|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thủ tướng yêu cầu xử lí nghiêm tàu cá vi phạm IUU

17:15 | 13/05/2019
Chia sẻ
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU, đặc biệt tập trung ngăn chặn, chấm dứt ngay tình trạng tàu cá và ngư dân địa phương khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Siết chặt quản lí khai thác hải sản IUU

Ngày 29/4, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các Bộ NN&PTNT và các Bộ ngành liên quan thông báo ý kiến của thủ tướng về đề nghị của Bộ NN&PTNT về Báo cáo kết quả thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác hải sản IUU).

Thủ tướng yêu cầu xử lí nghiêm tàu cá vi phạm IUU - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT và các Bộ ngành liên quan tục tập trung nguồn lực, triển khai hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn, các chỉ đạo của Thủ tướng.

Bộ Tài chính chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT để sớm bố trí kinh phí thực hiện dự án thuê hạ tầng thông tin phục vụ giám sát hành trình tàu cá theo chỉ đạo của thủ tướng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm khai thác IUU, đặc biệt tập trung ngăn chặn, chấm dứt ngay tình trạng tàu cá và ngư dân địa phương khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chủ động tăng cường nguồn lực về cơ sở vật chất, nhân lực nâng cao công tác phòng, chống khai thác IUU, đạt hiệu quả, tiến tới sớm chấm dứt tình trạng khai thác IUU tại địa phương. 

Trên cơ sở đó, chủ động tập trung chuẩn bị tốt, đầy đủ các công việc, nội dung liên quan để làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu (dự kiến vào tháng 5/2019) đạt hiệu quả.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển chịu trách nhiệm về kết quả triển khai công tác phòng, chống khai thác IUU tại địa phương, tình hình, kết quả làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu sang Việt Nam tại địa phương, tác động tiêu cực đến nỗ lực chung tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của toàn quốc.

Quốc tế xử "rắn" với tàu đánh cá bất hợp pháp

Chia sẻ tại Hội nghị Triển khai các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu diễn ra hồi tháng 4, Thiếu tướng Bùi Trung Dũng, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển, cho biết tình trạng tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép ở một số vùng biển nước nước khác đang là vấn đề nhức nhối. Thái Lan cũng đã tổ chức hội nghị với chủ đề đánh bắt trái phép của các nước.

Trong đó, riêng của Việt Nam, vi phạm tàu cá của bà con ngư dân phổ biến ở các vùng biển Indonesia, Philippines, Thái Lan là thường xuyên. Đặc biệt, đáng báo động nhất là tình trạng đánh bắt trái phép của tàu cá Việt Nam tại Indonesia và Malaysia.

Ông Dũng chia sẻ năm 2017, cảnh sát biển Việt Nam phải 2 lần đón ngư dân do Indonesia bắt giữ vì hành vi khai thác hải sản trái phép tại vùng biển quốc gia này. Theo đó, lần 1 nước này trao trả 700 ngư dân và lần 2 là 300 ngư dân. Thậm chí, nhiều ngư dân vẫn tiếp tục tái phạm.

"Hiện nay, phía Indonesia cũng đang rất căng thẳng và quyết liệt xử lí hành vi đánh bắt trái phép. Lực lượng thực thi pháp luật xử lí rất "rắn"; trong đó có hải quân và cảnh sát biển sử dụng cả hình thức phạt tù hoặc thậm chí bắn tàu. Một số trường hợp ngư dân Việt Nam bị bắn trọng thương", ông Dung nói

Trước tình trạng này, lực lượng hải quân Việt Nam đã có tàu trực ở khu vực giáp danh vùng biển Việt Nam và các nước nước khác để thường xuyên nhắc nhở bà con nông dân không được đánh bắt bất hợp pháp.

Thậm chí, lực lượng hải quân Việt Nam đã có biện pháp răn đe, phạt hiện tượng bà con vi phạm vùng biển của các nước nói chung và vùng biển Indonesia.

"Một số trường hợp lực lượng hải quân, cảnh sát biển Việt Nam đã kịp thời can thiếp khi lực lượng thực thi pháp luật của Indonesia có hình thức xử lí thô bạo bà con ngư dân của chúng ta. Tuy nhiên, nhiều khi phía Indonesia cho rằng cảnh sát biển và hải quân Việt Nam đang bảo hộ cho ngư dân. Phía lực lượng chức năng đã thanh minh là đã nhắc nhờ, giáo dục bà con", ông Dũng nói.

Còn ở Malaysia, một số ngư dân sang đánh bắt trái phép bằng cách làm giả biển số tàu của nước này. Tuy nhiên, nước bạn đã có cách phát hiện, bắt rất nhiều ngư dân, và giữ phương tiện. Chính phủ Malaysia rất quan tâm và đưa ra Quốc hội vấn đề này.

"Trước đó, đoàn thực thi pháp luật trên biển Malaysia sang Việt Nam họp song phương với cảnh sát biển Việt Nam và có tặng một bức ảnh trong đó có chụp biểu tượng cảnh sát biển Việt Nam và Malaysia với dòng chữ "come back home" (Trở về nước). Đồng thời, hai bên trao đổi xúc tiến kí hiệp định thư trong nay. Tuy nhiên hiện nay vẫn tồn tại một số vướng mắc nên chưa thể kí được", ông Dũng cho hay.

Đức Quỳnh