|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

TikTok thừa nhận lưu trữ dữ liệu người dùng Mỹ ở Trung Quốc

15:29 | 26/06/2023
Chia sẻ
TikTok đã thừa nhận một số dữ liệu của người dùng Mỹ được lưu ở Trung Quốc, mặc dù trước đó công ty này phủ nhận cáo buộc và khẳng định tất cả dữ liệu đó đều nằm trên các máy chủ ở Mỹ.

Theo Telegraph, nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok đã thừa nhận một số dữ liệu từ nhà sáng tạo của Mỹ được lưu trữ ở Trung Quốc. Tiết lộ được đưa ra sau khi nền tảng này phải đối diện với những cáo buộc từ cơ quan lập pháp Mỹ về dữ liệu người dùng.

Trong một bức thư gửi hai thượng nghị sĩ Mỹ, TikTok cho biết các hợp đồng và “tài liệu liên quan” của các nhà sáng tạo nội dung được giữ bên ngoài nước Mỹ. Thông tin của nhiều nhà sáng tạo như số an sinh xã hội được lưu trữ ở Trung Quốc. Các khoản thanh toán đều được quản lý thông qua các công cụ từ ByteDance, công ty mẹ của TikTok có trụ sở tại Trung Quốc. 

Theo định nghĩa của TikTok, người sáng tạo là người dùng “có mối quan hệ thương mại” với nền tảng - những người tạo ra nội dung có trả phí. Cụ thể, TikTok giải thích rằng dữ liệu người dùng do ứng dụng TikTok thu thập khác với thông tin mà người sáng tạo cung cấp cho TikTok, để họ có thể được trả tiền cho nội dung họ đăng.

Dù vậy, TikTok khẳng định dữ liệu người dùng Mỹ nói chung được lưu trữ trong các trung tâm dữ liệu của TikTok ở Mỹ và Singapore. Một phát ngôn viên của công ty cho biết: “TikTok chưa được chính phủ Trung Quốc hoặc [ĐCS Trung Quốc] yêu cầu cung cấp dữ liệu này. TikTok không cung cấp dữ liệu đó cho chính phủ và trong tương lai cũng vậy.”

Trong khi đó, hai thượng nghị sĩ Marsha Blackburn và Richard Blumenthal tiếp tục nhắc lại lo ngại với dữ liệu người dùng TikTok ở Mỹ: “Chúng tôi vô cùng lo ngại rằng dữ liệu người dùng TikTok của Mỹ có thể nằm trong tầm kiểm soát của phía Trung Quốc".

Phản ứng của TikTok cho thấy rõ ràng rằng dữ liệu của người dùng Mỹ vẫn có thể được Bắc Kinh tiếp cận, bất chấp những tuyên bố trước đó mà nền tảng chia sẻ video ngắn này từng đưa ra.

Chính phủ các nước phương Tây lo ngại rằng dữ liệu do TikTok thu thập từ thiết bị của các công dân tại quốc gia của họ có thể bị phía Trung Quốc sử dụng nhằm tìm kiếm các mục tiêu có giá trị. 

Hồi tháng 5, TikTok đã kiện chính quyền bang Motana (Mỹ) vì đưa ra lệnh cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên điện thoại cá nhân của người dân. Theo hồ sơ pháp lý từ TikTok, lệnh cấm này chưa có tiền lệ và vi phạm quyền tự do ngôn luận của người Mỹ. Dự kiến, lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào năm tới.

Thùy Trang