|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thua kém các nước phát triển hơn trong khu vực về chất lượng dịch vụ, thời gian giao hàng, nhưng chi phí giao nhận TMĐT của Việt Nam không cao

15:38 | 13/06/2019
Chia sẻ
Phát biểu trong khuôn khổ Diễn đàn Quĩ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 diễn ra vào ngày 10/6, đại diện cho sàn TMĐT Sendo chia sẻ: "Việt Nam có thua kém các nước phát triển hơn trong khu vực về chất lượng dịch vụ, thời gian giao hàng, nhưng chi phí giao nhận TMĐT của chúng ta không cao".

Tại Diễn đàn Quĩ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 diễn ra vào ngày 10/6, các diễn giả đại diện cho doanh nghiệp, quĩ đầu tư và nhà làm chính sách đã có phiên thảo luận xung quanh lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) và kinh tế số.  

viber_image_2019-06-12_16-02-04

Phiên thảo luận về TMĐT và kinh tế số trong khuôn khổ Diễn đàn Quĩ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam diễn ra vào ngày 10/6. Ảnh: Tuệ An.

'Việt Nam có thể thua kém các nước phát triển hơn trong khu vực về chất lượng dịch vụ, thời gian giao hàng; nhưng chi phí giao nhận TMĐT của chúng ta không cao'

Tại phiên thảo luận, Giám đốc của CTCP Công nghệ Sen Đỏ (vận hành sàn TMĐT Sendo), ông Trần Hải Linh nhắc đến vấn đề "nóng hổi" nhiều người vẫn thường nhắc đến – đó là các khoản đầu tư "khủng" và chi phí tốn kém mà các sàn TMĐT đang phải bỏ ra.

Ông chia sẻ, từ Amazon ở Mỹ, Alibaba ở Trung Quốc và Rakuten ở Nhật Bản, các nhà đầu tư nhìn thấy thấy cơ hội lớn để có các sàn TMĐT bá chủ ở các thị trường và họ sẵn sàng rót số vốn khủng. CEO Sendo chỉ ra hai lí do chính khiến TMĐT có sự đầu tư lớn và cuộc cạnh tranh giữa các đối thủ tốn kém đến như vậy.

Thứ nhất, việc chuyển đổi hành vi của người tiêu dùng ngốn rất nhiều tiền, đặc biệt với các thị trường Việt Nam qui mô dân số 100 triệu người, Indonesia là 250 triệu hay Ấn Độ là hơn 1 tỉ dân.

Thứ hai, làn sóng đầu tư này không chỉ có lợi cho TMĐT hay thương mại mà còn giúp đẩy nhanh rất nhiều ngành công nghiệp khác như thanh toán điện tử, tài chính, logistics, kho vận…

Chia sẻ thêm về hoạt động của Sendo, vị Giám đốc cho biết, 2/3 đối tượng khách hàng của sàn TMĐT này nằm ngoài Hà Nội và TP HCM. Khác với các sàn TMĐT khác, Sendo là đơn vị duy nhất không sở hữu bất kì đơn vị vận chuyển/giao nhận nào. Vì vậy, ông nhấn mạnh, vận chuyển là bài toán quan trọng đối với Sendo.

Ông chia sẻ: "Khi chúng tôi nói chuyện với các nhà đầu tư, một trong các câu hỏi đầu tiên họ đặt ra làlogistics cho TMĐT ở thị trường Việt Nam như thế nào? Phân phối hàng hoá truyền thống ở Việt Nam tệ nên mọi người cũng nghĩ logistics cho mảng TMĐT cũng vậy".

CEO Sendo tiết lộ, chi phí giá thành để giao một đơn hàng trong nội thành Hà Nội/Sài Gòn là dưới 0,5 USD (dưới 10.000 đồng), chi phí đơn hàng liên tỉnh trung bình là 2 USD (hơn 40.000).

So với các sàn TMĐT lớn trong khu vực, ông cho biết chi phí này là không cao. Tính ra, giá vận chuyển ngoại tỉnh của Sendo chiếm khoảng 10% giá trị đơn hàng. Giá trị đơn hàng trung bình ở các nước Châu Á cao hơn so với Việt Nam và giá vận chuyển ngoại tỉnh của các nước này thường chiếm khoảng 8% giá trị đơn hàng.

"Việt Nam có thua kém các nước phát triển hơn trong khu vực về chất lượng dịch vụ, thời gian giao hàng, nhưng chi phí giao nhận TMĐT của chúng ta không cao", ông nói.

CEO nhận định rằng: "Việt Nam là một nước đang phát triển nhanh về TMĐT, khách hàng không đòi hỏi chất lượng dịch vụ phải rất cao và thời gian giao nhận phải rất nhanh, mà họ kì vọng giao hàng phải đến nơi đến chốn. Trong khoảng 7 năm vừa qua, phần đầu tư cho logictics TMĐT đã phát triển đáng kể cả lượng và chất, có nhiều công ty giao nhận trong khu vực và thế giới gia nhập thị trường Việt Nam".

Cuộc chiến giữa các nhà bán lẻ online và offline

Nguyễn Lân Trung Anh, Giám đốc điều hành của Quĩ đầu tư Phoenix Holdings nhận định, bên cạnh các công ty thương mại điện tử, thị trường bán lẻ hiện nay đa phần đến từ các công ty truyền thống. Khi nhìn vào các Tập đoàn đã rất thành công trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống (offline retail), cơ hội để họ tiếp tục sáng tạo, đầu tư vào R&D và phát triển hơn nữa để tấn công vào mảng trực tuyến chỉ là vấn đề thời gian.

CEO của Phoenix Holdings cho rằng có rất nhiều cơ hội cho những công ty bán lẻ hiện tại để cạnh tranh, lấy những miếng bánh từ các sàn TMĐT như Tiki, Lazada, Sendo… Ông khẳng định thị trường sẽ không chỉ dành cho các công ty thuần tuý làm online, mà luôn có phân khúc  phù hợp cho các công ty có sẵn thị phần, hiểu về bán lẻ, có người dùng và biết cách phát triển công nghệ.  

Cùng quan điểm với đại diện quĩ đầu tư Phoenix Holdings, ông Đỗ Thông, Chủ tịch và sáng lập công ty Palexy – công ty chuyên cung cấp các phân tích khách hàng, hỗ trợ nhà bán lẻ truyền thống chia sẻ: "Thế mạnh của các trang trực tuyến là việc hiểu khách hàng. Khi bạn vào website, dù bạn mua hay không mua, toàn bộ hành vi của bạn đã được theo dõi và ghi lại. Hiện nay, 30% doanh thu của Amazon đến từ việc khai thác dữ liệu và bán chéo. Trong suốt 20 năm vừa qua, nhiều công ty online đã đẩy mạnh điều này và thành công. Tuy doanh thu của mảng bán lẻ đến chủ yếu từ các nhà bán lẻ truyền thống, nhưng công nghệ của họ đi chậm hơn rất nhiều so với các nhà bán hàng trực tuyến".

Ông nhận định, về cơ bản, online hay offline là kênh phân phối. Việt Nam không nằm trong nhóm các nước mạnh về sản xuất như Trung Quốc, Nhật, Mỹ..., mà chủ yếu là phân phối.

Theo góc nhìn của ông, các nhà bán lẻ truyền thống có thể cải tiến những gì đang có bằng cách khai thác dữ liệu khách hàng, áp dụng công thức thành công của online và không mất khoản chi phí marketing "khổng lồ" để thay đổi người tiêu dùng.

Cơ quan làm luật và chính sách vẫn sẽ phải đi sau sự phát triển của TMĐT

Dưới góc độ nhà làm chính sách, bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương cũng đưa nhận định, bán lẻ trực tuyến và offline sẽ cùng tồn tại và không bên nào đánh bại được bên nào.

Bà trích dẫn Báo cáo của Google & Temasek về kinh tế Internet Đông Nam Á, giá trị giao dịch trên sàn của ba sàn TMĐT lớn nhất Đông Nam Á tăng gấp 7 lần trong vòng ba năm, trong khi những sàn khác chỉ hai lần, khẳng định sự chuyển dịch lên các sàn TMĐT trực tuyến là xu hướng không thay đổi được.

Bà khẳng định, trong lĩnh vực TMĐT, kinh tế số hay các lĩnh vực khác, cơ quan làm luật và cơ quan làm chính sách sẽ phải đi sau. "Chúng tôi phải theo dõi, quan sát, xác định những vấn đề trong phát triển. Khi xác định được vấn đề rồi mới có qui định để có thể điều chỉnh những hành vi và vấn đề mới", bà nói.

Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số chia sẻ thêm: "Là người làm chính sách TMĐT hơn 10 năm, tôi cũng nghĩ là cách tiếp cận của chúng tôi xưa nay trong lĩnh vực TMĐT từ khi vẫn còn đang rất sơ khai, là làm thế nào có những qui định trung lập về công nghệ, vấn đề mang tính cốt lõi. Chúng tôi không đi sâu điều chỉnh những hành vi quá kĩ thuật bởi vì công nghê liên tục tay đổi, nhưng bản chất mối quan hệ của các chủ thế trong nền kinh tế thì cố định. Những pháp luật điều chỉnh là điều chỉnh dựa trên mối quan hệ chứ không đi sâu quá vào những vấn đề kĩ thuật hay mô hình kinh doanh". 

Tuệ An