Thưởng cổ phiếu khi thị giá cao: Lịch sử 'dậy sóng' khi chia tách và câu chuyện D2D thưởng 100% cổ phần sau 10 năm chỉ chia tiền mặt
Sau 10 năm niêm yết, lần đầu tiên Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 phát hành cổ phiếu cho cổ đông
CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (Mã: D2D) vừa công bố thông tin phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Theo đó, công ty dự kiến phát hành thêm 10,65 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ phát hành 1:1 cho cổ đông hiện hữu (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận thêm 1 cổ phiếu mới), nguồn vốn phát hành lấy từ Quỹ Đầu tư phát triển theo Báo cáo tài chính năm 2018 đã được kiểm toán. Ngày chốt danh sách cổ đông là ngày 5/7.
Gần đây nhất, Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 đã chia cổ tức đợt 2 năm 2018 bằng tiền mặt tỉ lệ 15% cho cổ đông vào ngày 17/6 (cổ đông nhận được sở hữu 1 cổ phiếu nhận được 1.500 đồng). Thời gian thanh toán dự kiến là ngày 28/6.
Nhìn lại lại lịch sử kể từ khi cổ phiếu niêm yết trên HOSE vào năm 2009, đây là lần đầu tiên Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông.
Thông thường, trong một số trường hợp nhất định, doanh nghiệp chia cổ phiếu cho cổ đông bởi các mục đích như tăng thanh khoản cho cổ phiếu, giảm thị giá khi ở mức quá cao, nâng cao vị thế doanh nghiệp nhờ quy mô vốn lớn, hoặc tệ hơn là do không có tiền mặt nên phải trả bằng cổ phiếu.
Đối với trường hợp của Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2, công ty thường trả cố tức bằng tiền mặt đều đặn hàng năm cho cổ đông, với tỉ lệ trung bình 25% mỗi năm. Đặc biệt, trong hai năm 2017 và 2018, tỉ lệ cổ tức tăng lên 30%/năm. Năm 2019, công ty cũng có kế hoạch trả cổ tức 30% bằng tiền mặt, trong đó tạm ứng cổ tức 15% được dự kiến thực hiện ngay trong năm.
Lịch sử trả cổ tức của D2D. Sơn Tùng tổng hợp
Tài sản nghìn tỉ đồng, Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 có vốn điều lệ thấp nhất nhóm phát triển khu công nghiệp
Bên cạnh đó, Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 hiện đang có hơn 1.400 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng, chiếm tỉ lệ 64% trên tổng tài sản. Như vậy, có thể thấy việc công ty phát hành cổ phiếu không phải do thiếu hụt tiền mặt hay sự yếu kém trong hoạt động kinh doanh.
Xét về quy mô, tính đến 31/3, Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 có vốn điều lệ 107 tỉ đồng, thấp nhất trong các công ty cùng nhóm phát triển khu công nghiệp. Đồng thời, tỉ lệ tài trợ từ vốn điều lệ cho tổng tài sản ở mức 4,9%, cũng là mức thấp nhất, cùng với Nam Tân Uyên.
Nguồn: Sơn Tùng tổng hợp
Như vậy, với việc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông giúp công ty tăng vốn điều lệ lên hơn 210 tỉ đồng. Việc tăng vốn điều lệ này đến từ chính nguồn lực nội tại của doanh nghiệp. Xét về bản chất, hoạt động tăng vốn điều lệ từ nguồn quỹ đầu tư phát triển không làm thay đổi vốn chủ sở hữu của công ty.
Nguồn vốn chủ sở hữu của Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 tại ngày 31/3. Nguồn: BCTC D2D
Nằm Top5 mã có thị giá cao nhất HOSE, việc pha loãng cổ phiếu D2D tránh việc 'kén' nhà đầu tư
Về diễn biến cổ phiếu trên thị trường, sau hơn một năm tích lũy quanh vùng giá 65.500 – 70.000 đồng/cp, cổ phiếu D2D tăng giá lên gấp đôi trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 5. Sau khi tạo đỉnh 140.000 đồng/cp, cổ phiếu này có nhịp điều chỉnh về quanh 125.000 đồng/cp. Kết phiên 20/6, giá cổ phiếu D2D ở 133.900 đồng/cp.
Diến biến giá cổ phiếu D2D trong sáu tháng gần đây. Nguồn: VNDirect
Với mức giá này, D2D hiện đang là cổ phiếu thuộc nhóm những cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn HOSE nói riêng và thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, trái ngược với diễn biến tăng giá, thanh khoản trung bình mỗi phiên của D2D lại ở mức thấp, bình quân khoảng 70.000 đơn vị/phiên, thuộc nhóm cổ phiếu có thanh khoản thấp nhất trên thị trường.
Top10 cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn HOSE ghi nhận phiên 21/6. Nguồn: HOSE
Như vậy, với việc phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông, số lượng cổ phiếu của công ty tăng lên gấp đôi. Kết quả của số lượng cổ phiếu lưu hành tăng lên cũng tạo điều kiện để thanh khoản được cải thiện. Ngoài ra, việc giá cổ phiếu điều chỉnh sau khi chia tách giúp tạo cảm giác giá cổ phiếu "rẻ" hơn, thu hút nhà đầu tư trên thị trường.
Kịch bản không mới: 'Dậy sóng' trước hoặc sau khi chia cổ phiếu thưởng
Trong lịch sử, trong giai đoạn tăng giá, một số doanh nghiệp cũng thực hiện việc thưởng cổ phiếu với tỉ lệ 1:1 cho cổ đông. Đơn cử, tháng 3/2017, Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỉ lệ 1:1, khi đó thị giá cổ phiếu này khoảng 72.000 đồng/cp. Trong phiên đầu tiên giá điều chỉnh về 36.000 đồng/cp, cổ phiếu KSB tăng kịch trần lên 38.500 đồng/cp (6,94%) và đạt mức cao nhất là 40.300 đồng/cp trong phiên sau đó.
Điển hình hơn, cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới di động thường được biết đến nằm trong câu lạc bộ "ba chữ số" với thị giá trên 100.000 đồng/cp. Tháng 5/2017, Đầu tư Thế giới Di Động cũng thực hiện thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỉ lệ 1:1. Thời điểm đó, thị giá cổ phiếu MWG khoảng 181.500 đồng/cp và là một trong 5 cổ phiếu có thị giá cao nhất HOSE. Sau khi chia tách, giá cổ phiếu MWG có ba phiên tăng liên tục từ 90.000 đồng/cp lên 98.900 đồng/cp cũng cho thấy sự hấp dẫn của nhà đầu tư với cảm giác giá cổ phiếu "rẻ đi".
Kịch bản tăng giá mạnh sau khi chia tách cổ phiếu một lần nữa được thấy khi CTCP Đạt Phương (Mã: DPG) thực hiện thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỉ lệ 100:153 vào tháng 2/2018. Giá cổ phiếu DPG đã tăng đến 12,47% trong phiên chốt quyền, lên mức 42.400 đồng/cp. Sau đó, cổ phiếu này liên tiếp có những phiên tăng giá lên mức 52.500 đồng/cp chỉ trong 8 phiên. Như vậy, nhà đầu tư có thể đạt được mức sinh lợi gần 40% chỉ trong thời gian ngắn.
Gần đây nhất, tháng 6/2018, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC) cũng thực hiện thưởng cổ phiếu cho cổ đông với tỉ lệ 1:1. Trước thời điểm chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng, giá cổ phiếu MPC tăng một mạch từ 67.000 đồng/cp lên 82.700 đồng/cp, tương đương tỉ lệ tăng 23,4%.