Tiêu điều với... hồ tiêu
Trong đó, có một phần diện tích cây hồ tiêu già cỗi, bệnh tật cùng với đó thời tiết thất thường dẫn đến nguyên nhân tình trạng mất mùa trong năm nay. Chưa kể, giá tiêu xuống thấp khiến nhiều hộ dân bỏ bê vườn tiêu đã đầu tư hàng trăm triệu đồng vì không có lãi.
Vườn tiêu của anh Phạm Sĩ Nguyên bỏ hoang không chăm sóc bấy lâu nay vì giá tiêu thấp kỷ lục. |
Thiệt đơn, thiệt kép
Dọc những con đường dẫn vào vườn tiêu của các hộ dân ở xã Ia Pal (H. Chư Sê, Gia Lai), màu xanh chỉ có thể thấy ở những vườn tiêu trồng mới trong vài năm gần đây hoặc đang cho thu hoạch. Còn những vườn tiêu già cỗi bị bỏ bê không chăm sóc vàng úa. Anh Phạm Sĩ Nguyên (xã Ia Pal, H. Chư Sê) dẫn chúng tôi ra vườn tiêu của gia đình - nơi hơn 300 trụ tiêu dù đang cho thu hoạch vẫn bị bỏ hoang bởi giá tiêu xuống mức kỷ lục. "Vườn tiêu này gia đình đầu tư đã 5 năm nay, đang thời kỳ cho thu hoạch. Thế nhưng, từ đầu năm 2017 đến nay, giá hồ tiêu cứ như xe xuống dốc không phanh khiến người trồng tiêu lao đao. Giờ không thể bỏ công chăm sóc, phân bón đầu tư vào nữa bởi sẽ lỗ nặng như với giá tiêu hiện nay. Thôi thì đành bỏ không vậy, thu được được bao nhiêu hay bấy nhiêu", anh Nguyên rầu rầu nói. Không chỉ gia đình anh Nguyên, nhiều hộ nông dân cũng đành phó mặc vườn hồ tiêu trị giá hàng trăm triệu đồng cho... ông Trời. Giờ, cả vựa tiêu của Gia Lai này không còn cảnh nhà nhà làm tiêu, người người làm tiêu. Bởi hiện giá hồ tiêu trung bình từ 62.000 - 66.000 đồng/ kg, chỉ bằng một nửa so với giá đỉnh điểm 2017 và chưa bằng số lẻ so với giá đỉnh điểm của hồ tiêu là 280.000 đồng/kg.
Ở H. Chư Pưh cũng rơi vào tình trạng tương tự khi người trồng tiêu lao đao vì giá tiêu rớt thê thảm. Nhiều hộ dân trồng cũ thì ngậm ngùi tích trữ hồ tiêu lại để chờ giá cao, có hộ chăm sóc cầm chừng hoặc bỏ mặc vườn hồ tiêu. Trong khi đó, những hộ dân trồng mới đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ bởi thời điểm đầu tư thì giá hồ tiêu lên cao nhưng với giá như hiện nay không thể bù chi phí chăm sóc, thu hoạch chứ chưa nói đến chuyện có lời. Không chỉ câu chuyện về giá, trong vòng vài năm qua năng suất hồ tiêu ở 2 huyện Chư Sê, Chư Pưh cũng giảm rõ rệt. Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng NN và PTNT H. Chư Pưh, từ năm 2010 - 2015, năng suất hồ tiêu trung bình của huyện đạt 48-51tạ/ha, sản lượng trung bình đạt từ 8.000 - 10.500 tấn/năm. Thế nhưng, từ năm 2016, năng suất hồ tiêu giảm dần, có hơn 2.000ha trong gần 2.900 ha của huyện bị nhiễm bệnh từ nhẹ đến nặng... Từ năm 2013 đến nay có hơn 300ha hồ tiêu của hơn 600 hộ dân bị chết. Điều đó một phần do việc sử dụng vô tội vạ các loại thuốc bảo vệ thực vật, người trồng tiêu vẫn đang còn thiếu đủ thứ về kỹ thuật, chăm sóc từ giống cho đến khi thu hoạch. Năm nay, nỗi buồn càng nặng trên vai người trồng tiêu ở Gia Lai khi đang đối mặt với thiệt đơn, thiệt kép: giá thấp và giảm sản lượng.
Hàng trăm chiếc máy tuốt tiêu của một đại lý vứt chỏng chơ bên đường. |
Nỗi lo nợ ngân hàng
Theo thống kê đến thời điểm này tổng dư nợ tín dụng hồ tiêu tại Gia Lai đã xấp xỉ con số 4.000 tỷ đồng, trong đó H. Chư Pưh có dư nợ tín dụng cao nhất với khoảng 1.000 tỷ đồng. Điều đó cũng dễ hiểu bởi việc phát triển hồ tiêu kiểu ồ ạt tự phát khi "nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu" khi hồ tiêu trở thành "vàng đen" hấp dẫn bất cứ nhà nông nào. Ngoài việc bỏ vốn ra đầu tư, việc vay vốn ngân hàng cũng là lẽ tất yếu bởi giá hồ tiêu thời vàng son thì chả mấy chốc người nông dân trả hết số nợ đã vay. Thế nhưng, hồ tiêu là vẫn là loại cây trồng "đỏng đảnh" dễ bị sâu bệnh và kén chọn đất, phân bón nhưng người nông dân thiếu am hiểu kỹ thuật vẫn đua nhau trồng. Cả vườn tiêu đổ bệnh, giá hồ tiêu rơi xuống đáy khiến người trồng tiêu may mắn lắm cũng chỉ hòa vốn hoặc có lãi chút ít, còn đa phần "ôm" món nợ ngân hàng chưa biết bao giờ trả.
Tiêu chết, tiêu rớt giá kéo dài thời gian qua đã đẩy người nông dân lâm vào cảnh nợ nần. Dọc con đường nối huyện Chư Sê - Chư Pưh, hàng trăm chiếc máy tuốt tiêu được các chủ đại lý nhập về vứt chỏng chơ, mặc cho nắng mưa, cỏ dại. Bởi giờ này, tiêu trở thành "gánh nặng" đối với nhiều gia đình khi vườn tiêu không còn, trong khi đó món nợ ngân hàng vay đầu tư vào hồ tiêu chưa biết bao giờ trả được. Thế nên, trong kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XI (nhiệm kỳ 2016 - 2021), cử tri H. Chư Pưh tiếp tục có kiến nghị với UBND tỉnh Gia Lai có ý kiến với Ngân hàng Nhà nước tạo cơ chế cho các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ đối với các hộ dân vay vốn trồng tiêu nhưng có diện tích tiêu đã chết. Đó cũng là giải pháp trước mắt để người trồng tiêu gượng dậy sau thời gian chạy đua theo phong trào mạnh cây nào trồng cây đó. Có như vậy, người dân mới có điều kiện phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế và là cứu cánh cho nhiều gia đình trước khoản nợ lớn từ ngân hàng.