Thực hư chuyện hàng loạt dự án điện mặt trời mọc lên
Trước những thông tin về hàng loạt dự án điện mặt trời mọc lên trong thời gian qua, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, về vấn đề này.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. (Ảnh: VnExpress) |
Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về hàng loạt các dự án điện mặt trời mọc lên, thực hư câu chuyện này thế nào, thưa ông?
Ông Trần Viết Ngãi: Thời gian gần đây, trên báo chí và các diễn đàn nói nhiều về sự xuất hiện của hàng loạt dự án đầu tư điện mặt trời. Tuy nhiên, đã có ai thực sự "mắt thấy, tai nghe" hay kiểm chứng về thực chất của các dự án này?
Năm 2018, Chính phủ đưa ra nghị định về giá điện mặt trời 9,35 cent/kWh, tương đương với khoảng 2.086 đồng/kWh và chưa bao gồm thuế VAT. Nhà đầu tư được hưởng trong vòng 20 năm. Động thái này nhằm kích thích đầu tư vào năng lượng tái tạo nói chung và năng lượng mặt trời nói riêng.
Đây được coi là mức giá hấp dẫn khi so sánh với nhiều nước. Thậm chí, tại Mỹ, Trung Quốc, giá điện mặt trời cũng chỉ khoảng 4,5 cent/kWh. Tuy nhiên, vẫn rất ít công ty đầu tư.
Thực hư câu chuyện hàng loạt dự năng lượng mặt trời mọc lên. Ảnh minh họa |
Cho tới bây giờ, người ta vẫn nói là có hàng trăm hàng nghìn dự án điện mặt trời nhưng thực tế thế nào thì cần xem xét lại. Cách đây vài tháng, mới có một dự án điện mặt trời do một công ty tư nhân đầu tư với công suất 40 MW.
Ngoài ra, còn một số dự án điện mặt trời áp mái Tổng công ty Điện lực miền Nam đã đầu tư. Tuy nhiên, những dự án này chỉ dùng cho quy mô hộ gia đình công suất rất nhỏ.
Do đó, thực hư câu chuyện nhiều thông tin nói là dự án điện mặt trời mọc lên như nấm thời gian gần đây vẫn chưa được chứng minh.
Nếu như vậy, thực hư thông tin số lượng dự án điện mặt trời vượt 9 lần quy hoạch điện VII (bổ sung) là gì, thưa ông?
Ông Trần Viết Ngãi: Đứng ở góc độ là Chủ tịch hiệp hội năng lượng việt nam, tôi xin khẳng định không có chuyện số lượng dự án điện mặt trời vượt quá 9 lần so với quy hoạch.
Có chăng chỉ có hiện tượng nhiều đơn vị xin cấp phép cho dự án điện mặt trời nhưng sau đó bán lại nên dẫn đến tình trạng sốt đất, bán nền
Vậy đâu là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư vẫn chưa thực sự mặn mà với đầu tư điện mặt trời mặc dù mức giá điện rất hấp dẫn?
Ông Trần Viết Ngãi: Cái khó nhất của điện mặt trời là công nghệ. Thực ra, Việt Nam chưa có nhà đầu tư nào thành công xong công nghệ điện mặt trời. Bên cạnh đó, việc nối vào lưới điện quốc gia không đơn giản. Bởi vì, để nối vào lưới điện quốc gia thì phải ổn định về tần số, điện áp, phụ tải. Trong khi đó, điện mặt trời lại phụ thuộc lớn vào bức xạ mặt trời, có lúc có, có lúc không, có lúc mây che…
Thêm vào đó, bức xạ chỉ chiếu vào ban ngày, ban đêm lại không có. Vì vậy, không thể nói là điện mặt trời có thể thay thế cho năng lượng truyền thống như bây giờ.
Do đó, nhà đầu tư cần tính toán thật kĩ việc đặt các tấm pin mặt trời ở đâu, diện tích bao nhiêu để có mức bức xạ tốt nhất trong một năm. Từ đó, họ cần phải tính toán công suất, cường độ dòng diện và tính toán thu được bao nhiêu tiền từ đơn giá 9,35 cent/kWh mà Chính phủ đưa ra, thu trong bao nhiêu năm thì có thể thu hồi được vốn. Với cách tính toán hiệu quả kinh tế như vậy, không phải ai cũng dám đầu tư.
Tấm pin năng lượng mặt trời hiện nay không quá đắt vì hiện nay Trung Quốc đã sản xuất tràn trề nhưng tuổi thỏ không cao chỉ khoảng 10 - 15 năm.
Tuy nhiên, khi những tấm pin năng lượng mặt trời này hư hỏng hoặc hết hạn sử dụng thì chúng sẽ trở thành bãi rác kinh khủng khiếp và rất nguy hiểm.
Vì vậy lại thêm một bài toàn mới đặt ra đó là nhập khẩu tấm pin ở đâu, xử lí thế nào sau khi tấm pin hết hạn sử dụng.
Hiện nay, cũng có nhiều đề án để xử lí các tấm pin năng lượng mặt trời đã hết hạn nhưng giữa đề án và hiện thực vẫn còn là một khoảng cách xa với.
Cảm ơn ông về những chia sẻ trên!