Cung tiền tăng thêm 490.000 tỷ đồng trong quý IV/2020
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 28/12/2020, tổng phương tiện thanh toán (M2) đã tăng 13,26% so với cuối năm 2019. Trước đó, vào cuối tháng 9, tăng trưởng cung tiền mới chỉ đạt 8,63%, tương đương quy mô gần 11,5 triệu tỷ đồng.
Như vậy, chỉ riêng trong quý IV/2020, tổng phương tiện thanh toán đã tăng thêm 4,63 điểm %, tương đương quy mô tăng thêm khoảng 490.000 tỷ đồng. Tính chung trong năm 2020, tổng phương tiện thanh toán tăng hơn 1,4 triệu tỷ đồng.
Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, trong năm 2020, NHNN đã giảm 3 lần đồng bộ các mức lãi suất điều hành với quy mô lớn 1,5-2,0%/năm, là 1 trong số các nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất khu vực ASEAN, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp từ NHNN.
NHNN cũng điều hành linh hoạt tỷ giá, đảm bảo thị trường ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Trước đó, số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) danh nghĩa năm 2020 đạt 2,91%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Với con số trên, chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền và GDP doãng rộng lên gần 10,35 điểm %, cao hơn nhiều so với năm 2019 (GDP tăng 7,02% và M2 tăng 14,8%).
Theo SSI Research, chênh lệch ngày càng tăng giữa tăng trưởng GDP danh nghĩa và cung tiền M2 là do đại dịch COVID-19 và những tác động nghiêm trọng của nó đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Trong năm 2021, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%; mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12% và sẽ được điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
NHNN mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu bình quân khoảng 4%, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế.