Tiếp nhận Cảng Hòn La 7 năm, PVS 'quên' cam kết đầu tư giai đoạn 2?
Một góc cảng Hòn La
Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC, mã PVS - HNX) tiếp nhận chuyển nhượng Cảng Hòn La cùng tất cả tài sản từ dự án đầu tư xây dựng giai đoạn I từ tháng 8/2009 với tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng 158 tỷ đồng.
Theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, Cảng Hòn La là cảng biển tổng hợp dưới sự quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải của Cảng vụ Quảng Bình và quản lý khai thác vận hành bởi PVS - Chi nhánh Quảng Bình.
Với kết quả thực hiện giai đoạn 1, cảng Hòn La với cầu cảng dài 100m, rộng 25,5m, tải trọng cầu tàu 4T/m2, độ sâu trước bến -9,2m và khả năng tiếp nhận tàu đến 10.000 DWT, diện tích bãi 88.201m2 và diện tích nhà kho 2.160m2, khu văn phòng. Khi tiếp nhận, PVS được thụ hưởng và kế thừa toàn bộ các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, cũng như các quyền và nghĩa vụ khác phát sinh từ Cảng Hòn La giai đoạn I. Đồng thời, PVS được hưởng các ưu đãi từ địa phương để phát triển Cảng phù hợp với quy hoạch phát triển Cảng biển và được hưởng các ưu đãi đầu tư tại Khu Kinh tế Hòn La – Quảng Bình.
Vậy nhưng, sau 7 năm hoạt động khai thác cảng Hòn La, PVS lại chậm đầu tư nâng cấp giai đoạn 2 về mở rộng công suất cảng theo lộ trình đã cam kết với tỉnh. Theo thông tin từ báo Tuổi trẻ, UBND tỉnh Quảng Bình cũng cho biết thêm hoạt động của cảng đang gặp khó khăn do luồng vào cảng bị bồi lắng vì thiếu kinh phí nạo vét...
UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Tổng công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí VN thực hiện giai đoạn 2, gồm các hạng mục nâng chiều dài cầu cảng lên 430m cho tàu 20.000 - 50.000 DWT vào thuận lợi, đạt năng lực hàng hóa qua cảng 3,2 triệu tấn/năm, đầu tư thiết bị để rút ngắn thời gian bốc xếp hàng hóa.
UBND tỉnh Quảng Bình cho rằng sự chậm trễ của PVS đã ảnh hưởng đến sự phát triển chung của khu vực Hòn La dù cảng biển này có vị trí chiến lược quan trọng trên tuyến vận tải biển Bắc - Nam và với các tỉnh miền Trung cũng như với nước bạn Lào, Thái Lan, thuận lợi trong giao thương với các cảng quốc tế…
Cảng Hòn La nằm dưới chân dãy núi Hoành Sơn, vịnh Hòn La có vị trí chiến lược quan trọng trên tuyến vận tải biển Bắc Nam cũng như đối với các tỉnh miền Trung và nước bạn Lào và Thái Lan, cách quốc lộ 1A 3km, cách cửa khẩu Cha Lo trên biên giới Việt - Lào 153km theo quốc lộ 12A, cách Tà Khẹt trên biên giới Lào – Thái 301km, cách tuyến hàng hải ven biển 5,5-6 hải lý, cách tuyến hàng hải quốc tế trên Biển Đông 360 hải lý và nằm ở vị trí trung tâm giữa 2 cảng lớn là Hải Phòng và Đà Nẵng.
Dịch vụ căn cứ cảng dầu khí là một trong 6 mảng hoạt động chính của PVS. Trong năm 2015, hoạt động này đã giúp PVS thu về 2.572 tỷ đồng, tương đương gần 10% doanh thu của PVS. Ngoài Cảng Hòn La, PVS còn đang quản lý, vận hành và triển khai đầu tư hệ thống 7 căn cứ cảng dịch vụ dầu khí khác. Mục tiêu của các cảng này là đáp ứng các dịch vụ hậu cần căn cứ cảng cho các công ty và nhà thầu đang hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.
Sự sụt giảm của giá dầu thô trên thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp "họ" dầu khí, trong đó có cả PVS. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2016, doanh thu thuần của PVS đạt hơn 13.900 tỷ đồng, giảm 28%.
Lợi nhuận sau thuế đạt gần 750 tỷ đồng, giảm 42% so với 9 tháng đầu năm 2015 và hoàn thành 78% kế hoạch cả năm 2016. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là hơn 816 tỷ đồng.