|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tìm giải pháp lấy hàng trên tàu của Hanjin

08:16 | 24/09/2016
Chia sẻ
Ngày 23-9, tại TPHCM, Cục Xuất nhập khẩu, (Bộ Công Thương) và Cục Hàng hải (Bộ Giao thông Vận tải) cùng với đại diện các doanh nghiệp, đơn vị chủ hàng, cảng biển đã họp bàn để tìm các giải pháp lấy hàng cho doanh nghiệp trên tàu của Hanjin hiện đang ở trên biển.
 3115
Tàu của Hanjin hiện nay không dám cập cảng vì sợ bị bắt giữ - Ảnh minh họa: TL.

Tại cuộc họp, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hiện tại các doanh nghiệp thuộc VASEP có hơn 150 container hàng xuất khẩu đông lạnh, chủ yếu là đến Mỹ do hãng tàu Hanjin vận chuyển hiện đang lênh đênh trên biển mà không biết tình trạng như thế nào, có thông quan và giao cho khách hàng được hay không.

Ông Hòe đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước phải gây áp lực với Hanjin để hãng tàu này cung cấp thông tin tình trạng hàng hóa, giúp doanh nghiệp tìm các giải pháp xử lý nhằm giảm thấp nhất thiệt hại.

Còn bà Bùi Thị Liên Thủy, Công ty TNHH thương mại, dịch vụ giao nhận vận tải Hải Bằng phản ánh, khi Hanjin nộp đơn xin phá sản, chủ hàng đứng trước nguy cơ mất hàng, công ty giao nhận sẽ bị phạt hợp đồng. Vì thế, công ty bà buộc phải làm thủ tục rút hàng trên tàu của Hanjin tại Singapore để thuê đơn vị vận tải khác vận chuyển với chi phí lên đến 3.000 đô la Mỹ/container.

Một số doanh nghiệp cũng phản ánh, hiện nay tàu Hanjin Chennai chở 733 container hàng đến TPHCM, theo lịch trình dự kiến, con tàu này đến TPHCM vào ngày 2-9, tuy nhiên vì sợ bị giữ tàu nên tàu đang thả trôi ngoài bờ biển Vũng Tàu. Trong khi một số doanh nghiệp xử lý bằng cách bốc dỡ hàng hóa trên biển cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì không có phương tiện bốc xếp.

Tại cuộc họp, đại diện các công ty giao nhận vận tải, chủ hàng, hoa tiêu, cảng biển đều kiến nghị Cục Xuất nhập khẩu và Cục Hàng hải Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xác nhận công nợ của Hanjin, phong tỏa, tạm giữ tài sản của hãng tàu này gây áp lực buộc họ phải đưa tàu vào cảng để doanh nghiệp lấy hàng nhằm giảm nhẹ thiệt hại.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nhiều container không phải là tài sản của Hanjin mà của các đơn vị khác cho thuê lại. Vì thế việc bắt giữ, cầm giữ tàu của hãng tàu này tại Việt Nam phải có lệnh của tòa án. Một số doanh nghiệp cho rằng, trong thời gian chờ phía tòa án Hàn Quốc quyết định nên cho tàu của Hanjin cập các cảng Việt Nam để giải phóng hàng hóa, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Đình Việt, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết việc bắt giữ tàu của Hanjin cần phải tuân thủ lệnh của tòa án Hàn Quốc và các thông lệ quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Trước mắt, để hỗ trợ doanh nghiệp Cục Hàng hải tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ thành lập tổ công tác giải quyết hệ lụy của hãng tàu Hanjin. Khi thành lập tổ công tác thì mới đủ thẩm quyền giải quyết vụ việc. Cục Hàng hải cũng khuyến khích cảng biển cho tàu Hanjin cập cảng để sớm dỡ hàng xuống.

Theo ông Việt, để giảm thiệt hại các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm giải pháp xử lý hàng hóa ở các cảng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Mặt khác, các doanh nghiệp vận tải, hiệp hội chủ hàng, đơn vị giao nhận cần chủ động tìm hiểu, thu thập thông tin về tình trạng hàng hóa trên tàu của Hanjin cũng như cách xử lý của các quốc gia đối với hãng tàu này để Việt Nam có thể áp dụng.

Theo Lê Anh

TBKTSG