Tiềm năng phát triển thị trường công nghiệp bán dẫn
Chiều 31/10, tại Hội thảo “Xúc tiến đầu tư ngành công nghệ cao tại Tp. Hồ Chí Minh” do Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn Tp. Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức, các chuyên gia đã chia sẻ tiềm năng phát triển và tham gia chuỗi thị trường công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất trên thế giới, với giá trị thị trường hiện đạt khoảng 600 tỷ USD và có xu hướng ngày càng tăng. Tuy nhiên, chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu hiện nay rất phức tạp, vì bao gồm nhiều bước từ quá trình sản xuất nguyên liệu đến sản xuất thành phẩm, phân phối… được phân theo 3 khâu chính là thiết kế, chế tạo và đóng gói.
Những nền kinh tế như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... và một số nước EU đang đóng vai trò quan trọng trong hàng đầu chuỗi cung ứng này và trở thành các trung tâm của ngành công nghiệp bán dẫn. Mặt khác, không có quốc gia nào đầu tư toàn bộ dây chuyền sản xuất bán dẫn khép kín vì mức đầu tư cao và một số vấn đề liên quan, hiệu quả kinh tế. Đồng thời, chuỗi giá trị này được đặc trưng bởi sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc, sự phân công lao động cao và sự hợp tác chặt chẽ trong toàn bộ quá trình sản xuất.
Theo PGS. TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và Chuyển giao công nghệ (IPTC), ngành công nghiệp bán dẫn tiếp tục định hình sự phát triển của nền công nghiệp toàn cầu và góp phần quan trọng vào nhiều khía cạnh của cuộc sống hàng ngày thông qua việc cung cấp đa dạng giải pháp công nghệ tiên tiến. Ngành này không chỉ cung cấp những sản phẩm và giải pháp công nghệ đổi mới, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cách sống và làm việc trong xã hội hiện đại.
Phó Giám đốc IPTC nhấn mạnh việc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội cho Việt Nam, vì ngành này không chỉ là một phần quan trọng trong ngành công nghiệp khác, mà còn đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số, hỗ trợ Việt Nam nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, Việt Nam đang có tiềm năng trở thành trung tâm quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn và lợi thế phát triển ngành công nghiệp vật liệu.
Đến nay, Việt Nam phát triển công nghiệp vật liệu chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên và khoáng sản trong nước, khá phong phú về chủng loại nhưng phức tạp và khó khăn về phương diện khai thác, chế biến. Ngành công nghiệp vật liệu chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước, còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, nhất là vật liệu cơ bản phục vụ trong ngành cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng, điện tử, công nghệ thông tin...
Song thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều chủng loại vật liệu mới từ nguồn nguyên liệu trong nước với chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại.
Liên quan đến cơ chế chính sách thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Chương trình của Chính phủ về Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 cũng nêu ra những mục tiêu cụ thể như đến năm 2050, Việt Nam sẽ phấn đấu đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị.
Các cơ sở đào tạo, nhất là cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
Cụ thể, Việt Nam đào tạo ít nhất 15.000 nhân lực trong công đoạn thiết kế; 35.000 nhân lực trong công đoạn sản xuất, đóng gói, kiểm thử và các công đoạn khác của ngành công nghiệp bán dẫn; 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn…
Bên cạnh đó, căn cứ khả năng cân đối ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư để hình thành, nâng cấp và hiện đại hóa 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia, các phòng thí nghiệm bán dẫn cấp cơ sở phục vụ đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại khoảng 18 cơ sở giáo dục đại học công lập ở ba miền Bắc, Trung và Nam.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Ngọc cho hay, UBND thành phố cũng đã ban hành Quyết định Phê duyệt “Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch Tp. Hồ Chí Minh tại Khu công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2030”, với có mục tiêu tổng quát là phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn thành phố với hạt nhân là Khu Công nghệ cao có đủ năng lực tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu. Đến năm 2030, khu công nghệ cao trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/