Tiền số sẽ thế nào khi ông Trump làm Tổng thống?
"Tôi tin rằng chiến thắng thứ hai của Donald Trump vào Nhà Trắng là thời khắc quyết định đối với ngành công nghiệp tiền số, không chỉ ở Mỹ mà còn trên toàn cầu", Boris Bohrer-Bilowitzki, CEO của công ty blockchain Concordium có trụ sở ở Anh, nói với CoinTelegraph.
Từng xem tiền số là "lừa đảo", ông Trump trong thời gian tranh cử đã bất ngờ ủng hộ loại tiền này, tự tuyên bố sẽ là "tổng thống tiền số" hay thậm chí muốn những Bitcoin còn lại sẽ được tạo ra tại Mỹ sau khi ông lên làm Tổng thống. Theo giới chuyên gia, khi trở lại làm Tổng thống Mỹ ở nhiệm kỳ thứ hai, ông có thể sẽ nâng tầm lĩnh vực này.
Thực tế, thị trường đã phản ứng tích cực khi ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ ngày 7/11. Le Shi, CEO Auros (Hong Kong) nói trên Bloomberg rằng bầu không khí hưng phấn từ chiến thắng của ông Trump sẽ chưa lắng xuống cho đến hết năm nay. "Việc thị trường tiền mã hóa bùng nổ chỉ còn là vấn đề thời gian khi mọi người đều cho rằng Tổng thống Mỹ là người ủng hộ đồng tiền này", ông nhận định.
Đồng quan điểm, Bohrer-Bilowitzki cho rằng thị trường tiền số sẽ phản ứng tích cực, ít nhất cho đến khi ông Trump nhậm chức vào đầu năm sau. "Giới tiền số đang kỳ vọng ông Trump sẽ có lập trường nhẹ nhàng hơn trong việc quản lý, đảm bảo các chính sách không làm chậm hoặc kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực này", Bohrer-Bilowitzki nhận xét.
Cũng theo Bohrer-Bilowitzki, cấu trúc thị trường tài sản kỹ thuật số và có thể là cả luật thanh toán stablecoin sẽ được thực hiện thời gian tới. Đảng Cộng hòa đã nắm giữ đa số tại Thượng viện và nhiều khả năng là cả Hạ viện. Điều này giúp ông Trump có thể bổ nhiệm một chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) thân thiện với tiền số hơn thay cho Gary Gensler, người hiện được đánh giá là "ghét" loại tiền này.
"Bốn đến sáu năm tới có thể là khoảng thời gian cực kỳ thuận lợi cho lĩnh vực tài sản kỹ thuật số", Chiente Hsu, đồng sáng lập công ty công nghệ AlexGo, nhận xét. "Lúc này, thị trường sẽ chứng kiến sự bùng nổ của các quỹ ETF, các sản phẩm phái sinh blockchain trong khi các vụ kiện tụng giảm".
Tuy nhiên, vẫn có những mặt trái tiềm ẩn. Timothy Massad, cựu chủ tịch Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ, hiện là nghiên cứu viên tại trường Kennedy School of Government thuộc Đại học Harvard, đã đặt câu hỏi: "Liệu chính quyền Trump sẽ tạo các quy tắc và chính sách khuyến khích công nghệ theo hướng đổi mới hữu ích hay sẽ làm theo cách khác?".
Theo Massad, không loại trừ khả năng chính phủ mới "thiết lập các quy tắc đẩy giá token lên cao, làm giàu cho những người sáng lập và bỏ mặc những nhà đầu tư bán lẻ ngây thơ phải gánh chịu hậu quả". Đây được xem là vấn nạn trong giới tiền số thời gian qua, khi các dự án chủ yếu tạo token để bán thay vì tập trung vào các công nghệ có ích để ứng dụng thực tế.
"Tổng thống đắc cử không mấy quan tâm đến các chi tiết chính sách. Ông ấy thậm chí có thể thay đổi suy nghĩ về tiền số", Massad suy đoán.
Cũng theo Massad, việc Trump có sa thải Gensler vào ngày đầu tiên như ông từng khẳng định hay không vẫn là dấu hỏi. Đây là việc làm không dễ dàng, vì SEC là một cơ quan chính phủ độc lập, người đứng đầu chỉ bị cách chức nếu làm việc thiếu hiệu quả, sao nhãng nhiệm vụ hoặc tham nhũng trong khi tại nhiệm. Nếu Gensler rời ghế, Hester Pierce hoặc Mark Uyeda nhiều khả năng sẽ lên thay.
Ngoài ra, thách thức còn đến từ chính đảng Cộng hòa của ông Trump. "Các chính trị gia Cộng hòa bảo thủ vẫn hoài nghi về tiền số và coi đó là mối đe dọa đối với các tổ chức tài chính truyền thống", Bohrer-Bilowitzki nhận định.
Giáo sư Carol Alexander, người hiện công tác tại Đại học Sussex của Anh, cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục là quốc gia có ảnh hưởng quan trọng nhất đến giao dịch tiền số. Dù vậy, bà cho rằng chính quyền mới có thể ít quan tâm hơn so với chính phủ tiền nhiệm trong việc bảo vệ các nhà đầu tư nhỏ - một vấn đề gây lo ngại.
"Các quy định đang có có thể không được thực hiện", theo bà Alexander. "Rủi ro sẽ là rất lớn khi SEC ngừng thực hiện các hành động dân sự chống lại các sàn giao dịch không được quản lý".