|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tiền đổ vào cổ phiếu khi lãi suất tiết kiệm ở vùng thấp, trái phiếu doanh nghiệp đang ấm lại với thương vụ khủng

15:50 | 08/08/2023
Chia sẻ
Lãi suất đảo chiều khiến nhà đầu tư tìm kiếm các kênh đầu tư có hiệu suất lớn hơn phân bổ tài sản. Bên cạnh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp đang được quan tâm khi hoạt động phát hành sôi động trở lại.

Dòng tiền bẻ hướng khi lãi gửi tiết kiệm ở vùng thấp

Với quyết tâm hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) có 4 đợt giảm lãi suất điều hành kể từ đầu năm. Hệ quả là, lãi suất huy động đi xuống, hiện kỳ hạn 12 tháng còn 6,3% ở các 4 ngân hàng lớn nhất (Agribank, VCB, VietinBank, BIDV).

Lãi suất tiết kiệm giảm sâu khiến dòng tiền từ kênh này phân bổ sang các kênh khác để tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn.

Quan sát trong 4 tháng qua, thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh. Trong xu hướng thăng hoa, một bộ phận nhà đầu tư quay trở lại và số khác tham gia mới đẩy lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới quay trở mốc hàng trăm nghìn tài khoản mỗi tháng.

Tổng giá trị giao dịch hàng ngày trên thị trường trở lại đạt trên 1 tỷ USD mỗi phiên. Kênh giao dịch cổ phiếu đang lấy lại sự nhộn nhịp như trước thời điểm đảo chiều giảm sâu đầu quý II/2022.

Bên cạnh cổ phiếu, dòng tiền cũng có sự quan tâm đến kênh trái phiếu, đặc biệt khi nhiều thương vụ phát hành lớn xuất hiện. Một lý do khác, sau “cơn bão” do tâm lý yếu của thị trường, việc nhiều tổ chức phát hành vẫn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả lãi và gốc trái phiếu giúp nhà đầu tư yên tâm hơn khi nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp.

Nhà đầu tư Hoàng Linh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) kể lại thương vụ “bắt đáy” trái phiếu doanh nghiệp giữa tháng 11 năm ngoái với mức lợi suất trên 25%/năm khi các quỹ trái phiếu bị rút một cách bất ngờ. Hai tổ chức phát hành được nhà đầu tư lựa chọn mua vào tại thời điểm đó là Vingroup và Masan.

Ở thời điểm hiện tại, không chỉ anh Linh mà còn nhiều nhà đầu tư khác trên thị trường đang tìm kiếm những lô trái phiếu để mua sơ cấp khi hoạt động phát hành sôi động trở lại khi pháp lý cho sản phẩm này được hoàn thiện hơn.

Việc phân bổ một lượng tài sản nhất định vào tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu doanh nghiệp giúp nhà đầu tư có thể quản trị rủi ro được tốt hơn. Nếu so với kênh tiết kiệm, lợi suất trái phiếu hiện đang cao hơn đáng kể. Điểm cốt lõi là việc lựa chọn tổ chức phát hành uy tín và kì hạn đầu tư hợp lý với kế hoạch tài chính của cá nhân và gia đình, anh Linh chia sẻ kinh nghiệm.

 Giấc mơ vươn tầm thế giới của doanh nghiệp Việt Nam. Ảnh: VinFast.

Thị trường vốn và giấc mơ vươn tầm của doanh nghiệp Việt từ câu chuyện của VinFast

Như vừa đề cập, hoạt động phát hành nhộn nhịp trở lại, mới đây nhất Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) chào bán 10.000 tỷ đồng trái phiếu để tài trợ vốn cho VinFast. Trong đó, 6.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 4.000 tỷ đồng kỳ hạn 2 năm.

Lô trái phiếu này đang được cộng đồng quan tâm bởi mức lãi suất hấp dẫn. Với lô trái phiếu kỳ hạn 3 năm, lãi suất hai kỳ đầu tiên là 15%/năm, lãi suất kỳ tiếp theo bằng 4,5% cộng lãi suất tham chiếu kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng (Agribank, VCB, VietinBank, BIDV). Lô trái phiếu kỳ hạn 2 năm, lãi suất hai kỳ đầu tiên là 14,5%/năm, lãi kỳ tiếp theo là 4% cộng lãi suất tham chiếu. Kỳ hạn trả lãi 6 tháng/lần.

Bên cạnh lãi suất, hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Vingroup tích cực trong nửa đầu năm nay khiến giới đầu tư quan tâm hơn đến hai lô trái phiếu này. 6 tháng đầu năm nay Vingroup lãi hơn 7.900 tỷ đồng (tăng trưởng 129%), khiến những phiên giao dịch gần đây cổ phiếu công ty hưởng ứng tích cực.

Liên quan đến đơn vị mà Vingroup tài trợ vốn là VinFast cũng liên tiếp đón nhận thông tin khởi sắc như ra mắt mẫu xe mới hoàn thiện dải sản phẩm, doanh số bán xe tăng cao, xuất khẩu xe và khởi công nhà máy tại Mỹ. Kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ của hãng xe Việt đang trên đường đến đích. CEO VinFast Toàn cầu, bà Lê Thị Thu Thủy cho biết thương vụ đang đi đúng hướng.

Việc đặt chân lên thị trường chứng khoán Mỹ mở ra cả cơ hội huy động vốn cho hãng xe Việt Nam bởi đây là thị trường chứng vốn lớn nhất thế giới. Còn trong kinh doanh, Mỹ là nền kinh tế dẫn đầu về lợi thế cạnh tranh bền vững, thu nhập và sức tiêu dùng của người dân cao tạo yếu tố thuận lợi cho kỷ nguyên xe điện.

Trở lại với câu chuyện vốn của Vingroup – VinFast, câu chuyện niêm yết ở đây không chỉ cho thấy quyết tâm vươn ra toàn cầu của khối doanh nghiệp Việt mà còn khẳng định vai trò của thị trường vốn trong nước. Mục tiêu đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường quốc tế có thể được “nuôi dưỡng” từ những đồng vốn của chính những nhà đầu tư nội. VinFast thành công, những người ôm mộng vươn tầm có cơ sở để nghĩ tới thị trường vốn quy mô lớn hơn thay vì chỉ bó hẹp ở kênh tín dụng.

Hoàng Linh