|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thuốc giải cơn sốt máy thở: Rolls-Royce, Toyota, BMW, Tesla làm được thì Vinfast cũng làm được!

09:31 | 04/04/2020
Chia sẻ
Tại sao những công ty chuyên về máy thở trên toàn cầu bí bách trong việc đáp ứng các đơn hàng và sẵn sàng cung cấp bản quyền cho các tay chơi ngoài ngành? Tại sao các nhà sản xuất máy bay, ôtô như Airbus, GM, Ford, Tesla hay Vinfast lại được trao gửi niềm tin để giải cơn khát máy thở đột ngột trên toàn cầu? Tất cả đều có lí do.

Phần 1: Cuộc khủng hoảng toàn cầu chỉ ra sự bé nhỏ của các nhà sản xuất máy thở

Thuốc giải cơn sốt máy thở: Rolls-Royce, Toyota, BMW, Tesla làm được thì Vinfast cũng làm được! - Ảnh 1.

Vì sao các nhà sản xuất máy thở chuyên nghiệp như GE Healthcare dễ dàng bắt tay với các hãng ô tô?

Medtronic, nhà sản xuất máy thở top đầu thế giới, đã hoạt động 24/24 từ hồi tháng 1 và tăng lượng máy xuất xưởng hàng tuần thêm 40%. Tới đây, công ty Mỹ khai sinh ở Ireland này quyết định sẽ tăng công suất thêm 200%. Mục tiêu của mọi nỗ lực đó là cho ra 500 máy thở cao cấp trong một tuần, mức cao gấp 5 lần thông thường.

Một ông lớn hàng đầu khác, Hamilton Medical AG (Thụy Sĩ), cũng vừa thay đổi chỉ tiêu sản xuất năm 2020 lên 21.000 máy, so với mức 15.000 năm ngoái.

Tại đại công xưởng của thế giới, Trung Quốc, từ nửa cuối tháng 1, nhà máy Beijing Aeonmed đã làm việc không một phút nghỉ, ngay cả khi tỉnh Hồ Bắc được phong tỏa.

Khi tình hình dịch COVID-19 ở Trung Quốc lắng dịu, nhịp độ đó không có gì thay đổi. Aeonmed cần trả hàng cho hàng nghìn đơn hàng từ khắp thế giới đang chìa container chờ sẵn.

Vedeng, một ứng dụng thương mại điện tử chuyên về vật tư y tế tại Giang Tô, vẫn nhận được khoảng 70 đơn hàng mỗi ngày, mỗi đơn từ hàng trăm đến hàng nghìn máy thở, dù các nhà máy đang ùn ứ đơn và sẽ chạy 24/7 từ nay đến hết tháng 5. 

"21 nhà máy sản xuất máy thở được phép xuất khẩu trên toàn Trung Quốc chỉ có thể đáp ứng 1/5 nhu cầu thế giới hiện nay", giám đốc Vedeng nói.

Thế giới sục sôi vì máy thở

Tính toàn Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin nước này cho biết, ngoài gần 17.000 chiếc máy thở các loại được cung cấp trong nước trong 3 tháng (cao hơn tổng cầu của cả năm 2019), các nhà sản xuất nước này đã xuất kho hơn 1.700 máy thở xâm nhập đi toàn thế giới. Gần 20.000 đơn hàng vẫn đang chờ công xưởng Trung Quốc.

Nhưng tất cả chẳng thấm tháp vào đâu, so với nhu cầu.

Hiệp hội Hồi sức Cấp cứu Mỹ (SCCM) ước tính, có 960.000 bệnh nhân COVID-19 cần máy thở. Lạc quan hơn, Trung tâm An toàn sức khỏe Johns Hopkins cho rằng nhu cầu máy thở chỉ là 740.000 chiếc.

Nhưng những con số ước tính này cũng tương đối như thống kê máy thở tại nước này, khi SCCM cho rằng hiện tại có khoảng 200.000 chiếc, còn John Hopkins lại nói kém đi 40.000. 

Trang nghiên cứu thị trường Marketwatch còn chỉ ra rằng, thực tế nước Mỹ chỉ có khoảng 100.000 chiếc máy thở dùng được, nửa còn lại là hàng 'quá date'.

Chưa rõ đúng sai, chỉ biết tuần trước, Business Insider dẫn lời thống đốc bang California cho biết toàn bộ 170 máy thở mà họ nhận từ kho dự trữ liên bang đều hỏng và phải chất lên xe đi sửa ngay trong đêm để kịp đưa trở lại Los Angeles, nơi nhiều bệnh nhân đang chờ để thở.

Tại Anh, Bộ Y tế nước này công bố chi tiết số máy thở là 8.175, so với nhu cầu dự báo là 30.000 tại đỉnh dịch.

Việt Nam hiện có gần 4.000 máy thở phân bổ ở các bệnh viện và dự trữ quốc gia, theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Y tế. Đó không phải là con số thấp so với nhu cầu thông thường.

Nhưng lãnh đạo ngành y tế và các địa phương đều nhận thấy nguy cơ thiếu hụt nếu nhu cầu tăng đột biến, dù hiện nay số lượng người bệnh COVID-19 phải dùng máy thở tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Tình hình đáng lo ngại hơn nếu tính cả các nước kém phát triển, những nước có hàng chục triệu dân nhưng số máy thở chỉ là hàng chục.

Một thống kê dữ liệu lớn theo diễn biến dịch bệnh tại Vũ Hán hồi tháng 2 cho thấy, 5% số bệnh nhân COVID-19 cần nằm giường điều trị tích cực (ICU). Gần một nửa trong số đó cần máy thở, tương đương 2,3% người nhiễm bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ quan đã thể hiện quyết liệt hơn sau nhiều lời chỉ trích, thậm chí cho rằng 1/6 số người bệnh COVID-19 sẽ chuyển bệnh nặng hơn và có thể cần sự trợ giúp của máy thở.

Nếu dự báo 'đáng sợ' này của WHO là đúng, thì hiện nay thế giới cần khoảng 135.000 máy thở cho hơn 810.000 ca đang điều trị. Trong bối cảnh lượng nhiễm mới đang tăng chưa có dấu hiệu kiểm soát ở châu Âu và Mỹ, các con số đều có thể vọt lên. Những con số triệu đã được nhắc tới khi nói về máy thở.

Ngay hiện tại, những điểm nóng dịch trên thế giới đã bắt đầu ngấm sự thiếu hụt máy thở nghiêm trọng.

Bang New York (Mỹ) vừa công bố giải pháp tạm thời cho phép hai người bệnh dùng chung một máy thở. Ngay sau lời tuyên bố của bang, một bệnh viện đã áp dụng ngay. Thành phố Detroit (bang Michigan) cũng đang dùng đến những chiếc máy thở cuối cùng, khi mới đây một bác sĩ chia sẻ trên Twitter rằng, sẽ phải nói với gia đình các bệnh nhân rằng không thể cứu những người thân của họ vì thiếu trang thiết bị.

Ở Italy, các bác sĩ đã tìm cách chế các dụng cụ lặn thành máy thở 'dã chiến' để khỏa lấp thiếu hụt, trong khi nước Anh phải chấp nhận chọn những bệnh nhân có khả năng hồi phục cao hơn dể cứu do thiếu ICU và máy thở. Nói cách khác, có những người bệnh được chọn để chết.

Miếng bánh nhỏ bé giữa đại dương đỏ

Ít ai biết, qui mô của thị trường máy thở y tế toàn cầu chưa đạt mốc 1 tỉ USD vào năm ngoái, với dự báo mức tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. Để so sánh, qui mô ngành thép phục vụ ô tô 2019 là 108 tỉ USD, ngành vaccine là hơn 42 tỉ.

Tất nhiên dự báo này đã quá lạc hậu khi COVID-19 ập đến, nhưng nó cho thấy đây là một thị trường quá nhỏ bé nếu không có những đại dịch lịch sử.

Việc hàng trăm máy thở hỏng hóc vì lăn lóc trong kho dự trữ ở Mỹ phần nào cho thấy, máy thở không hề thiếu thốn gì trong điều kiện thường.

Về phía các nhà sản xuất, đây là một đại dương đỏ với hàng trăm tay chơi lớn giành nhau miếng bánh nhỏ. Các tên tuổi hàng đầu thế giới chủ yếu đến từ Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Có đặc điểm chung là chúng khá vô danh nếu so với các ngành công nghiệp đại chúng. Ví như so Koninklijke Philips N.V. (Hà Lan) với BMW. Có chăng vài tên tuổi lớn nhờ danh tiếng của công ty mẹ, như GE Healthcare, đứa con ít người biết của tập đoàn General Electric (Mỹ).

Metran là cái tên được nhắc đến nhiều ở Việt Nam trong những ngày qua, sau công bố chuyển giao công nghệ và hỗ trợ sản xuất hàng chục nghìn máy thở ngay tại Việt Nam. Công ty do ông Trần Ngọc Phúc – một người Việt Nam sáng lập tại Nhật Bản, chỉ có số vốn góp hơn 18 tỉ đồng, với ba công ty con tại Việt Nam có vốn từ 800 triệu đến hơn 2 tỷ đồng (theo thông tin trên tờ Viettimes).

Chính nhà sáng lập cũng nói với phóng viên TTXVN tại Tokyo rằng năng lực sản xuất có hạn nên Metran đang tìm đối tác để nhượng bản quyền để tăng năng lực sản xuất tại Việt Nam và trên thế giới.

Việc các tên tuổi hàng đầu thế giới vật lộn làm ba ca chỉ để tăng năng lực xuất xưởng thêm vài trăm đến vài nghìn chiếc máy thở mỗi tuần phần nào cho thấy qui mô sản xuất khiêm tốn của ngành này, bất chấp những lời lí giải về độ phức tạp của công nghệ thiết bị y tế.

"Một công ty ôtô khi phát triển một model có thể sản xuất ra hàng triệu chiếc, nhưng một công ty máy thở khi phát triển một model chỉ sản xuất được vài ngàn chiếc.", một bác sĩ đầu ngành về cấp cứu tại Việt Nam đã nói khi nhắc tới máy thở.

Tổng cầu thấp và chi phí nghiên cứu phát triển (R&D) cao, các nhà sản xuất máy thở thường không ưu tiên mở rộng nhà máy bằng việc nghiên cứu, sáng chế để nắm giữ bản quyền và tạo nền giá bán cao, bù đắp khấu hao và chi phí chất xám.

(Còn nữa)

Hoành San