|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thực hư chuyện doanh nghiệp cá tra bị Trung Quốc cảnh báo vì có lô hàng dính COVID-19

07:58 | 26/05/2022
Chia sẻ
Sau khi Trung Quốc phát hiện có lô hàng bị nhiễm COVID-19, các lô hàng cá tra của doanh nghiệp sẽ bị trả về và tạm thời đình chỉ xuất khẩu, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề.

Có lô hàng dính COVID-19, doanh nghiệp lỗ nặng

Kiên định với chính sách “Zero COVID”, Trung Quốc tăng cường kiểm dịch thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, trong có thủy sản của Việt Nam. Vài ngày qua, có thông tin cho rằng doanh nghiệp cá tra bị Trung Quốc trả về vì phát hiện virus Sar-CoV-2 trên bao bì.

Trao đổi với báo Kinh tế Sài Gòn, một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc vừa có 3 container hàng “dính” COVID-19 cho biết cứ mỗi container hàng bị phía Trung Quốc kiểm tra phát hiện nhiễm COVID-19 thì doanh nghiệp đó sẽ bị thị trường tạm ngưng nhập khẩu 1 tuần.

“Tôi có 3 container hàng bị nhiễm đồng nghĩa bị Trung Quốc tạm ngưng 3 tuần”, vị này nói.

Vị này cho biết thêm, hiện Hải quan Trung Quốc đang trong quá trình kiểm tra các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường này.

Trong đó, cơ quan này sẽ tập trung vào khâu phòng ngừa COVID-19, bao gồm quy định công nhân, bảo vệ phải mặc đồ bảo hộ, công nhân làm việc phải đứng cách nhau 1 mét và chất thải (khẩu trang, đồ bảo hộ) phải có hợp đồng xử lý.

Trường hợp, Trung Quốc phát hiện có lô hàng bị nhiễm và thông báo tạm ngưng nhập khẩu thì những lô hàng tiếp theo đã được xuất đi sẽ bị trả về, khiến doanh nghiệp bị thiệt hại nặng.

“Một container đi Trung Quốc hiện có giá trị 1,1-1,2 tỷ đồng, nhưng nếu bốc lên cảng xong mà bị trả thì doanh nghiệp bị thiệt hại khoảng 700-800 triệu đồng.

Chính vì vậy, vị này cho biết hiện có một số đơn vị không dám xuất hàng vì nếu dính COVID-19 là lỗ”, đại diện cho biết.

Thị trường Trung Quốc: Dư địa nhiều nhưng không còn dễ tính

Theo thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn đều tốt và ổn định. Trung Quốc - Hong Kong vẫn là thị trường thu hút nhất doanh nghiệp xuất khẩu cá tra với giá trị đạt hơn 300 triệu USD, tăng 156% so với cùng kỳ năm ngoái.

(Nguồn: VASEP)

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP đánh giá doanh nghiệp Việt Nam có nhiều dư địa xuất khẩu sang Trung Quốc bởi sức tiêu thụ của thị trường hơn một tỷ dân là vô cùng lớn.

“Điều quan trọng với các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản là thị trường tiêu thụ tốt. Còn mỗi quốc gia sẽ có những chính sách, rào cản kỹ thuật, doanh nghiệp muốn vào thị trường thì phải tuân thủ, không còn cách nào khác”, ông Hòe nói.

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) cho biết từ đầu năm đến ngày 11/3, có 52 lô hàng của 36 doanh nghiệp chế biến thuỷ sản Việt Nam bị cảnh báo, trả về vì phát hiện virus trên mặt bao bì, kiện hàng và trên mẫu sản phẩm.

Đại diện NAFIQAD đề nghị các doanh nghiệp nhận thức đúng mức độ quan trọng của công tác kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và phòng chống COVID-19 trong quá trình sản xuất, xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc.

Đồng thời, cập nhật và tuân thủ các quy định của Việt Nam và Trung Quốc về an toàn thực phẩm, có biện pháp kiểm soát chặt các chỉ tiêu mà Trung Quốc cảnh báo.

Trong đó, doanh nghiệp cần quản lý người, phương tiện, vật tư ra vào nhà máy; quá trình sản xuất, bao gói, bốc xếp thành phẩm ra/vào kho, lên/xuống container: yêu cầu người tham gia các công đoạn này phải tuyệt đối mang khẩu trang 100% thời gian làm việc, thường xuyên khử trùng tay và định kỳ được xét nghiệm sàng lọc.

Đồng thời, thực hiện các biện pháp vệ sinh, làm sạch và khử trùng đối với bao bì sản phẩm trước, trong và sau khi sử dụng; chủ động lấy mẫu bao bì để xét nghiệm thẩm tra chỉ tiêu virus Sar-CoV-2.

Hoàng Anh