|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Tiki tăng vốn cho cuộc chơi 'đốt tiền'

09:00 | 06/08/2019
Chia sẻ
Vốn điều lệ của CTCP Tiki được tăng hai lần trong quí II, cùng với đó là việc cổ đông JD.com tăng tỷ lệ sở hữu cùng sự xuất hiện của các cổ đông nước ngoài mới.

Theo thông tin từ báo cáo tài chính quí II công ty mẹ CTCP VNG, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp này tại công ty liên kết - CTCP Tiki đã giảm từ 28,88% xuống còn 24,6%.

Cập nhật mới nhất từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, VNG hiện đã không còn là cổ đông lớn nhất tại Tiki; thay vào đó là cái tên JD.com, sở hữu 25,651% vốn điều lệ.

Thực tế thì kể từ đầu quí II, Tiki đã có hai lần tăng vốn. Lần thứ nhất vào tháng 4, công ty này tiến hành nâng mức vốn điều lệ từ 160,3 tỉ đồng lên 162,7 tỉ đồng.

Chính đợt tăng này đánh dấu việc tỷ lệ sở hữu của JD.com tại Tiki tăng từ 21,2% lên 25,651%; nguyên nhân có thể đến từ việc nhận một phần chuyển nhượng của nhóm Sumitomo (sở hữu của nhóm này từ 7,87% giảm xuống còn 4,443%). Trong khi đó, tổng sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại Tiki chỉ tăng nhẹ từ 39,669% lên 40,981%.

Lần tăng vốn thứ hai của Tiki diễn ra vào cuối tháng 6, vốn điều lệ của công ty này tiếp tục được nâng lên 188 tỉ đồng. Sàn thương mại điện tử của Việt Nam đón chào thêm 4 cái tên ngoại: NCV Shift VN I (Hàn Quốc)sở hữu 0,899%, EDB Investment (Singapore) sở hữu 2,645%, Stic 4th Industrial Revolution Fund (Hàn Quốc) sở hữu 1,102% và Ubiqutous Traders (Singapore) sở hữu 8,817%...

Đáng chú ý Ubiqutous Traders có địa chỉ tại số 1 Raffles Place - Singapore, cùng tòa nhà với JD.com.

Trong đợt tăng vốn gần nhất, tổng sở hữu nước ngoài tại Tiki không thay đổi đáng kể, giữ ở mức 40,931%, phần còn lại thuộc về nhóm tư nhân.

Như vậy, chính việc tăng vốn của Tiki làm tỷ lệ sở hữu của cổ đông VNG sụt giảm. Theo số liệu công bố tại thời điểm kết thúc quí II, số tiền mà VNG đầu tư vào Tiki giữ nguyên so với đầu năm ở mức 506 tỉ đồng. Tuy nhiên gần như toàn bộ số tiền này đã bị Tiki "ngốn" hết do lỗ lũy kế nhiều năm liền.

Cuộc chiến thương mại điện tử ở Việt Nam là cuộc chơi đốt tiền, khi mà cả Lazada, Shopee và Tiki đều ghi nhận số lỗ kỷ lục trong năm 2018. Trong đó cả Lazada và Shopee đều báo lỗ trên dưới 2.000 tỉ đồng, trong khi Tiki vào khoảng 750 tỉ đồng.

Số lỗ lũy kế của các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam tính đến hết năm 2018 (Tỉ đồng)

Theo số liệu cập nhật quí II của Iprice Insights, Shopee và Tiki hiện đang là hai sàn thương mại điện tử đứng đầu Việt Nam về lượng truy cập web mỗi tháng với lần lượt 38,6 và 33,7 triệu lượt; trong khi đó Lazada và Sendo đang so kè sát nhau trên bảng xếp hạng với 28 triệu lượt truy cập/tháng. 

Đông A

Chủ tịch Sacombank: Tôi không liên quan gì bà Trương Mỹ Lan, Vạn Thịnh Phát
Người đứng đầu ngân hàng nói rằng tất cả tin đồn ảnh hưởng đến ông sẽ ảnh hưởng đến Sacombank, từ đó chắc chắn ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông.