|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tiền margin ưu tiên mã thanh khoản

22:20 | 04/01/2018
Chia sẻ
Quy mô vốn hóa thị trường ngày một lớn dẫn đến nhu cầu cho giao dịch ký quỹ cũng tăng theo. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều công ty chứng khoán đang phải phân bổ lại nguồn lực vốn, hướng ưu tiên vào nhóm cổ phiếu thanh khoản.
tien margin uu tien ma thanh khoan Quy chế mới về margin sẽ không đánh đồng các công ty vi phạm thuế
tien margin uu tien ma thanh khoan Chứng khoán Rồng Việt: Dòng tiền margin đang rút khỏi thị trường
tien margin uu tien ma thanh khoan
Khi quy mô đầu tư lớn, việc ép tất toán tài khoản có thể sẽ dẫn đến những thiệt hại không nhỏ cho nhà đầu tư

Ưu tiên cho cổ phiếu thanh khoản

Tại một công ty chứng khoán thuộc Top 10 thị phần môi giới, trong 1 tháng, các cuộc họp giữa Ban lãnh đạo công ty với trưởng các bộ phận liên quan đến môi giới, tài chính… diễn ra liên tục.

Nội dung chính của các cuộc họp này là việc thống nhất quan điểm giữa các bộ phận để đưa ra tỷ lệ phân bổ nguồn lực cho margin giữa các mã chứng khoán.

Trong bối cảnh quy mô thị trường ngày một lớn, nhưng nguồn lực của công ty chứng khoán bị giới hạn, cho vay mã nào để tối ưu hóa lợi ích cho doanh nghiệp và cân bằng lợi ích giữa các phòng môi giới là vấn đề tranh cãi nảy lửa giữa các bộ phận. Và cuối cùng, các cổ phiếu có thanh khoản lớn được ưu tiên phân bổ nguồn lực tài chính, thay cho các mã chứng khoán có định giá tốt, nhưng thanh khoản thấp hơn.

Câu chuyện tại công ty chứng khoán nói trên không phải là trường hợp cá biệt. Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán lớn khác chia sẻ, trong vòng hơn 1 tháng qua, công ty này đã ra chỉ tiêu giảm số dư margin một loạt mã chứng khoán, do nhà đầu tư vay xong và… để đó, ít giao dịch.

Điều này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư còn trong tình trạng “dở khóc, dở cười”, khi chỉ 2 tháng trước, với thanh khoản tốt, mã chứng khoán họ đầu tư nằm trong nhóm được ưu tiên cho vay giao dịch.

Thế nhưng, ở thời điểm cuối năm, khi thanh khoản đột ngột sụt giảm, công ty ra thông báo không chính thức về việc cắt toàn bộ cho vay margin với mã này mà không cần lý do, không cho thời gian ân hạn khoản nợ.

tien margin uu tien ma thanh khoan

Tại nhiều công ty chứng khoán lớn, số dư cho vay giao dịch ký quỹ không lớn, thậm chí còn cách khá xa hạn mức cho vay mà công ty được phép, trên cơ sở quy định pháp luật hiện hành. Thế nhưng, số dư cho vay thực tế nhà đầu tư vẫn lớn hơn rất nhiều.

Điều này chủ yếu nằm ở khoản cho vay 3 bên, trong đó, bên thứ 3 là ngân hàng hoặc đối tác khác và công ty chứng khoán chỉ làm công tác giám sát tài khoản. Hiện nay, nguồn tài chính này cũng đang được ưu tiên cho các mã chứng khoán có thanh khoản cao.

Rủi ro thị trường khi tất cả chạy theo... thanh khoản

Cho vay mã nào, tỷ lệ bao nhiêu là câu chuyện thuộc thẩm quyền của công ty chứng khoán, miễn tỷ lệ cho vay đảm bảo quy định pháp luật hiện hành. Thế nhưng, trong bối cảnh các công ty chứng khoán chạy theo mục tiêu tối ưu hóa lợi thế nguồn lực, nhà đầu tư đang phải trả giá và thị trường cũng chịu một rủi ro chung.

Khi công ty chứng khoán đưa tiêu chí phân bổ nguồn lực chạy theo thanh khoản, lợi ích của công ty sẽ không chỉ nằm ở dịch vụ tài chính, mà còn ở thị phần môi giới, kéo theo đó là doanh thu, lợi nhuận.

Thế nhưng, những rủi ro tiềm ẩn vẫn luôn trực chờ, khi ở thị trường chứng khoán Việt Nam, những mã có thanh khoản lớn thường đi kèm theo những câu chuyện mang tính “thị trường”. Trong tình huống này, rủi ro an toàn khoản cho vay của các công ty chứng khoán sẽ lớn hơn nhiều, nếu thị trường không thuận lợi như quá khứ.

Trong tờ trình xin nguồn, giám đốc phòng môi giới một công ty chứng khoán đề nghị cắt toàn bộ khoản vay với một mã chứng khoán, vì mã này thanh khoản kém để lấy nguồn phục vụ một mã chứng khoán khác, vừa lên sàn.

Mã chứng khoán mới niêm yết này đã tăng giá gấp hơn 3 lần chỉ trong một thời gian ngắn trước khi lên sàn và bị coi là đã quá cao xét về định giá, nhưng vẫn được chấp nhận với lý do… sẽ để một lượng cổ phiếu về giao dịch tại đây. Những thương vụ này của công ty chứng khoán rất có thể sẽ tạo nên những cổ phiếu như TFC, CDO, ACM…, với diễn biến chung là niêm yết cao vút và rơi không dấu vết.

Với nhà đầu tư, rủi ro lớn nhất nằm ở chính sự bị động của họ, khi bất ngờ phải tất toán khoản vay. Khi quy mô nhỏ, việc bán cổ phiếu để tất toán khoản vay hoặc bổ sung nguồn theo yêu cầu của công ty chứng khoán sẽ được thực hiện dễ dàng. Nhưng khi quy mô đầu tư lớn, trong bối cảnh nguồn tiền được “nắn” qua công cụ margin vào các mã có thanh khoản lớn, việc ép tất toán tài khoản có thể sẽ dẫn đến những thiệt hại không nhỏ.

Thị trường đang vô tình tạo ra một vòng xoáy, nơi mà những mã có thanh khoản lớn sẽ dễ dàng nhận được sự ủng hộ từ “nhà cái” và hút được dòng tiền, các mã chứng khoán thanh khoản nhỏ sẽ có xu hướng bị chặn lại. Tất cả đang chờ một nút thắt được tháo gỡ là quy mô vốn cho vay trên thị trường chứng khoán.

Trúc Chi