|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thủy sản đối mặt khó khăn

09:33 | 18/02/2017
Chia sẻ
Liên tiếp thông tin tiêu cực từ các thị trường nhập khẩu đang đe dọa mục tiêu tăng trưởng 5%, tương đương 7,4 tỉ USD trong năm nay của ngành thủy sản VN.
thuy san doi mat kho khan
Mục tiêu tăng trưởng 5% của ngành thủy sản đang gặp nhiều rào cản từ các nước nhập khẩuẢNH: CHÍ NHÂN

Cá tra lại bị bôi bẩn

Mới đây tập đoàn bán lẻ lớn của châu Âu là Carrefour dừng tiêu thụ sản phẩm cá tra của VN. Lý do theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), trước đó một đài truyền hình ở Tây Ban Nha phát một đoạn video ngắn với nội dung tiêu cực và thiếu chính xác về cá tra VN.

Thông tin này ảnh hưởng lớn đến hình ảnh sản phẩm cá tra trong con mắt người tiêu dùng Tây Ban Nha. Đã có một số siêu thị ở các nước khác trong châu Âu bị ảnh hưởng doanh số bán cá tra.

Người tiêu dùng yên tâm lựa chọn cá tra

Trước nhiều thông tin tiêu cực xung quanh hoạt động nuôi cá tra hiện tại, Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) đảm bảo rằng cá tra được nuôi theo phương thức có trách nhiệm và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe. Người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn cá tra. GAA chỉ ra rằng các chiến dịch chống cá tra thường bắt nguồn từ các nhóm lợi ích cạnh tranh, rất dễ bóp méo sự thật.

Trong mấy năm gần đây, doanh số xuất khẩu sản phẩm cá tra vào thị trường này liên tục sụt giảm. Năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt gần 261 triệu USD, giảm 8,5% so với năm 2015; 4 thị trường chính là Hà Lan giảm 7,5%, Anh giảm 4,2%, Tây Ban Nha giảm 6,2% và Đức giảm 4,9%.

Thông tin thiếu chính xác từ các hãng truyền thông nước ngoài đã gây ảnh hưởng nhất định đến hình ảnh và lòng tin của người tiêu dùng về sản phẩm cá tra VN. Đây không phải lần đầu hình ảnh sản phẩm cá tra VN bị bôi bẩn trên truyền thông nước ngoài. Trước đó sản phẩm cá tra cũng bị truyền thông Đức bôi bẩn.

Các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) nhận định, trước mắt thông tin trên sẽ làm cho sản phẩm cá tra tại thị trường này sẽ chậm lại. Tuy nhiên tác động sẽ không quá lớn bởi phần lớn nguyên liệu cá tra của VN hiện nay được nuôi theo phương pháp bền vững và có trách nhiệm.

Từ năm 2010, Bộ NN-PTNT đã ký kết với EU thực hiện dự án “Xây dựng chuỗi giá trị cá tra bền vững tại VN - SUPA”. Dự án này do chính EU tài trợ với sự hợp tác của nhiều bên, trong đó có các tổ chức môi trường, bảo vệ động vật uy tín thế giới. SUPA hướng tới 2 mục tiêu quan trọng là “sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn” và “đổi mới sản phẩm theo hướng bền vững”.

Ngày 17.1.2017, tại hội thảo “Rà soát đánh giá kết quả dự án SUPA” diễn ra ở Cần Thơ, ông Huỳnh Quốc Tịnh, WWF - Việt Nam (Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên, một thành viên dự án SUPA) nhận định về ngành cá tra VN: Cá được nuôi trong hệ thống ao nên kiểm soát dịch bệnh, môi trường hiệu quả hơn. Hạ tầng vùng nuôi được đầu tư bài bản. Xây dựng chuỗi tương đối tốt, 70 - 80% là trại nuôi tương đối lớn, liên kết chặt chẽ với nhà máy chế biến nên thực hiện khá tốt các khâu liên quan về mặt xã hội. Có khả năng đầu tư và áp dụng các chứng nhận bền vững đáp ứng nhu cầu thị trường.

Dự án SUPA được nhiều nông dân và DN tham gia. Tính đến thời điểm này nhiều DN có vùng nuôi và quy trình chế biến đạt các tiêu chuẩn cao nhất về chất lượng và môi trường theo chuẩn quốc tế như: ASC, Global GAP, BAP.

3 nhà xuất khẩu hàng đầu như Vĩnh Hoàn đạt cả 3 tiêu chuẩn, Hùng Vương và Hùng Cá đạt 2 tiêu chuẩn (ASC, Global GAP). Cũng tại hội nghị vừa qua tại Cần Thơ, để nâng cao uy tín của sản phẩm cá tra, tránh những sự cố truyền thông không đáng có, ông Mag Georg Scattolin, cán bộ phụ trách chương trình quốc tế của WWF tại Áo, đề xuất cần cải tiến bao bì và chuyển tải thông tin trên bao bì sản phẩm. Bên cạnh đó là phát triển nhóm sản phẩm mới, sản phẩm ăn liền từ cá tra và các đối tượng khách hàng mới, đặc biệt là giới trẻ.

Tôm bị nhiều rào cản kỹ thuật

Không chỉ có cá tra, con tôm VN cũng đang gặp khó. Ngày 9.1, Chính phủ Úc thực thi lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín, kể cả tôm đã được tẩm ướp. Nguyên nhân được phía Úc đưa ra là do phát hiện vi rút đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại Queensland (Úc).

Theo đó, lệnh cấm được áp dụng trong 6 tháng (từ 9.1 - 9.7), các lô hàng đến Úc kể từ ngày 9.1 sẽ bị tiêu hủy hoặc tái xuất. Theo nhiều doanh nghiệp, Úc hiện chưa phải là khách hàng lớn, mỗi năm nhập khoảng 50 - 60 triệu USD nhưng là thị trường còn nhiều tiềm năng nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến các kế hoạch sắp tới.

Một thông tin mới và quan trọng hơn rất nhiều, từ ngày 1.4.2017, tất cả thủy sản nuôi và tự nhiên nhập khẩu vào Hàn Quốc đều phải có chứng thư nhập khẩu do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp. Đây là quy định mới mà Bộ Thủy sản và Hải dương Hàn Quốc (MOF) vừa công bố. MOF cho biết, họ điều chỉnh luật Quản lý dịch bệnh thủy sản nhằm bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh của nước này.

Hàn Quốc hiện là thị trường lớn thứ tư sau Mỹ, Nhật và Trung Quốc của VN đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Riêng đối với mặt hàng tôm, Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 5 của VN chỉ sau Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 9% tổng lượng tôm xuất khẩu.

Còn tại Hàn Quốc, từ năm 2014 VN đã vượt qua Trung Quốc để thành nước cung cấp tôm lớn nhất với khoảng 53% thị phần. Trong những năm gần đây, nhu cầu nhập khẩu tôm của Hàn Quốc có xu hướng tăng nhưng quy định mới này sẽ làm cho các DN Việt gặp không ít khó khăn.

Tới nay, có khoảng 50 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng biện pháp kỹ thuật với sản phẩm thủy sản của VN.

Chí Nhân