|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

'Thuốc' đặc trị minh bạch thu phí BOT

08:11 | 05/06/2019
Chia sẻ
Để giải bài toán minh bạch trong thu phí BOT giao thông, cần đẩy nhanh tiến độ thu phí tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Thuốc đặc trị minh bạch thu phí BOT - Ảnh 1.

BOT được chia ra thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 áp dụng đối với quốc lộ QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (44 trạm). Giai đoạn 2 áp dụng với các trạm còn lại trên toàn quốc (33 trạm).

Đây là quan điểm của các nhà đầu tư về những vụ việc lùm xùm gần đây khiến dư luận nghi ngờ về sự minh bạch trong công tác thu phí, đầu tư và lỗ lãi của các dự án BOT giao thông.

Minh bạch thu phí BOT?

Những năm qua, số phương tiện qua các trạm BOT giao thông đang thu phí chỉ có Tổng Cty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) gửi tới báo chí về dự án được giao làm chủ đầu tư, quản lý vận hành khai thác bốn tuyến đường bộ cao tốc như: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong khi với các dự án BOT giao thông khác, chủ đầu tư hầu như không được tiết lộ, chỉ khi dự án thu hồi vốn xong, phải dừng thu phí thì Tổng cục Đường bộ mới công bố. Do đó, khi trạm thu phí Dốc Xây (Thanh Hóa), Cầu Rác (Hà Tĩnh) đã thu hồi vốn xong, phải dừng thu, dư luận mới được biết. Những bất ổn tại các trạm thu phí BOT giao thông đặt ra yêu cầu ngày càng lớn về công khai minh bạch hoạt động này.

Lý giải cho những lùm xùm trên về sự minh bạch, chặt chẽ trong thu phí đường cao tốc. Lãnh đạo VEC “du ngủ” dư luận rằng, để bảo đảm công tác thu phí chính xác, công khai và minh bạch, ngoài bộ phận hậu kiểm, giám sát nội bộ thu phí của các đơn vị vận hành khai thác các tuyến cao tốc do VEC quản lý (VEC O&M, VEC S, VEC E), còn có Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc VN (VEC M) là đơn vị độc lập. Việc giám sát, hậu kiểm quá trình tổ chức thu phí được VEC thực hiện 24/24 giờ, qua nhiều khâu, nhiều bộ phận tham gia, từ giám sát trực tiếp tại hiện trường, giám sát qua màn hình khổ lớn đến giám sát qua hệ thống camera, phần mềm và bố trí bộ phận hậu kiểm rà soát, kiểm tra lại. Hình ảnh các thông tin của máy tính tại cabin thu phí cũng như hình ảnh tại các cabin thu phí đều được truyền trực tiếp về văn phòng giám sát hiện trường của Trung tâm VEC M…

Mặt khác, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan bảo vệ pháp luật thường xuyên có các đợt kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác vận hành khai thác, thu phí trên các tuyến đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư… “Định kỳ hằng quý, VEC báo cáo Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về lưu lượng và doanh thu thu phí của các tuyến cao tốc theo yêu cầu của Bộ GTVT…”  đại diện VEC cho hay.

Tuy nhiên, những lý giải trên của VEC và các đơn vị thành viên vẫn không thuyết phục được những nghi ngờ của dư luận, khi thu phí vẫn thực hiện thủ công. Bởi từ tháng 7/2017, Chính phủ đã giao Bộ GTVT thực hiện triển khai công tác thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tự động tại các dự án BOT và phải hoàn thành trước ngày 31/12/2019 vẫn ì ạch.

Tại cuộc họp thường kỳ của Bộ GTVT về tiến độ thu phí không dừng mới đây, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ, các đơn vị liên quan làm công văn gửi cho các nhà đầu tư BOT trên đường cao tốc. Trong đó, yêu cầu các nhà đầu tư BOT các tuyến cao tốc, đến ngày 31/12  phải tổ chức thu phí tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng. “Đến ngày 31/12 mà không thực hiện, thì nhà đầu tư BOT phải chịu trách nhiệm.” ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Đánh giá về lộ trình triển khai thu phí tự động không dừng, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, hệ thống thu phí tự động không dừng tại các BOT được chia ra thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 áp dụng đối với quốc lộ QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (44 trạm). Giai đoạn 2 áp dụng với các trạm còn lại trên toàn quốc (33 trạm). Theo đó, giai đoạn 1 có 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 18 trạm thuộc các tuyến QL, cao tốc khác.

Hiện 26 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã lắp đặt xong thu phí tự động không dừng. Các trạm trên tuyến QL và cao tốc còn lại đang được triển khai và sẽ hoàn thành trong năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn 2 có 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên QL1 và 23 trạm thuộc các tuyến QL, cao tốc khác. Dự kiến các trạm BOT thuộc gia đoạn 2 sẽ được triển khai lắp đặt toàn bộ hệ thống thu phí tự động trong năm 2019.

Theo “tư lệnh” ngành giao thông, hiện Bộ GTVT quản lý hơn 60 trạm thu phí BOT. Giai đoạn 1, Bộ phải thực hiện khoảng 40 trạm, đến cuối 2018 đã thực hiện cơ bản, chỉ còn 8 trạm BOT chưa triển khai kịp. Như vậy đã có hơn 30 trạm thực hiện thu phí không dừng. Ông Thể khẳng định, đến cuối năm 2019, tất cả các trạm thu phí BOT giao thông sẽ áp dụng.

Nhiều “ách tắc” cần khơi thông

Thực tế hiện nay việc triển khai đồng bộ thu phí tự động không dừng dự án BOT giao thông đang tiến độ “rùa”. Thực tế cho thấy, rất nhiều vướng mắc đã được các nhà đầu tư chỉ ra, dù lợi ích của thu phí tự động ai cũng thấy rõ. Cụ thể, theo lý giải của lãnh đạo VEC, đơn vị đang chuẩn bị đấu thầu để chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng. Còn đơn vị thu phí tự động mà Tổng cục Đường bộ đang chọn (VETC) không đáp ứng đủ năng lực tài chính để cung cấp dịch vụ thu phí tự động cho toàn bộ trạm thu phí cao tốc của VEC, nên VEC cần thêm thời gian đấu thầu chọn đơn vị khác.

Thuốc đặc trị minh bạch thu phí BOT - Ảnh 2.

Các dự án BOT giao thông đều do các ngân hàng khác nhau cung cấp vốn, nhưng khi triển khai thu phí tự động, tài khoản giao thông chỉ được mở ở một ngân hàng như thế là tạo độc quyền

VETC cho rằng, tốc độ xử lý của hệ thống liên ngân hàng mất 0,9 - 2 giây, còn hệ thống thu phí tự động yêu cầu phải 0,6 giây. Do đó, không thể xử lý chuyển tiền trực tiếp từ tài khoản cá nhân từ các ngân hàng của chủ xe sang thanh toán phí. Vì vậy, chủ xe phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông mới dùng được thu phí tự động. Điều này, theo nhà đầu tư BOT, chỉ là “nguỵ biện” cho cơ chế độc quyền. Vì yếu tố này không khó xử lý, các nước đều tạo liên thông một tài khoản cho mọi giao dịch, kể cả trả phí giao thông, xử phạt nguội, không lý gì Việt Nam lại không làm được.

Ở góc độ khác, ông Vũ Huy Đông Chủ tịch HĐQT – TGĐ Công ty CP Damsan chia sẻ, thực tế ngân hàng mới là “ông chủ” thật sự của các dự án BOT giao thông, bởi nguồn vốn các dự án đều do các ngân hàng tài trợ vốn, tỷ lệ cho vay lên tới 80% vốn đầu tư. “Tuy nhiên, cơ quan quản lý lại tạo cơ chế hướng đến việc để dòng tiền thu phí tự động không dừng (ETC) chỉ chảy vào 1 ngân hàng” ông Đông nói.

Bộ GTVT ký hợp đồng độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 với Cty TNHH Thu phí tự động (VETC), tài khoản thu phí của VETC và tài khoản giao thông của chủ phương tiện sẽ cùng một ngân hàng. Trong khi đó, chủ ô tô muốn dùng dịch vụ thu phí tự động phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông, nhưng không được tính lãi. Điều này không chỉ khiến chủ xe không hào hứng nộp tiền trước để sử dụng thu phí tự động, các ngân hàng khác cho vay vốn làm BOT giao thông cũng không ủng hộ.

Ngoài ra, các dự án BOT giao thông do nhiều ngân hàng khác nhau cung cấp vốn, nhưng khi triển khai thu phí tự động, tài khoản giao thông chỉ được mở ở một ngân hàng như thế là tạo độc quyền. “Cả nước có khoảng gần 4 triệu ô tô, mỗi xe chỉ cần nộp trước khoảng 100 đến 200 nghìn đồng vào tài khoản, tuỳ vào nhu cầu đi lại của người dân doanh nghiệp, số tiền mặt nhàn rỗi sẽ rất lớn. Đồng thời, hằng ngày bình quân mỗi trạm cũng thu vài tỷ đồng/ hơn 80 trạm thu phí cả nước đổ vào một ngân hàng, trong khi những ngân hàng khác cấp vốn lại không được tham gia, khiến các ngân hàng không đồng tình” ông Đông nhận định.

Để giải quyết tình trạng này, ông Đông hiến kế, không nhất thiết phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông mới dùng được dịch vụ. Hiện nay với công nghệ 4.0 không có gì là khó. Lý do VETC đưa ra chỉ để biện hộ cho những đòi hỏi vô lý, độc quyền. Cơ quan quản lý nhà nước ngồi lại với nhà đầu tư BOT để cùng thống nhất giải pháp, đảm bảo cạnh tranh, minh bạch, không phải dùng mệnh lệnh hành chính, chắc chắn tiến độ triển khai thu phí tự động sẽ đạt được.

Còn về mức phí trích lại cho đơn vị dịch vụ thu phí tự động (gần 5% trên tổng số thu tại mỗi trạm thu phí), ông Lưu huy Hà, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Hoàng Hà nhìn nhận, mức phí này cũng tạo bất cập. Dù hiện việc thu phí thủ công đơn vị thu phí được trích lại 6% doanh thu qua trạm để hoạt động song nếu đưa ra đấu thầu cạnh tranh, phí phải trả cho đơn vị dịch vụ thu phí tự động có thể thấp hơn mức đang áp dụng và giảm dần, không chỉ một mức phí áp dụng mãi mãi như VETC đang được trích.

Để khuyến khích người dân trả phí tự động, ở các nước mỗi xe sẽ được giảm phí thêm 1 - 2% so với thanh toán tiền mặt. “Còn ở Việt Nam, chỉ có một đơn vị thu phí tự động độc quyền, không có cạnh tranh, rất vô lý. Tất cả lập luận Bộ GTVT và VETC đưa ra chỉ tạo ra độc quyền. Tại sao một chủ trương đúng lại bị phản đối, khó triển khai?” ông Hà nói.

Trước sự quan tâm và chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, chắc rằng những “ách tắc” triển khai việc thu phí tự động không dừng sẽ được Bộ GTVT “khơi thông” đảm bảo đúng tiến độ đến 31/12/2019 hoàn tất việc triển khai thu phí tự động không dừng!

Khắc Lãng