|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tiêu thụ thuỷ sản của Trung Quốc có thể tăng mạnh trở lại khi quy định chống dịch COVID-19 được nới lỏng

12:13 | 10/12/2022
Chia sẻ
Chủ tịch Liên minh Tiếp thị và Chế biến Sản phẩm Thuỷ sản Trung Quốc kỳ vọng tiêu thụ thuỷ sản sẽ phục hồi hoàn toàn trước dịp Tết Nguyên đán khi các nhà hàng, khách sạn mở cửa trở lại. Đặc biệt lượng tiêu thụ đối với các mặt hàng như cá hồi, cua hoàng đế, tôm hùm sẽ phục hồi mạnh

Trả lờii phỏng vấn trang Undercurrent News, ông Cui He, Chủ tịch Liên minh Tiếp thị và Chế biến Sản phẩm Thuỷ sản Trung Quốc (CAPPMA) nhận định tiêu thụ thuỷ sản của nước này dự kiến sẽ tăng lên khi chính phủ dỡ bỏ các biện pháp chống COVID-19 nghiêm ngặt bao gồm phong toả hàng loạt và xét nghiệm trên toàn thành phố. 

Ông cho rằng nhu cầu sẽ dần phục hồi và kỳ vọng sẽ trở về mức bình thường trước dịp Tết Nguyên đán (22/1/2023).

“Chúng tôi kỳ vọng tiêu thụ thuỷ sản tại Trung Quốc sẽ phục hồi hoàn toàn trước dịp Tết Nguyên đán khi các nhà hàng, khách sạn mở cửa trở lại. Đặc biệt lượng tiêu thụ đối với các mặt hàng như cá hồi, cua hoàng đế, tôm hùm sẽ phục hồi mạnh”, ông Cui nói. 

Trung Quốc đã bỏ quy định xét nghiệm COVID-19 với toàn thành phố, thay vào đó, chỉ xét nghiệm với những người có nguy cơ cao. Người dân khi di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác cũng không cần giấy chứng nhận xét nghiệm. Những trường hợp nhiễm bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có thể tự cách ly tại nhà. Chỉ những bệnh nhân có triệu chứng nặng mới được chuyển đến bệnh viện điều trị. Chính phủ Trung Quốc cũng đã kêu gọi người dân trên 60 tuổi tiêm vắc xin.

Ông Cui cho biết dịch bệnh đã kéo dài 3 năm dẫn đến việc thả giống ở các ao và sản xuất thức ăn bị giảm sút, đặc biệt là với cá bơn và cá vược. 

“Nông dân đã điều chỉnh để thay đổi chính sách chống COVID-19 của chính phủ và do đó sản xuất đã bị gián đoạn. Tuy nhiên, tình trạng này được kỳ vọng sẽ thay đổi”, ông Cui nói.

Đối với các nhà nhập khẩu, đặc biệt là những công ty chế biến cá thịt trắng, chi phí liên quan đến COVID-19 được kỳ vọng giảm do trước đây nguyên liệu thô cần được kiểm tra, khử trùng…

“Việc nới lỏng các chính sách bao gồm việc loại bỏ kiểm tra và khử trùng đối với thực phẩm nhập khẩu sẽ giảm bớt áp lực cho các nhà nhập khẩu và chế biến đồng thời có lợi cho dòng tiền. Vì vậy, chúng ta sẽ thấy nhiều công ty dám nhận đơn đặt hàng mới”, vị này nó thêm. 

Ông cho biết ngành đánh bắt xa bờ của Trung Quốc vốn tương đối ổn định trong thời kỳ dịch bệnh, cũng sẽ được hưởng lợi: “Sản lượng khai thác mực, cá ngừ và cá thu tương đối ổn định trong 3 năm qua. Nhưng tôi nghe nói một số thuyền viên không thể về nhà vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, vấn đề này cũng sẽ được giải quyết trong thời gian tới”. 

Mặc dù vậy, ông Cui thừa nhận rằng nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng trong thời Ian phong toả và tài chính của người dân cũng eo hẹp hơn. 

“Chúng tôi hiểu rằng nhiều người đã không kiếm được nhiều tiền trong những năm gần đây, tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng. Có thể mất một thời gian để quay trở lại bình thường. Bên cạnh đó, tình hình tài chính quốc tế và các vấn đề kinh tế toàn cầu cũng đang thay đổi. Liệu Châu Âu và Châu Mỹ có thể phục hồi kinh tế trong năm tới hay không, tôi đoán chưa có nhà kinh tế nào trên thế giói trả lời được câu hỏi này”.

CAPPMA vừa thông báo hiện họ đang tích cực hỗ trợ các công ty Trung Quốc tham gia Triển lãm Thuỷ sản Bắc Mỹ vào năm tới, sự kiện mà nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã bỏ lỡ trong hai năm trở lại đây. 

“Mặc dù chi phí và rủi ro khi tham gia triển lãm tại Boston tương đối cao nhưng cơ hội kinh doanh cũng lớn chưa từng có. CAPPMA sẵn sàng chung tay với doanh nghiệp thuỷ sản trong nước để vượt qua thác thức”, CAPPMA thông báo cho các công ty hội viên.

“Cho đến nay, nhiều công ty Trung Quốc bày tỏ mong muốn tham gia triển lãm lại Boston và Barcelone và tôi tin rằng năm tới sẽ rất sôi nổi”, ông Cui cho biết.

H.Mĩ