|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiền đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm chảy vào đâu trong thời COVID?

08:21 | 12/12/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh dịch bệnh, việc đầu tư tài chính trong thời gian qua được đánh giá là khó khăn, khiến các công ty bảo hiểm phải cơ cấu danh mục đầu tư sang các kênh ít rủi ro.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư ra sao trong 9 tháng đầu năm? - Ảnh 1.

Tiền gửi tại ngân hàng. (Ảnh: Lendbiz).

Đầu tư tài chính là hoạt động mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể trong hoạt động kinh doanh các công ty bảo hiểm. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trở nên rủi ro hơn, xu hướng đầu tư tài chính của các doanh nghiệp bảo hiểm đã có sự chuyển dịch đáng kể.

Tăng gửi tiền vào ngân hàng, đầu tư trái phiếu

Một trong những xu hướng dễ nhận ra nhất trong thời gian qua là các doanh nghiệp bảo hiểm giảm bớt tỉ trọng đầu tư vào kênh có rủi ro cao để chuyển sang các kênh an toàn hơn như gửi tiền ngân hàng hay đầu tư trái phiếu.

Số dư tiền gửi ngân hàng tại các công ty bảo hiểm tăng mạnh sau 9 tháng đầu năm. Tại Tập đoàn Bảo Việt, danh mục tiền gửi cả kì hạn ngắn và dài đã tăng 27,3% lên hơn 87.100 tỉ đồng, trong đó tiền gửi ngắn hạn chiếm hơn 80.000 tỉ đồng.

Tiền gửi ngân hàng tại Bảo hiểm Bưu điện (PTI) tăng hơn 27% trong 9 tháng lên 3.829 tỉ đồng. Hay tại Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), danh mục tiền gửi của công ty này đã tăng 12% lên hơn 2.238 tỉ đồng.

Điểm nhấn đáng chú ý trong khoản mục đầu tư các công ty bảo hiểm trong ba quí đầu năm là sự tăng trưởng đột biến của kênh đầu tư trái phiếu, vốn là kênh có lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm và ít rủi ro hơn kênh đầu tư cổ phiếu.

Theo báo cáo tài chính quí III, danh mục trái phiếu ngắn hạn nắm giữ đến ngày đáo hạn của Bảo Việt đã tăng gấp gần 3 lần với 856 tỉ đồng, danh mục trái phiếu kinh doanh tăng hơn 38% với gần 347 tỉ đồng sau 9 tháng.

Tại Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), danh mục đầu tư trái phiếu tăng mạnh lên 230 tỉ đồng, gần gấp 3 lần so với đầu năm nay và chiếm hơn một nửa các khoản đầu tư tài chính dài hạn.

Dù không chiếm tỉ trọng quá lớn trong danh mục đầu tư tài chính của công ty, tuy nhiên so với đầu năm, khoản đầu tư trái phiếu ngắn hạn của PTI cũng đã tăng 50% với 150 tỉ đồng.

Trong khi đó, những kênh đầu tư có tính chất rủi ro như chứng khoán kinh doanh lại đang được thu hẹp lại. 

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm danh mục chứng khoán kinh doanh của Tập đoàn Bảo Việt giảm hơn 14,5% xuống 1.489 tỉ đồng. Tập đoàn đã cắt giảm tỉ lệ nắm giữ một số cổ phiếu niêm yết và chỉ giữ nguyên các khoản đầu tư vào các doanh nghiệp lớn như MB, Viglacera, Tổng CTCP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VNR),...

Tương tự, PTI đã cắt giảm mạnh danh mục chứng khoán kinh doanh hơn 43,7% xuống khoảng 290 tỉ đồng theo giá gốc. 

Dòng vốn các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chảy vào đâu?

Trong bối cảnh dịch bệnh, việc đầu tư tài chính trong thời gian qua được đánh giá là khó khăn, khiến các công ty bảo hiểm phải cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình.

Trao đổi với chúng tôi, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng điều này bởi các công ty bảo hiểm có kế hoạch tài chính, nhận định về kinh tế riêng và có thể trong thời gian qua họ nhận định thị trường chứng khoán chưa thực sự ổn định. 

"Trong quí III, thị trường chứng khoán đã có sự hồi phục tuy nhiên nó vẫn cần một thời gian để chứng tỏ sự tăng điểm đó là sự tăng điểm bền vững. Có thể vì lí do đó các công ty bảo hiểm vẫn chưa đổ tiền vào thị trường chứng khoán mà vẫn giữ tiền tại ngân hàng", ông Hiếu nói.

Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư ra sao trong 9 tháng đầu năm? - Ảnh 2.

Tính đến 30/9, VNIndex mới hồi phục trở lại ngưỡng đầu tháng 3, trước khi thị trường "sập" bởi những thông tin về dịch bệnh COVID-19. (Ảnh: VNDirect).

Ngoài ra, chuyên gia cũng cho rằng các hãng bảo hiểm có chiến lược đầu tư tương đối bảo thủ, đối với họ an toàn vẫn là vấn đề quan trọng.

Tuy nhiên, từ tháng 9 đến nay, các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động trong những tháng cuối năm, thị trường trái phiếu cũng bớt "nóng" sau nghị định của chính phủ thắt chắt việc phát hành trái phiếu.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán vẫn giữ được mạch tăng điểm tích cực, được bổ trợ bởi những thông tin khả quan về kiểm soát dịch bệnh, vắc xin, làn sóng nhà đầu tư cá nhân với nguồn tiền nhàn rỗi dồi dào, dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài sôi động... 

Tính đến 9/12, chỉ số VNIndex đã vượt mốc 1.030 điểm. Kể từ giữa tháng 11, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục ghi nhận các phiên giao dịch có giá trị vượt 10.000 tỉ đồng, có phiên lên tới hơn 14.000 tỉ.

Trong bối cảnh đó, ông Hiếu cho rằng không loại trừ khả năng tiền của các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đổ vào chứng khoán trong những tháng cuối năm và sang những tháng đầu năm sau nếu thị trường vẫn giữ đà tăng điểm.

Lê Huy