|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thương mại điện tử về làng quê Trung Quốc

07:44 | 17/11/2016
Chia sẻ
Hàng trăm nghìn đại lý nhỏ của các website bán lẻ ở Trung Quốc đang hoạt động tích cực tại các làng quê để hỗ trợ người dân mua hàng qua mạng.

Khi Cheng Yuan Yuan rời bỏ vị trí kế toán tại một công ty ở Thâm Quyến (Quảng Đông, Trung Quốc) để về quê lập gia đình, cô gái 27 tuổi đã nghĩ rằng mình đang bỏ lại cơ hội kiếm tiền phía sau lưng.

Cheng mở một cửa hàng tiện ích ở vùng ngoại ô Nhữ Châu (Hà Nam), bán các mặt hàng gia đình như dầu ăn, chất tẩy rửa... Công việc kinh doanh không mang lại nhiều lợi nhuận cho cô bởi mạng lưới giao hàng và các nguồn lực tại vùng quê Trung Quốc còn nhiều giới hạn, đẩy giá sản phẩm lên cao hơn cả ở các thành phố.

Từng là người mua sắm trực tuyến khi còn ở Thâm Quyến, Cheng sớm nhận ra mình có thể đặt rất nhiều mặt hàng khác nhau trên mạng với giá rẻ hơn mua tại địa phương như Nhữ Châu. Nếu cô đặt hàng buổi sáng, thì ngay tối cùng ngày sẽ có người chạy xe máy qua giao hàng.

Không lâu sau, cơ hội đến khi Cheng được chọn là đại lý tại địa phương cho website bán lẻ JD.com, hãng thương mại điện tử lớn thứ 2 tại Trung Quốc sau Alibaba. Công việc của cô là làm đại diện ở vùng, giúp mọi người học cách mua sắm trực tuyến và cửa hàng của Cheng trở thành điểm tập kết hàng của người mua tại địa phương.

Cửa hàng nhỏ của cựu nhân viên kế toán không còn những món hàng bày trên cửa kính mà chứa từng chồng thùng giấy đủ kích cỡ, hình dạng, nằm đợi dân làng tới lấy. Tại Trung Quốc, JD.com đang có khoảng 300.000 người làm công việc như Cheng.

Trong giai đoạn mà mua sắm trực tuyến trở thành một phần việc hàng ngày của người Trung Quốc, cả Alibaba và JD.com đều tranh giành để chiếm thế thượng phong tại các vùng nông thôn.

Alibaba cũng có chiến lược tương tự JD.com để vươn tay tới các vùng xa xôi. Cuối tháng 10/2016, website Taobao có 1.311 cấp làng ở Trung Quốc, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Các đại lý này đều thuộc nhóm nhà bán lẻ nông thôn đang có cửa hàng hiện hữu trên các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba.

Với vai trò mới, Cheng nhận thấy vai trò của mình trong việc giúp đỡ những người cao tuổi trong việc mua hàng trực tuyến, nhóm khách hàng vốn "cự tuyệt" với hình thức mua bán hiện đại này.

“Người già không hiểu về mua hàng trên mạng, họ cũng không có máy tính. Nhưng khi tôi cho họ thấy mức giá rẻ hơn so với những sản phẩm họ đã mua, các khách hàng cao tuổi bắt đầu công nhận cũng thấy thích thú", Cheng chia sẻ. Để khách hàng thấy thoải mái hơn, cô đã tự đặt các sản phẩm trước và để những người lớn tuổi tự xem thực tế khi hàng về. Giờ đây, có hàng tá ông cụ, bà cụ ở gần đó nhờ Cheng đặt hàng, còn họ trả cho cô bằng tiền mặt.

Với nhóm khách hàng trẻ, cô ít gặp trở ngại hơn. Theo Cheng, có khoảng hơn 200 người thuộc thế hệ trẻ là khách hàng thường xuyên của cô và họ thường đặt mua các sản phẩm làm đẹp thực phẩm.

Không chỉ doanh nghiệp, Chính phủ Trung Quốc cũng nỗ lực hỗ trợ sự phát triển của thương mại điện tử tại các vùng nông thôn toàn quốc. Năm ngoái, Bắc Kinh tuyên bố đầu tư 22 tỷ USD để giúp hơn 50.000 ngôi làng trên cả nước có kết nối Internet.

Tại đất nước lâu nay nổi tiếng vì sản xuất các loại hàng giả, nhái, kém chất lượng, một điều luật về bảo vệ người tiêu dùng đã được thông qua năm 2014, cho phép các khung hình phạt mới đối với việc quảng cáo sai sự thật. Ngày nay, quy định cho phép hoàn trả hàng trong vòng 7 ngày từ khi mua trở thành bắt buộc đối với các nhà bán lẻ, một động thái tạo niềm tin cho người tiêu dùng.

Tháng 6/2015, có 64,2% dân số thành thị và 30,1% người nông thôn Trung Quốc tiếp cận với Internet. Cũng trong năm này, dân số Internet nông thôn tăng gấp đôi so với thành thị. Do đó, chính quyền có niềm tin thương mại điện tử sẽ giúp nâng cao chuẩn sống và tạo thêm nhiều việc làm cho khoảng 600-800 triệu người dân nông thôn nước này.

Hải Khanh