|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Tín dụng đen' len lỏi vào các khu công nghiệp với hình thức tinh vi

15:40 | 28/08/2019
Chia sẻ
Theo ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang, từ cuối năm 2018, tỉnh có hơn 5.000 công nhân lao động tham gia vay "tín dụng đen."
'Tín dụng đen' len lỏi vào các khu công nghiệp với hình thức tinh vi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân lao động, chủ yếu là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, nạn cho vay nặng lãi hay còn gọi là "tín dụng đen" đang len lỏi vào các khu, cụm công nghiệp với những hình thức tinh vi, xảo quyệt hơn.

Nhiều công nhân trở thành nạn nhân của hình thức "vay dễ, trả khó" này, khiến cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, an ninh trật tự tại cơ sở cũng xáo trộn.

Vay dễ, trả khó

Theo ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang, hiện toàn tỉnh có gần 150.000 công nhân lao động, đa phần làm việc trong các công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do đó, hơn 60% công nhân là lao động phổ thông, trình độ chuyên môn, tay nghề không cao dẫn tới thu nhập còn thấp, hiểu biết pháp luật còn hạn chế.

Đây cũng chính là điểm yếu để các đối tượng cho vay "tín dụng đen" nhắm tới, mời chào bằng những lời đường mật thông qua các tờ giấy quảng cáo "cho vay lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn, không cầm cố tài sản…" được dán tràn lan tại các khu, cụm công nghiệp.

Thậm chí, nhiều tổ chức cho vay "tín dụng đen" còn bố trí sẵn người tại các điểm cổng ra, vào của khu công nghiệp để phát tờ rơi, quảng cáo. Không chỉ bủa vây bên ngoài các khu, cụm công nghiệp, hoạt động cho vay lãi suất cao còn vào tận trong công ty, doanh nghiệp. 

Nhiều đầu mối chính là công nhân lao động, sẵn sàng chèo kéo người vay để hưởng phần trăm từ việc giới thiệu khách hàng cho các tổ chức "tín dụng đen."

Cũng theo ông Trương Văn Hiền, qua khảo sát của Công đoàn, từ cuối năm 2018, tỉnh có hơn 5.000 công nhân lao động tham gia vay "tín dụng đen." Nhiều người lao động không thừa nhận có tham gia vay "tín dụng đen" nên con số thực tế có lẽ còn cao hơn rất nhiều.

Thủ tục để được "giải ngân" của hình thức cho vay này rất đơn giản. Khi có nhu cầu, người lao động chỉ cần liên hệ với những đối tượng cho vay qua điện thoại hoặc gặp trực tiếp là nhận được tiền ngay lập tức.

Mặc dù theo lời giới thiệu là "ưu đãi, lãi suất thấp" nhưng thực tế số tiền lãi phải trả được tính lên sẽ từ 20-200%/năm, tùy theo số tiền vay và thời gian trả.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Lam, công nhân Công ty Kap Vina (Khu công nghiệp Tân Hương, Tiền Giang) chia sẻ do kinh tế gia đình khó khăn, thấy những tờ rơi quảng cáo cho vay tiền với lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn, chị đã liên hệ theo số điện thoại đó để được vay 40 triệu đồng trong vòng 24 tháng. 

Khi tới kỳ trả tiền, tổng cộng cả gốc và lãi lên tới hơn 60 triệu, chị mới thấy lãi suất không thấp như quảng cáo.

Thủ tục vay tiền nhanh chóng, hình thức cho vay cũng rất đa dạng. Người vay khi nhận tiền chỉ cần cung cấp thẻ ATM và mã pin (nhiều công ty trả lương qua thẻ ATM) cho các đối tượng cho vay, đến kỳ trả tiền, các đối tượng sẽ tự động cầm thẻ đó đi rút tiền. Phổ biến hơn là hình thức vay góp.

Vay 10 triệu đồng, người vay sẽ được nhận về 8 triệu đồng, 2 triệu đồng kia đã được trừ thẳng vào tiền lãi. Trong vòng 40 ngày, mỗi ngày, người vay phải trả số tiền 250.000 đồng. Nhiều trường hợp, công nhân phải vay tiền với mức lãi suất 5.000-10.000 đồng/triệu/ngày. Sau một thời gian, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền lãi tiếp tục được gộp chung với số tiền gốc.

Vì nhiều lý do như gia đình gặp khó khăn, kinh tế eo hẹp, vay để trang trải nợ nần, đầu tư sản xuất, hoặc thậm chí là vay để có tiền tiêu xài, nhiều công nhân đã vay số tiền vài chục triệu đồng, thậm chí có những trường hợp vay 200-300 triệu đồng. 

Với lãi suất lớn như vậy, sau một thời gian, nhiều công nhân đã không thể chi trả, bị các đối tượng cho vay dùng nhiều thủ đoạn đe dọa, uy hiếp về tinh thần và thể xác.

Tổ chức Công đoàn vào cuộc

Sau khi nắm bắt được những phức tạp do hoạt động "tín dụng đen" trong các khu, cụm công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang đã ban hành công văn số 361/LĐLĐ ngày 10/12/2018 về việc tuyên truyền, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động "tín dụng đen" trong công nhân lao động.

Các cấp Công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới công nhân lao động, giúp công nhân lao động hiểu được phương thức, thủ đoạn và tác hại của "tín dụng đen" để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác với cơ quan chức năng.

Liên đoàn Lao động tỉnh rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động này để kịp thời phát hiện và có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ những trường hợp khó khăn.

Ông Lê Hoàng Hiếu, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, cho biết để tháo gỡ những khó khăn về vốn cho công nhân, Công đoàn tăng cường tuyên truyền tới công nhân về những nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, của tổ chức Công đoàn hợp pháp, giới thiệu cho công nhân được vay vốn từ Tổ chức tài chính vi mô CEP. 

Đây là tổ chức tài chính của Công đoàn, hoạt động với mục tiêu hỗ trợ giảm nghèo cho công nhân lao động, người có thu nhập thấp.

'Tín dụng đen' len lỏi vào các khu công nghiệp với hình thức tinh vi - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Từ đầu năm tới nay, chỉ riêng Khu công nghiệp Tân Hương (xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), Tổ chức tài chính vi mô CEP đã cho hơn 2.000 công nhân lao động vay với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.

Ngoài nguồn vốn vay từ Tổ chức tài chính vi mô CEP, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang đề xuất với Ủy ban Nhân dân tỉnh có chỉ đạo tới các tổ chức tín dụng, ngân hàng giảm bớt thủ tục, lãi suất đối với công nhân lao động. Bằng nỗ lực đồng hành cùng công nhân lao động, qua việc khảo sát lại 5.000 công nhân có tham gia "tín dụng đen," tới nay đã có trên 50% thoát khỏi những khoản nợ đó.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn, hạn chế tối đa "tín dụng đen" hoạt động trong các khu công nghiệp và công nhân lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động tới công nhân lao động hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của nạn cho vay lãi suất cao; khuyến cáo công nhân khi phát hiện các hoạt động có dấu hiệu của "tín dụng đen," phải báo ngay với tổ chức Công đoàn, các lực lượng chức năng để có biện pháp ngăn chặn.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh cũng hỗ trợ, giới thiệu công nhân lao động được tiếp cận với các nguồn vay ưu đãi...

Ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đang thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt nhằm triệt phá và ngăn chặn các băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi trên địa bàn.

Công an tỉnh Tiền Giang đã rà soát, lên danh sách 11 tổ chức, 222 cá nhân có biểu hiện cho vay nặng lãi và tiến hành các biện pháp xử lý. Qua đó, đã đưa vào quản lý 2 đối tượng, lập hồ sơ quản lý 77 đối tượng, cảm hóa giáo dục 116 đối tượng đồng thời kiểm tra 5 tụ điểm, tạm giữ 26 đối tượng cho vay nặng lãi.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Tiền Giang triển khai kế hoạch điều tra cơ bản, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen"; tiếp tục kiểm tra hoạt động của các công ty, doanh nghiệp có biểu hiện hoạt động "tín dụng đen" để có biện pháp đấu tranh, xử lý.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang yêu cầu lực lượng Công an phối hợp cùng các ngành, đoàn thể và chính quyền các cấp tổ chức họp dân, tăng cường thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về những phương thức, thủ đoạn gian dối cho vay nặng lãi, đặc biệt là hệ lụy xấu từ việc vay không thế chấp, vay không điều kiện và giải ngân ngay cùng các chiêu thức khác để nhân dân cảnh giác và chủ động phòng ngừa.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nam Thái

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.