợi Hoàng.

Vì sao thị trường bị bán tháo?

Lý giải về cú giảm điểm của thị trường, nhiều ý kiến cho rằng việc thị trường đã "căng margin" khi hầu hết các công ty chứng khoán lớn ghi nhận giá trị cho vay ký quỹ lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, không ít công ty chứng khoán có tỷ lệ cho vay ký quỹ trên vốn chủ sở hữu tiệm cận mức 2 lần theo quy định tại thời điểm cuối năm 2020.

Một lý do khác lại cho rằng việc thị trường giảm sâu liên quan đến hoạt động bán khống của các nhà đầu tư lớn. "Khi thị trường căng margin, đồng nghĩa với việc lực cầu trở nên yếu ớt hơn. Thời điểm này chỉ cần xuất hiện lực bán từ nhóm nhà đầu tư lớn sẽ khiến cổ phiếu giảm giá rất sâu trong thời gian ngắn", một giám đốc môi giới nói về việc hàng loạt bluechip giảm sàn trong những phiên biến động mạnh.

Với việc thị trường đang giao dịch với số đông nhà đầu tư cá nhân, khi có biến động mạnh, nhóm nhà đầu tư này thường hỗn loạn. Cộng hưởng với những sự cố khi hệ thống của HOSE thường xuyên nghẽn lệnh đẩy tâm lý nhà đầu tư trở nên hoang mang hơn khi thị trường diễn biến xấu, vị giám đốc môi giới nói thêm.

Còn theo bộ phận phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam, TTCK Việt Nam tiếp tục giảm sâu phiên 27/1 do áp lực bán gia tăng ở hầu hết nhóm cổ phiếu sau thông tin một công nhân tại Hải Dương nhiễm COVID-19 khi đến Nhật Bản. Trong khi đó TTCK toàn cầu diễn biến tiêu cực chờ đợi thông tin về cuộc họp chính sách FED.

Trên một góc nhìn khác, Chứng khoán Bảo Việt đánh giá thông tin kết quả kinh doanh quý IV/2020 sẽ không còn tác động nhiều đến diễn biến thị trường. Ngoài ra, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số VN30, VNFINLEAD… sẽ tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn đến diễn biến thị trường. Điều này có thể khiến các cổ phiếu thành phần của các rổ chỉ số này có biến động mạnh trong những phiên sắp tới.

Mặc dù vậy, BVSC cho rằng thị trường chung và nhiều nhóm cổ phiếu đã bắt đầu đi vào trạng thái quá bán sau các phiên sụt giảm mạnh liên tiếp.

Trong khi đó, Chứng khoán MB (MBS) đánh giá thị trường giảm mạnh do yếu tố kỹ thuật hơn là các thông tin tác động cả trong và ngoài nước. Việc chỉ số VNIndex để mất ngưỡng hỗ trợ 1.111 điểm có thể đã khiến áp lực bán lên cao.

Ông Petri Deryng: ‘Đợt bán tháo tuần trước như lời cảnh báo về tâm lý lo sợ của thị trường’

Tìm lời giải việc VN-Index mất trăm điểm, vốn hóa HOSE bay 15 tỷ USD chỉ sau ít phiên - Ảnh 2.

Ông Petri Deryng – người quản lý danh mục của quỹ ngoại Pyn Elite Fund (Phần Lan). Ảnh: Internet

Trên đây là nhận định giới đầu tư trong nước, mới đây, ông Petri Deryng – người quản lý danh mục của quỹ ngoại Pyn Elite Fund (Phần Lan) đã có những đánh giá về thị trường chứng khoán Việt Nam sau đợt bán tháo.

Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đã khởi đầu năm 2021 một cách thuận lợi với những kì vọng lạc quan. Đánh giá về lợi nhuận của các công ty trong quý cuối năm 2020 là rất tốt. Giới phân tích trong nước cũng đưa ra ước tính về sự tăng trưởng mạnh mẽ về lợi nhuận trong năm 2021.

Cùng với đó, nền kinh tế Việt Nam được dự báo khả quan với GDP có thể đạt mức tăng trưởng 8% trong năm nay.

Trở lại diễn biến thị trường, thanh khoản được đẩy lên mức cao nhờ dòng tiền của những nhà đầu tư cá nhân. Tại thời điểm mà ông Petri Deryng đưa ra báo cáo, VN-Index đang tăng khoảng 6,3% so với đầu năm. Người quản lý danh mục của Pyn Elite Fund cho biết quỹ đã nhanh chóng chốt lời một tuần trước đó.

Ghi nhận trong những phiên giao dịch gần đây, Pyn Elite Fund đã bán ra các cổ phiếu midcap như FCN của Fecon hay VND của VNDirect. Theo đó, quỹ ngoại đến từ Phần Lan này không còn là cổ đông lớn của VNDirect.

Trở lại với diễn biến của thị trường, ông Petri Deryng cho rằng đợt bán tháo tuần trước như lời cảnh báo về tâm lý lo sợ của thị trường. Tuy nhiên, thị trường lại có chung quan điểm rằng VN-Index sẽ đóng cửa cao hơn thời điểm hiện tại (1.166 điểm) vào cuối năm 2021.

Mặc dù vậy, Pyn Elite Fund vẫn tin tưởng rằng với mức định giá hiện tại và sự tăng trưởng về lợi nhuận trong tương lai đẩy VN-Index tăng cao hơn mục tiêu được các công ty chứng khoán trong nước đưa ra.

Lợi Hoàng