|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiền đã chạy đi đâu?

07:00 | 11/01/2021
Chia sẻ
Trong năm 2020, tăng trưởng cung tiền không thấp hơn quá nhiều nhưng tăng trưởng GDP chỉ bằng hơn 1/3 so với 2019. Theo giới phân tích, rất có thể một phần lượng tiền bơm ra nền kinh tế đã chảy vào thị trường chứng khoán và bất động sản.
kipthoitiepvonnhanhvoilaisuatchitu6252c525nam_rdri.jpg

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thanh Niên)

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 28/12/2020, tổng phương tiện thanh toán (M2) và tín dụng tăng trưởng lần lượt 13,26% và 12,13% so với cuối năm 2019, tương đương quy mô tăng thêm là hơn 1,4 triệu tỷ đồng và 994.100 tỷ đồng.

Trước đó, số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2020 đạt 2,91%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Với con số trên, chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền và GDP doãng rộng lên gần 10,35 điểm %, cao hơn nhiều so với năm 2019 (GDP tăng 7,02% và M2 tăng 14,8%).

Tăng trưởng cung tiền và tín dụng không thấp hơn quá nhiều nhưng tăng trưởng GDP chỉ bằng hơn 1/3 so với 2019. Điều này đặt ra câu hỏi tiền đã chạy đi đâu?

Theo TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), mặc dù kinh tế Việt Nam đang ngày càng cần nhiều đồng cung tiền hoặc tín dụng hơn để tạo ra một đồng GDP, tuy nhiêu hiệu quả tín dụng không thể tụt nhanh như những con số trên thể hiện. Do vậy tình trạng này chỉ có thể đến từ ba nguyên nhân chính:

Thứ nhất, con số tăng trưởng tín dụng là khá "ảo". Một phần tăng trưởng tín dụng là nhờ việc cơ cấu gia hạn/đảo nợ đối với những doanh nghiệp gặp khó khăn, không trả được đúng hạn. Lãi chưa trả có thể phải nhập gốc làm dư nợ tăng lên theo tốc độ bằng lãi suất. (NHNN cho biết đã có khoảng 355.000 tỷ đồng dư nợ được cơ cấu lại).

Thứ hai, một lượng tiền lớn đã được hấp thụ bởi trái phiếu chính phủ (TPCP). Theo thống kê từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), lượng TPCP do Kho Bạc Nhà nước phát hành ròng (phát hành trừ đáo hạn) trong năm 2020 là khoảng 219 nghìn tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với con số của năm 2019, và phần lớn số này được mua bởi các tổ chức tín dụng.

Thứ ba, có thể tín dụng không trực tiếp đi vào sản xuất mà chủ yếu đi vào các kênh tiêu dùng hàng nhập khẩu (ô-tô) và giao dịch tài sản (bất động sản và chứng khoán).

TS. Phạm Thế Anh cho rằng, mặc dù giá cả tiêu dùng khá ổn định nhưng bong bóng giá tài sản (bên cạnh nợ xấu) là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng.

Chỉ số chứng khoán VN-index tăng 15% so với đầu năm (tăng 66% từ đáy), còn HNX-index tăng tới 98% so với đầu năm (tăng 110% từ đáy). Trong ngày cuối cùng của năm, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt gần 5,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 21% (tương đương 910.000 tỷ đồng) so với một năm trước đó.

Giá bất động sản cũng tăng bất thường trong năm, đặc biệt là những nơi có những dự án hạ tầng lớn được triển khai, gấp đôi là bình thường. Giá cho thuê đất công nghiệp đạt đỉnh cả ở miền Bắc lẫn miền Nam.

135603640_202124991568215_8300727284423883362_n.png

Tại báo cáo sơ lược về triển vọng vĩ mô và thị trường Việt Nam năm 2021, SSI Research nhận định chênh lệch ngày càng tăng giữa tăng trưởng GDP danh nghĩa và cung tiền M2 là do đại dịch COVID-19 và những tác động nghiêm trọng của nó đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Theo SSI Research, trong 9 tháng đầu năm 2020, cung tiền M2 tăng 8,63%. Chính phủ ước tính dự trữ ngoại hối cuối 2020 đạt 100 tỷ đồng nghĩa với 22 tỷ USD được NHNN mua thêm trong năm 2020, tương tự như năm 2019. Đồng thời, giá trị huy động ròng từ thị trường OMO gần như bằng 0 cả năm 2020. Tuy nhiên, do tăng trưởng tín dụng 11 tháng đầu năm khá yếu khiến thanh khoản ngân hàng trở nên dồi dào.

Trong bối cảnh tiêu dùng và đầu tư tư nhân giảm, SSI Research nhận thấy tiền gửi ngân hàng đã chuyển sang trái phiếu doanh nghiệp (khối lượng phát hành 9 tháng đầu năm tăng 79% so với cùng kỳ) và có thể là thị trường chứng khoán (giá trị giao dịch ngày tăng 41% trong 11 tháng đầu năm 2020 so với trung bình năm 2019, trong khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 704 triệu USD).

Về phía NHNN, theo ông Phạm Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, trong năm 2020, NHNN đã giảm 3 lần đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5 - 2,0%/năm, là một trong số các nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất khu vực ASEAN, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN.

NHNN cũng điều hành linh hoạt tỷ giá, đảm bảo thị trường ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Trong năm 2021, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

NHNN mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế.

Quang Hưng