|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thúc đẩy công bằng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu

16:21 | 03/03/2019
Chia sẻ
Đây là một trong những nội dung trọng tâm được thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế ngành điều 2019 diễn ra tại TP Huế, từ ngày 1 – 3/3/2019, với sự tham gia của khoảng 300 DN đến từ khắp nơi trên thế giới.

Đây cũng là hội nghị để Việt Nam tiếp tục quảng bá về ngành điều và tạo cầu nối xúc tiến thương mại với bạn hàng khắp năm châu…

GIÁ ĐIỀU TOÀN CHUỖI PHẢI CÔNG BẰNG

Theo ông Phạm Văn Công – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Hội nghị quốc tế ngành điều 2019 tiếp tục thu hút hàng trăm DN từ khắp nơi trên thế giới về tụ họp. Đây là sự kiện xúc tiến thương mại thường niên và quan trọng nhằm quảng bá các thành tựu và sự đổi mới trong công nghệ chế biến, đảm bảo VSATTP của ngành điều Việt Nam. Hội nghị cũng nhằm thúc đẩy mối quan hệ gắn bó, lâu dài giữa các DN ngành điều trên toàn cầu, tạo cơ sở vững chắc cho việc thiết lập các hợp đồng mua bán giữa các bên trong năm 2019.

Thúc đẩy công bằng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu - Ảnh 1.

Chủ tịch Vinacas và Chủ tịch Cepci ký kết hợp tác năm 2019.

Tại Hội nghị, một trong những chủ đề được quan tâm nhất là việc thúc đẩy công bằng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu và những nhận định về giá cả, xu thế thị trường trong năm 2019.

Tại sao chủ đề này lại khiến hàng trăm DN từ khắp nơi trên thế giới mong muốn được chia sẻ trong Hội nghị quốc tế ngành điều 2019?

Bởi lẽ, đặt trong bối cảnh ngành điều thế giới nói chung trong năm 2018 với rất nhiều khó khăn dồn dập, đặc biệt là việc giá bán điều nhân liên tục giảm mạnh khiến nông dân và hầu hết DN chế biến rơi cảnh lao đao, dẫn đến các mắt xích trong chuỗi giá trị ngành điều toàn cầu trục trặc, nhiều hệ lụy đã xảy ra và cần có sự hợp tác tháo gỡ.

Nêu cụ thể về những khó khăn, ông Vũ Thái Sơn – Tổng Giám đốc công ty CP Long Sơn cho biết: Trong năm 2018, tổng lượng nhân điều XK của Việt Nam tăng nhưng tổng giá trị kim ngạch XK lại giảm, nguyên nhân là do giá XK đi xuống. Đáng lo ngại là tiếp tục trong tháng đầu năm 2019 mặc dù lượng điều XK tăng 4,49% so cùng kỳ, nhưng giá lại giảm tiếp tới 17,2%. "Suốt 22 tháng qua người mua (DN nhập khẩu điều nhân từ châu Âu, Mỹ…) cứ chờ giá giảm nữa và họ đã thành công, khiến nhiều DN Việt Nam rơi cảnh thua lỗ nặng nề", ông Sơn nói.

Thúc đẩy công bằng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu - Ảnh 2.

Gala Dinner tri ân khách hàng điều từ khắp nơi trên thế giới tại TP Huế.

Tương tự, ông Cao Thúc Uy – Giám đốc Công ty điều Cao Phát khẳng định, các đối tác thu mua điều nhân của Việt Nam đang đưa ra mức giá thấp và kéo dài. Giá thu mua điều nhân thấp sẽ dẫn tới giá thu mua điều thô thấp, ảnh hưởng rất lớn đến người sản xuất (nông dân) và gây thua lỗ cho các nhà chế biến điều (DN Việt Nam). Điều này thực sự không công bằng!

Theo ông Dhoodes – Chủ tịch Cepci, thời gian tới cần có định chế chung để kiểm soát thương mại, đảm bảo các bên tôn trọng các hợp đồng và giá điều phải thực sự công bằng đảm bảo các bên trong chuỗi giá trị cùng có lợi.

HỢP TÁC ỔN ĐỊNH GIÁ ĐIỀU

Sáng 2/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và Hội đồng xúc tiến xuất khẩu điều Ấn Độ (Cepci) đã có cuộc họp về việc thống nhất hợp tác ổn định giá điều năm 2019.

Sự hợp tác giữa Vinacas và Cepci, đại diện ngành hàng của hai quốc gia chế biến điều lớn nhất thế giới là Ấn Độ và Việt Nam được đánh giá hết sức cần thiết và kịp thời nhằm từng bước ổn định thị trường, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị điều toàn cầu năm 2019 và những năm tiếp theo.

Liên quan đến giá bán và xu thế thị trường trong thời gian tới, nhiều ý kiến kỳ vọng sẽ sáng sủa hơn 2018.

Ông Panelist, đại diện thị trường Bắc Mỹ thông tin: Vài năm qua, thị trường Bắc Mỹ không tốt như kỳ vọng. Tuy nhiên, khu vực này đang phát triển mạnh sản phẩm mới liên quan đến hạt điều và người tiêu dùng có xu thế sử dụng các loại hạt để đưa vào khẩu phần ăn hàng ngày (đạm thực vật thay cho đạm động vật), đây là tín hiệu tốt cho ngành điều.

Thúc đẩy công bằng trong chuỗi giá trị điều toàn cầu - Ảnh 3.

Toàn cảnh Hội nghị.

Tương tự, ông Dhoodes – Chủ tịch Cepci cho rằng, chỉ tính riêng tại Ấn Độ thì việc gia tăng lượng tiêu dùng điều nhân hàng năm đã rất lớn. "Năm 2018 Ấn Độ tiêu thụ 335.000 tấn điều nhân (tăng cao hơn 2017). Đây là chỉ báo tốt cho ngành điều thời gian tới. Tôi cho rằng nhu cầu hạt điều sẽ tiếp tục đi lên và giá điều nhân trong năm 2019 sẽ tăng", ông Dhoodes dự đoán.

Tại phiên thảo luận về điều thô ngày 3/3, các đại biểu đề nghị các nước Châu Phi phải đặc biệt kiểm soát tình trạng trộn lẫn điều cũ vào các lô điều mới, vì điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ thu hồi và chất lượng điều nhân xuất khẩu năm 2019. Các vấn đề liên quan đến kiểm soát độ ẩm, hạt sâu, bị lỗi của điều thô Châu Phi và việc thực hiện hợp đồng, chế tài xử lý tranh chấp,… cũng được hội nghị đưa ra bàn thảo và yêu cầu các bên trong chuỗi giá trị ngành điều phải thực hiện quyết liệt trong năm 2019.

Hội nghị đưa ra dự báo sản lượng điều thô toàn cầu năm 2019 xấp xỉ 4 triệu tấn (tương đương chế biến được 1 triệu tấn điều nhân), tập trung chủ yếu ở Châu Phi (trên 2 triệu tấn), còn lại là ở Ấn Độ, Việt Nam, Indonexia, Campuchia… Các chuyên gia cho rằng, các DN chế biến điều Việt Nam phải hết sức chú ý, trong năm 2018 giá điều nhân liên tục đi xuống, đến đầu nằm 2019 giá điều nhân W320 tiếp tục ở mức thấp. Trong bối cảnh giá điều nhân thấp như thế thì giá điều thô như hiện nay có an toàn hay không, các DN cần phải tính toán kỹ lưỡng để tránh thua lỗ như năm 2018.

PV

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.