|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thương hiệu bất động sản bị nhái tràn lan, doanh nghiệp kêu khó

19:33 | 21/08/2018
Chia sẻ
Đại diện nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết đang gặp phải tình cảnh tên doanh nghiệp, thương hiệu dự án, hình ảnh, logo, tên miền... bị nhái, thậm chí bị đặt trùng tên nhưng kêu không "thấu".

Thương hiệu bất động sản bị nhái "như cơm bữa"

Trong lĩnh vực bất động sản, thực tế hiện nay xuất hiện khá nhiều trường hợp vi phạm bản quyền thương hiệu, mà cụ thể là nhái, trùng tên doanh nghiệp, dự án, hình ảnh, logo, tên miền...

Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh (hay còn gọi là Tập đoàn Hưng Thịnh Corp) mới đây từng phải phát đi thông báo trên website cho biết Công ty này không có bất cứ liên quan gì tới Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Hưng Thịnh Group (trụ sở tại đường Trường Chinh, quận Bình Tân, TP HCM).

Thông báo trên đến từ vụ việc lùm xùm tại dự án Hưng Thịnh Cát Tường (ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) do Công ty Hưng Thịnh Group làm chủ đầu tư. Hàng trăm khách hàng mua đất nền tại dự án này đã kéo tới trụ sở Công ty Hưng Thịnh Group đòi lại tiền vì cho rằng chủ đầu tư không chịu giao nền đất đã bán.

Trong vụ việc này, Tập đoàn Hưng Thịnh Corp dù không phải là chủ đầu tư của dự án trên nhưng cũng đã vị vạ lây bởi nhiều người lầm tưởng dự án tai tiếng trên là của Hưng Thịnh Corp.

Chia sẻ tại buổi Cà phê Doanh nhân với chủ đề “Bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp bất động sản” do Diễn đàn Doanh nghiệp, Mạng kết nối Doanh nhân Việt (VINET) tổ chức sáng nay (21/8), ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch GP Invest cho biết, thương hiệu Tràng An và hình ảnh dự án Tràng An Complex ở Hà Nội của GP Invest cũng đã bị một đơn vị lấy và sử dụng để quảng cáo cho một dự án cũng trùng tên là Tràng An ở 149 Trường Chinh – Hà Nội (dự án Tràng An Residence – PV).

thuong hieu bat dong san bi nhai tran lan doanh nghiep keu kho
Nhiều doanh nghiệp BĐS kêu bị nhái thương hiệu tại Buổi Cà phê Doanh nhân với chủ đề “Bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp bất động sản".

“Đây chính là vi phạm về thương hiệu và hình ảnh, và khi chúng tôi tìm hiểu thì được biết một công ty môi giới đã tự ý lấy hình ảnh tại dự án Tràng An Complex của chúng tôi để quảng cáo cho dự án cũng tên Tràng An ở Trường Chinh. Chúng tôi đã phản hồi sang bên công ty này và báo cáo lên phía cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa có cơ quan nào xử lý vấn đề này. Hiện chúng tôi cũng chỉ yêu cầu đơn vị môi giới kia gỡ bỏ hình ảnh của chúng tôi từ các trang mạng, chứ cũng không thể yêu cầu bồi thường hay làm gì được họ”, ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, việc dự án kia cũng lấy tên là Tràng An thì doanh nghiệp ông không biết kêu ai. Hiện nay, cơ quan quản lý xử lý thông tin về việc vi phạm bản quyền thương hiệu, vi phạm nhãn hiệu, hình ảnh còn rất nhẹ. Thực ra nguyên nhân là do pháp lý về vấn đề này vẫn chưa được quy định rõ ràng nên khó xử lý.

Ông Hiệp cho biết thêm, một tên dự án bất động sản khác của bên công ty ông là dự án Golden Park cũng bị một đơn vị đặt tên y hệt cho một dự án bất động sản ở Bắc Ninh, nằm ngay mặt đường 18. "Chúng tôi đang tìm hướng để xử lý trường hợp này".

Ông Nguyễn Cảnh Hồng – Tổng Giám đốc Eurowindow cũng chia sẻ một câu chuyện tương tự.

Ông Hồng cho biết, với tên thương hiệu Eurowindow, các doanh nghiệp, nhà sản xuất khác cũng sử dụng từ Euro, dù sau đó thêm các từ viết tắt khác hoặc các hình ảnh..., nhưng vẫn dẫn đến sự nhầm lẫn về thương hiệu của doanh nghiệp.

“Việc bảo vệ thương hiệu, nhãn hiệu trong các luật, văn bản pháp lý hiện nay chưa có bảo vệ thương hiệu mà chỉ mới dừng lại ở việc bảo hộ thương hiệu. Ngoài ra, việc thực thi các chế tài xử lý nhầm lẫn thương hiệu thường chậm, khó đưa ra toà để giải quyết, thế nên tình trạng nhái thương hiệu, nhãn hiệu vẫn xảy ra, và thường thì các bên sẽ tự thoả thuận để giải quyết”, ông Hồng nói.

Trước đó, nhiều vụ nhái thương hiệu doanh nghiệp, dự án bất động sản cũng đã xảy ra. Hồi tháng 7/2018, Tập đoàn Nam Long đã tiến hành khởi kiện doanh nghiệp Nam Long Real vì công ty này sử dụng thương hiệu Nam Long để bán dự án phân lô tại tỉnh Bình Dương. Theo báo chí phản ánh, dự án ở Bình Dương này cũng được đặt tên là Khu dân cư Nam Long, và môi giới khi gọi điện hay dẫn khách xuống dự án để giới thiệu thì cũng nói đây là dự án của Tập đoàn Nam Long. Trong khi đó, phía Tập đoàn Nam Long không có bất cứ dự án đất nền nào ở Bình Dương.

Hhồi tháng 3/2016, Nova Land cũng phát đi thông báo về việc một thương hiệu dự án của công ty đã bị mạo danh, đó là thương hiệu dự án Sunrise City. Cụ thể, một dự án ở Hà Nội không phải của Nova Land đã được đặt tên là Sunrise City. Theo Nova Land, thương hiệu Sunrise City đã được công ty bảo hộ độc quyền và phát triển dự án mang tên này tại TP HCM.

Đừng đợi ai, doanh nghiệp phải tự bảo vệ lấy mình

Phát biểu tại buổi chia sẻ, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SLAW, cho hay, theo quy trình, một doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án như khu nghỉ dưỡng, chung cư, văn phòng ban đầu bộ phận truyền thông sẽ tìm kiếm công ty tư vấn thương hiệu để lựa chọn tên cho dự án theo yêu cầu chủ đầu tư. Đơn vị tư vấn thương hiệu này sẽ đưa ra từ 5-7 tên gọi và chủ đầu tư sẽ dùng những tên gọi đó nhờ công ty sở hữu trí tuệ lựa chọn, rà soát tránh những tên đã trùng và tiến hành đăng kí. Sau khi đăng kí thì thiết kế logo, slogan.

Nhãn hiệu gồm 3 yếu tố: Tên dự án, logo và slogan. Một nhãn hiệu bất động sản có thể bao gồm cả 3 yếu tố (tên dự án, logo và slogan) hoặc chỉ 2 yếu tố (tên dự án và logo hoặc tên dự án và slogan).

Liên quan đến trường hợp hình ảnh của dự án Tràng An Complex của GP Invest bị doanh nghiệp khác nhái sử dụng trên website, ông Hà cho rằng, nếu doanh nghiệp muốn làm đến cùng thì vụ này có thể đưa ra pháp luật được. Bởi hình ảnh mặc nhiên là có bản quyền tác giả, vì vậy mặc dù không phải đăng ký song bản thân nó cũng đã được bảo hộ.

Ông Lê Quốc Vinh - Chủ tịch Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Le Invest (Holdings) Corporation cho biết, thực tế cho thấy, phần lớn dự án bị tranh chấp, nhầm lẫn thương hiệu đều rơi vào các thương hiệu không có tính biểu trưng cao, cách đặt tên không đặc thù, không được bảo vệ thương hiệu bài bản, hình ảnh dự án chưa nổi tiếng tới mức người tiêu dùng thông thường có thể nhận ra. Như vậy có thể thấy, vấn đề quan trọng là đặt tên, lựa chọn hình ảnh, và chiến dịch truyền thông của doanh nghiệp có thể giúp người tiêu dùng bình thường phân biệt được.

Về thương hiệu có 2 phần 1 là hữu hình (hình ảnh có thể nhìn thấy) và 1 là vô hình (không nhìn thấy được). Nhãn hiệu là phần hữu hình. Vấn đề bảo hộ nhà nước có thể bảo hộ hữu hình còn giá trị vô hình tự doanh nghiệp phải tự bảo vệ. Bảo hộ nhãn hiệu doanh nghiệp có thể đến cơ quan về sở hữu trí tuệ nhưng bảo hộ thiết kế hình ảnh, công trình thì phải tìm đến cơ quan về bản quyền tác giả. Về pháp lý thì 2 việc đó doanh nghiệp phải làm.

Song song với các việc trên thì doanh nghiệp cũng cần bảo hộ bằng hoạt động truyền thông, được cơ quan pháp lý, xây dựng hoạt động truyền thông xây dựng nhãn hiệu, hình ảnh trên các “điểm chạm” người tiêu dùng có thể tiếp xúc, từ đó có thể tránh sự trùng lắp trong tương lai để tránh những thiệt hại về sau này nếu có.

Còn ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Công ty Reenco Sông Hồng cho hay, hiện nay việc kiện cáo trong việc bảo vệ thương hiệu đang kéo rất dài. Điều này sẽ gây ra sự tốn kém về chi phí và thời gian, trong khi luật vẫn còn hạn chế. Vì vậy, doanh nghiệp bất động sản đừng đợi ai mà trước hết phải tìm cách tự bảo vệ mình, chủ động đăng ký, bảo hộ thương hiệu và phải đăng ký một cách chuyên nghiệp.

Đồng tình với ông Điệp, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch HĐQT Công ty Bất động sản Hanhud nêu quan điểm, doanh nghiệp nên tự bảo vệ mình bằng việc chủ động đi đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu. Điều này không chỉ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp mà còn thể hiện sự bảo vệ khách hàng.

Theo ông Đính, hiện nay, chi phí để đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam trong thời gian 10 năm có chi phí chưa đến 100 USD.

Xem thêm

Khánh Hà