Tiền gửi tiết kiệm đạt 30% GDP
Với chủ đề “Tiết kiệm hôm nay - Tươi sáng ngày mai”, Tuần lễ hưởng ứng ngày Tiết kiệm năm nay hướng đến nhóm đối tượng trọng tâm là phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên - những người có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy phong trào tiết kiệm.
Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ chương trình như giao lưu với chủ đề “Làm thế nào để tiết kiệm hiệu quả”; Hội thảo Tiết kiệm - Đầu tư và Tiêu dùng; trao tặng sổ tiết kiệm cho các nữ sinh viên nghèo vượt khó, đặc biệt là các em nữ sinh quê miền Trung nơi vừa xảy ra thiên tai lũ lụt…
Thông qua các hoạt động này, 3 đơn vị tổ chức mong muốn nâng cao nhận thức trong xã hội về tầm quan trọng của tiết kiệm và các hình thức tiết kiệm
Đặc biệt trong việc huy động tiền nhàn rỗi từ cộng đồng, tạo nguồn vốn, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đồng thời, củng cố niềm tin của cộng đồng, người dân vào hệ thống tài chính - ngân hàng quốc gia...
Tọa đàm về tiết kiệm tại lễ phát động
Ngày Tiết kiệm thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1924 tại Ý với mục tiêu nâng cao nhận thức, hướng tới thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm của toàn xã hội, nòng cốt là tiết kiệm tài chính nhằm tạo nguồn lực dồi dào phân bổ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là năm đầu tiên Việt Nam tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày lễ này.
Trong 5 năm (2012-2016), với số tiền tiết kiệm chỉ từ 5.000đ – 10.000đ theo định kì hàng tuần, hàng tháng, 11 triệu hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tạo được nguồn quỹ tiết kiệm trên 6 nghìn tỷ đồng, từ đó giúp 1,5 triệu phụ nữ vay vốn phát triển sản xuất, nhiều chị em đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Huy động tiết kiệm trong ngân hàng liên tục tăng
Theo số liệu nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước, năm 1960, tổng số tiền huy động tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng đạt 45,9 triệu đồng tiền ngân hàng mới, đến năm 1963 đã tăng lên gấp đôi 104,8 triệu đồng tiền ngân hàng, đóng góp một nguồn vốn rất lớn cho hoạt động ngân hàng thời kỳ kháng chiến.
Hòa bình lập lại, các dòng vốn tiết kiệm lại tiếp tục tham gia vào công cuộc dựng xây, kiến thiết nước nhà. Từ sau năm 1975 đến nay, hệ thống ngân hàng đã không ngừng đổi mới trong việc thực thi nhiệm vụ huy động vốn và cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.
Nếu như năm 1990, tỷ lệ huy động vốn/GDP mới chỉ đạt 20% thì đến nay tổng huy động vốn qua hệ thống ngân hàng đã đạt khoảng trên 100% GDP, trong đó tỷ lệ tiết kiệm tăng từ 5% lên 30% so GDP.
Các ngân hàng thương mại Việt Nam đã phân bổ nguồn lực tiết kiệm của nền kinh tế thông qua các dự án đầu tư quan trọng của đất nước, như thủy điện Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình…là những nguồn vốn đối ứng quan trọng trong nước đối với những dự án ODA để phát triển cơ sở hạ tầng, các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.