Tiền Giang đồng ý xây thêm trạm BOT trên tuyến tránh Cai Lậy
Tiền Giang đồng ý xây thêm trạm BOT trên tuyến tránh Cai Lậy. Trong ảnh là trạm BOT Cai Lậy hiện hữu trên quốc lộ 1. Ảnh: Trung Chánh
Thông tin nêu trên được ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang xác nhận khi trao đổi với TBKTSG Online vào hôm nay, 14-10.
Ông Bon cho biết, để giải quyết những bất cập xảy ra như thời gian qua tại trạm thu phí BOT Cai Lậy, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra hai phương án xử lý: thứ nhất, là thu như cũ, tức trạm thu phí hiện hữu trên quốc lộ 1 sẽ đảm nhận việc thu phí hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 qua Tiền Giang.
Tuy nhiên, với phương án nêu trên, có 41 xã, phường, thị trấn quanh trạm (tương đương bán kính cách trạm 10 km) sẽ được miễn, giảm giá vé (hộ kinh doanh được giảm 50% giá vé, hộ không kinh doanh được miễn vé khi qua trạm); xe buýt được miễn vé 100%.
Đồng thời, thực hiện giảm giá vé chung cho tất cả các phương tiện qua đây so với mức giá vé đã được ấn định vào ban đầu khi tổ chức thu phí (năm 2017).
Phương án thứ hai được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra, theo ông Bon, đó là xây dựng thêm trạm thu phí mới trên tuyến tránh Cai Lậy và thực hiện thu phí đồng thời cả hai trạm (trạm trên tuyến tránh và trạm trên quốc lộ 1), nhưng trạm nào hoàn vốn xong sẽ dỡ trạm đó (phần vốn đầu tư truyến tránh hơn 680 tỉ đồng và phần vốn đầu tư cho tăng cường mặt đường quốc lộ 1 khoảng 379 tỉ đồng).
Thế nhưng, với phương án này, theo ông Bon, sẽ thực hiện phân luồng giao thông theo hướng cho xe lớn di chuyển trên tuyến tránh nhằm tránh kẹt xe và gây ô nhiễm môi trường quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Cai Lậy. “Việc phân luồng giao thông, thì Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng cục Đường bộ và địa phương tổ chức”, ông nói.
Trên cơ sở hai phương án được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra như nêu trên, ông Bon cho biết, địa phương đã thống nhất chọn phương án xây dựng thêm trạm thu phí trên tuyến tránh và thực hiện thu phí đồng thời cả hai trạm.
Theo ông Bon, Bộ Giao thông Vận tải sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để quyết định phương án thu phí trở lại đối với dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang. “Nhưng, hiện nay Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải quyết định nên vẫn đang chờ ý kiến của Bộ”, ông nói.
Liên quan đến dự án BOT Cai Lậy, như TBKTSG Online đã thông tin, tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội với Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận về tình hình thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và sự cần thiết phải thu phí trở lại tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương diễn ra ở tỉnh Tiền Giang hôm 11-10, ông Lưu Xuân Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã có ý kiến kiến nghị UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất với Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư báo cáo Chính phủ chấp thuận giải pháp xóa trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Đồng thời, giao ngân hàng tài trợ vốn cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận (Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam - được xác định là ngân hàng đầu mối, cùng với một số ngân hàng khác như BIDV, Agribank cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vay vốn - PV) và dự án tuyến tránh Cai Lậy (BIDV cho dự án này vay vốn - PV) quản lý, sử dụng nguồn thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương để đảm bảo việc vay và xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy.
Việc thu phí tại tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương được đề xuất giao cho Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 - đơn vị đầu tư dự án BOT Cai Lậy - thực hiện.
Tuy nhiên, đề xuất nêu trên đã bị các chuyên gia kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long phản đối vì cho rằng, không có cơ sở nào để thực hiện một đề xuất hết sức vô lý như vậy.
Ông Võ Hùng Dũng, cựu Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ nhấn mạnh: “Không thể lấy tiền thu của dự án cao tốc TPHCM - Trung Lương để bù cho Cai Lậy (BOT Cai Lậy - PV) được; không thể lấy chuyện nọ, xọ qua chuyện kia, một sự nhập nhèm lấp liếm như vậy được”.
Dự án đầu tư, xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1, đoạn từ km 1987+560 đến km 2014+000 do liên danh Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái (65%) và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 (35%) làm chủ đầu tư.
Pháp nhân quản lý, khai thác dự án nêu trên là Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang. Dự án được khởi công năm 2014 và hoàn thành năm 2017. Dự án thực hiện thu phí ngày 14-8-2017, nhưng sau đó gặp phản đối phải nhiều lần xả trạm và dừng thu phí cho đến nay.
Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải về chi phí đầu tư dự án cho biết, qua tính toán lại toàn bộ chi phí đầu tư (có cập nhật kết luận của thanh tra, kiểm toán), kết quả tổng chi phí đầu tư là trên 1.380 tỉ đồng, trong đó, tuyến tránh là 680,77 tỉ đồng, phần tăng cường mặt đường là hơn 379 tỉ đồng, xây trạm thu phí là trên 100 tỉ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 219 tỉ đồng.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/