Thuận Đức (TDP) sắp chào sàn HOSE có gì đặc biệt?
Mã TDP chào sàn HOSE với giá 21.200 đồng/cp ngày 12/10
Mới đây, CTCP Thuận Đức (Mã: TDP) công bố thông tin về việc giao dịch chính thức gần 48 triệu cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vào ngày 12/10 tới đây.
Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 21.200 đồng/cp, tương đương giá trị vốn hóa ước tính gần 1.018 tỉ đồng. Biên độ dao động giá trong ngày đầu giao dịch là +/-20%.
Trước đó, cổ phiếu TDP được chấp thuận niêm yết trên HOSE từ ngày 24/7 và dừng giao dịch trên UPCOM từ ngày 31/7.
Theo tìm hiểu, tháng 1/2007, CTCP Thuận Đức được thành lập tại Hưng Yên với vốn điều lệ ban đầu là 7,5 tỉ đồng. Sau hơn một thập kỉ, vốn điều lệ đạt gần 480 tỉ đồng vào năm 2019.
Chủ tịch và người nhà nắm giữ phần lớn cổ phần
Tính đến ngày 12/6/2020, Thuận Đức có hai cổ đông lớn là ông Nguyễn Đức Cường, nắm giữ hơn 17,9 triệu cổ phiếu TDP (37,36%) và bà Ngô Kim Dung sở hữu gần 3,3 triệu cổ phiếu (6,79%).
Trong đó, ông Cường là Chủ tịch HĐQT, bà Dung là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc công ty. Thông tin thêm, bà Dung là vợ ông Cường.
Cơ cấu cổ đông của Thuận Đức còn có các cổ đông nội bộ là người nhà của ông Nguyễn Đức Cường như bà Nguyễn Kim Anh (con gái), ông Nguyễn Đức Chính (con trai), ông Nguyễn Đức Thịnh (em trai), bà Nguyễn Thị Hằng (em gái).
Hoạt động kinh doanh có gì?
Thuận Đức hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm từ polypropylene, nổi bật là hạt nhựa tái chế và bao bì PP.
Đặc biệt, bao bì PP của Thuận Đức gắn liền các dòng sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường cung ứng cho thị trường nội địa và quốc tế như túi xách siêu thị (shopping bags), bao bì phục vụ ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, phân bón, mía đường... và bao bì đựng nông sản...
Hiện Thuận Đức đang là đối tác cung cấp cho một số doanh nghiệp như CTCP Phân bón Bình Điền, CTCP Dinh dưỡng Hồng Hà...và hơn 200 đại lí trên toàn quốc.
Thuận Đức có ba nhà máy đã đi vào hoạt động là nhà máy sản xuất nhựa tái chế và bao bì trong nước công suất 7.800 tấn bao bì/năm, đi vào hoạt động từ 2007; nhà máy túi xuất khẩu công suất 150 triệu túi/năm, hoạt động từ 2015; nhà máy sản xuất bao bì PP dệt của công ty con có công suất 7.800 tấn bao bì/năm, hoạt động từ 2017.
Ngoài ra, doanh nghiệp đang xây dựng nhà máy sản xuất túi siêu thị PP xuất khẩu qua công ty liên kết với tổng mức đầu tư gần 1.200 tỉ đồng dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 11 năm nay.
Một nhà máy khác đang được công ty mẹ đầu tư là nhà máy sản xuất bao bì PP và túi xách siêu thị, công suất 8.000 tấn bao bì/năm, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 9/2021.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận của Thuận Đức liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây. Năm 2019, công ty ghi nhận 1.197 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 60% so với năm trước. Lãi sau thuế tương ứng tăng 89%, đạt gần 62 tỉ đồng.
Mới đây, Thuận Đức cũng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 với 602 tỉ đồng doanh thu và 29,3 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 23% và 61% so với cùng kì năm trước.
So với kế hoạch kinh doanh năm 2020 là tổng doanh thu 1.450 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 94 tỉ đồng, sau nửa đầu năm, công ty mới thực hiện 42% mục tiêu doanh thu và 31% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tính tới cuối quí II, công ty có 1.717 tỉ đồng tổng tài sản, tăng hơn 100 tỉ đồng so với hồi đầu năm và tập trung chủ yếu ở hàng tồn kho (863 tỉ đồng), tài sản cố định (424 tỉ đồng).
Về nguồn vốn, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng từ 922 tỉ đồng lên hơn 1.000 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ vay/ tổng nguồn vốn tương ứng tăng từ 57,2% lên 58,2%.