Thương mại điện tử: Hậu cần dẫn dắt cuộc chơi bán lẻ
Hậu cần - yếu tố nền móng của TMĐT
Hệ thống hậu cần (logistics)là nền tảng cho dịch vụ kho vận hay còn gọi là dịch vụ hoàn tất đơn hàng, gồm 2 phần: xử lý đơn hàng và vận chuyển đến tay người mua. Một hệ thống hậu cần bài bản giúp giảm thiểu rủi ro trong mối quan hệ giữa người bán (đơn vị cung cấp sản phẩm) và người mua bằng việc đảm bảo các sản phẩm được giao cho khách hàng đúng yêu cầu, đúng lúc, đúng nơi.
Ở các thị trường lớn, các công ty dẫn đầu như Amazon, Taobao, Alibaba, Lazada… đều đầu tư thiết lập hệ thống logistics riêng, đáp ứng năng lực xử lý từ hàng trăm ngàn đến hàng triệu đơn hàng mỗi ngày.
Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp TMĐT ở Việt Nam có khả năng đầu tư vào dịch vụ hậu cần riêng, bởi bên cạnh việc phát triển đội ngũ giao hàng, áp lực kho bãi là rất lớn. Theo đó, doanh nghiệp phải có điểm tập kết với diện tích khá lớn để nhập hàng, kiểm tra hàng và xuất hàng. Chưa kể, với chủng loại mặt hàng lên đến hàng trăm ngàn, thì việc phân loại, lưu trữ, bảo quản theo điều kiện yêu cầu riêng cho từng loại sản phẩm khác nhau cũng là thách thức lớn.
Dù vậy, vẫn có nhiều doanh nghiệp sử dụng logistics như một thế mạnh riêng, đáp ứng nhu cầu gắt gao của khách hàng về dịch vụ hoàn tất đơn hàng cả về tốc độ lẫn chất lượng. Chẳng hạn, Lazada - “gã khổng lồ” đang nắm hơn 1/3 thị phần TMĐT tại Việt Nam - đã đầu tư vào hệ thống hậu cần tại các đô thị lớn.Cụ thể, nhà kho ở TP.HCM có quy mô 13.000 m2 và kho hàng ở Hà Nội rộng tầm 5.000 m2 đã giúp Lazada tăng khả năng xử lý lượng đơn hàng khổng lồ mỗi ngày, từ đó rút ngắn thời gian giao hàng.
Ông Gerald Glauerdt - Giám đốc vận hành Lazada Việt Nam cho biết: “Mỗi nhà kho đều được vận hành bởi hệ thống công nghệ hiện đại, quy trình chặt chẽ. Đây chính là điểm tập kết hàng hóa và trực tiếp xử lý tất cả các đơn hàng cho sàn giao dịch Lazada.vn tại các thành phố lớn và những vùng lân cận. Trong tương lai, Lazada sẽ có thêm 1 nhà kho tại Đà Nẵng”.
Ngoài ra, bên cạnh việc sử dụng dịch vụ của các đơn vị giao nhận uy tín như Viettel Post, VNPost, Giaohangnhanh.vn, doanh nghiệp này cũng phát triển đơn vị giao nhận riêng Lazada Express (LEX) để nắm quyền chủ động trong việc kiểm soát và điều phối hiệu quả chất lượng phục vụ khách hàng.
Sức bật cho doanh nghiệp TMĐT
Tạp chí Forbes cho rằng, khó có thể dự đoán triển vọng lợi nhuận của Lazada vì khối lượng đầu tư khổng lồ của họ vào chuỗi cung ứng, kho bãi và dịch vụ giao hàng là không thể tính toán được.Tuy nhiên, có thể nhận thấy, việc phát triển hệ thống hậu cần sẽ giúp Lazada dần hình thành được hệ sinh thái TMĐT đầy tiềm năng trong tương lai.
Vừa qua nhân dịp kỷ niệm 5 năm hoạt động tại thị trường Đông Nam Á cũng như Việt Nam, ông Alexandre Dardy - CEO Lazada Việt Nam cho biết: “Lazada tiếp tục đưa ra mục tiêu phát triển vào năm 2020 theo hướng mở rộng chiều ngang lẫn bề sâu. Cụ thể, Lazada đặt ra kỳ vọng có thể thu về 100 triệu đô la trong ngày Cách mạng mua sắm trực tuyến 11/11/2020, hợp tác với 100,000 nhà bán hàng với tất cả các thương hiệu. Riêng trong năm 2017, những con số này lần lượt là 6,6 triệu đô la, 6,500 nhà bán hàng và 327 thương hiệu”.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới giao nhận, mở thêm 5 nhà kho mới để có thể xử lý lượng đơn hàng khủng cũng như rút ngắn thời gian giao hàng tối đa, còn khoảng 2,3 ngày, đồng thời ký kết và hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các đối tác hậu cần chuyên nghiệp trên cả nước. Vì Lazada nhận ra rằng một đối tác hậu cần tốt, được đầu tư đúng đắn sẽ tạo sức bật cho việc vận hành sàn giao dịch TMĐT. Lazada đã và đang nỗ lực để trở thành đơn vị logistic số 1 trong ngành TMĐT.
Lấy ví dụ Viettel Post, một đối tác hậu cần lâu năm của Lazada. Họ có hệ thống vận hành hiện đại với toàn bộ nhân viên được trang bị thiết bị cầm tay, cập nhật tình trạng đơn hàng nhanh chóng ngay trong mọi thời điểm. Cơ sở hạ tầng được đầu tư liên tục để đảm bảo việc giao nhận được thuận lợi, và chất lượng ngay cả trong mùa mua sắm cao điểm.Hơn hết, Viettel Post còn có những chiến lược hợp tác lâu dài với Lazada hướng đến mục tiêu nâng cao dịch vụ hậu cần cho cả nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam.
Với việc đầu tư kỹ lưỡng về mặt hậu cần, Lazada tin tưởng tạo nên những dấu mốc tiếp theo trong 5 năm tới, nhằm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, giúp họ tự tin chuyển dần từ mua hàng ở kênh truyền thống sang online.