|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tìm cách thoát 'vòi bạch tuộc' tín dụng đen

08:55 | 06/11/2019
Chia sẻ
Đứng sau các công ty đòi nợ thuê phần lớn là “xã hội đen”. Con nợ dính vào các đường dây này sẽ khó thoát khỏi “vòi bạch tuộc”, kéo theo cả gia đình phải khổ.

Ngày 5.11, Ủy ban MTTQ VN TP.HCM phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ VN TP.HCM tổ chức hội nghị nhận diện và giải pháp phòng ngừa, đẩy lùi tệ nạn “tín dụng đen” ở TP.HCM, với sự tham dự của gần 300 đại biểu.

10 tháng, TP.HCM xảy ra 600 vụ tạt sơn và mắm tôm

Tại hội nghị, thượng tá Phạm Đình Ngọc, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM, cho hay năm 2018 Công an TP có khảo sát về tình hình tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở TP. 

Theo đó, trong vòng 10 tháng đầu năm 2018, có tới hơn 600 vụ tạt mắm tôm và sơn liên quan cho vay nặng lãi, trong đó chỉ riêng Q.Tân Phú có tới hơn 500 vụ.

Tìm cách thoát 'vòi bạch tuộc' tín dụng đen - Ảnh 1.

Nhóm giang hồ đòi nợ khóa trái cửa gia đình một cô giáo ở Q.Bình Tân (TP.HCM) khiến nạn nhân phải nhờ đến lực lượng chức năng mở khóaẢNH: C.T.V

“Số liệu này cho thấy ảnh hưởng xấu của cho vay nặng lãi đến đời sống người dân kinh hoàng đến mức nào. Hiện số vụ tín dụng đen, cho vay nặng lãi giảm so với trước nhưng vẫn còn rất nhiều. Điển hình và mới đây nhất là vụ phở Hòa ở đường Pasteur, Q.3”, thượng tá Ngọc nói.

Theo thượng tá Ngọc, hệ quả tín dụng đen có lẽ chỉ sau tội phạm ma túy vì liên lụy và gây tác động xấu trên diện rộng, ảnh hưởng không chỉ “con nợ” mà cả gia đình, bạn bè, họ hàng; làm phát sinh các vụ án liên quan. 

Qua triệt phá các vụ án cho thấy, hầu hết nghi phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen ở TP đều là người ở các tỉnh phía bắc (chủ yếu từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa…), có nhóm chỉ 3 - 4 người nhưng có nhóm huy động tới hơn 100 người để tham gia một vụ đòi nợ thuê.

“6 tháng đầu năm 2019, trong số gần 700 người cho vay nặng lãi có tới 625 người đến từ các tỉnh phía bắc. Tội phạm cho vay nặng lãi, tín dụng đen làm cho tình hình TP hết sức phức tạp”, thượng tá Ngọc khẳng định và cho biết hiện TP có 77 công ty đòi nợ thuê, trong đó có 46 công ty đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. 

Đáng chú ý, theo thượng tá Ngọc, đứng sau các công ty này phần lớn là đối tượng xã hội đen.

Đủ “chiêu” lách luật, xóa dấu vết

Thượng tá Ngọc cho biết thủ đoạn của tín dụng đen ngày càng tinh vi, tìm mọi cách để lách luật và xóa dấu vết khi cơ quan công an vào cuộc. 

Chiêu thức mà các nhóm cho vay nặng lãi thường dùng là mở công ty có pháp nhân thương mại và cho “con nợ” vay bằng “hợp đồng giả cách”. 

Tức khi có nhu cầu vay, công ty này sẽ làm hợp đồng mua xe và cho “con nợ” thuê lại. Hằng tháng “con nợ” sẽ trả tiền gốc và lãi để qua mặt cơ quan chức năng.

Chiêu thức tiếp theo là cho vay “tín chấp” thông qua quảng cáo trên tờ rơi dán ở cột điện, vay qua điện thoại, qua mạng với thủ tục rất đơn giản. Người vay chỉ cần CMND, hộ khẩu, địa chỉ nhà, số điện thoại người thân… là có thể vay được. 

Đối với chiêu thức này, “con nợ” được vay không nhiều, dao động từ 1 - 10 triệu đồng với lãi suất 4 - 5%/ngày (tương đương 1.600%/năm). 

Ngay khi “giải ngân”, bên cho vay “ngắt” một khoản trong chính số tiền mà “con nợ” vay lấy lãi, đến hạn mà “con nợ” chưa trả thì mỗi ngày phải chịu phạt 100.000 đồng.

“Đối với những khoản vay qua mạng, ban đầu người vay có xu hướng không trả vì nghĩ mọi giao dịch đều qua mạng, không gặp ai. 

Nhưng họ đã lầm bởi khi vay, chủ nợ tìm cách lấy hết danh bạ điện thoại của con nợ. 

Nếu người vay không trả, chủ nợ sẽ cho người điện thoại khủng bố con nợ đến khi nào trả hết mới thôi”, thượng tá Ngọc nói và cho biết Công an TP từng phối hợp với Bộ Công an và công an các tỉnh thành triệt phá mạng lưới tín dụng đen kiểu này với quy mô cho vay lên tới 60.000 khách hàng.

“Ngoài thủ đoạn ngày càng tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng, nghi phạm cho vay lãi suất cao tìm mọi cách để chiếm đoạt tiền của con nợ càng nhiều càng tốt. 

Nếu phát hiện con nợ hay gia đình, người thân có khả năng trả, bên cho vay sẽ tìm mọi cách kéo dài thời gian vay để tiếp tục lấy lãi suất cao. Người nào dính vào các đường dây này sẽ khó thoát, kéo theo cả gia đình phải khổ”, thượng tá Ngọc nói.

Phải tạo điều kiện cho người nghèo vay vốn

Điều đáng nói, rất nhiều người tìm đến tín dụng đen là người nghèo, hoàn cảnh khó khăn cần vay tiền nhưng khó tiếp cận ngân hàng. 

Bà Phạm Thị Hoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ P.Bình Trị Đông (Q.Bình Tân), cho rằng thủ tục vay ở những tổ chức tín dụng chính thống có quy trình hồ sơ rất mất thời gian khiến người vay nản. 

Điển hình như ở phường có gia đình 15 người sống rất chật chội, muốn vay để sửa nhà, nhưng để được vay thì cả 15 người phải ra công chứng... “Thủ tục vay quá nhiêu khê khiến họ nản rồi phải tìm đến tín dụng đen”, bà Hoa nói.

Ông Nguyễn Phú Cường, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN P.10 (Q.Phú Nhuận), cho hay đối tượng cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội rất rộng, đặc biệt là người nghèo. 

Tuy nhiên sự bất cập là ngân hàng này lại không cho vay đối với người độc thân, người từng nghiện ma túy, từng vi phạm pháp luật. “Họ không vay được nên phải tìm đến tín dụng đen. Tôi đề nghị cần xem xét điều kiện vay vốn với đối tượng này”, ông Cường nói.

Còn bà Trần Thị Kim Anh, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Q.Bình Tân, đề xuất các quận huyện cần lập quỹ để người nghèo có nhu cầu chính đáng vay và thời gian giải ngân chỉ nên từ 1 - 2 ngày. 

Bà Kim Anh chia sẻ về mô hình của quận: “Nếu cựu chiến binh nào khó khăn sẽ được vay vốn từ 50 triệu đồng trở xuống, thời gian giải ngân trong vòng 7 ngày. Tại hội cựu chiến binh của quận, cơ sở nào để hội viên tìm đến tín dụng đen thì lãnh đạo sẽ bị chế tài”.

Mức phạt đối với tín dụng đen chưa đủ sức răn đe

Tại hội nghị, thượng tá Phạm Đình Ngọc cho hay tín dụng đen và cho vay nặng lãi ngày càng nhiều nhưng quy định xử phạt còn nhẹ và chưa đủ tính răn đe.

Theo quy định, để xử lý hình sự được tín dụng đen thì đối tượng cho vay có lãi suất gấp 5 lần so với quy định và số tiền thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên.

Ngoài ra, người phạm tội chỉ bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm. "Khung hình phạt này nhẹ và chưa đủ răn đe đối với người vi phạm", thượng tá Ngọc nhìn nhận.

Đình Quân

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.