|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thủ tướng ủng hộ TP HCM lập thành phố phía Đông

21:42 | 08/05/2020
Chia sẻ
Đề xuất lập thành phố phía Đông trực thuộc TP HCM không trái qui định nhưng cần nghiên cứu để đảm bảo gắn kết việc không thực hiện HĐND cấp quận, huyện.

Tại buổi làm việc với Thủ tướng sáng 8-5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng cho phép TP xây dựng Đề án thành lập thành phố trực thuộc TP.HCM (thành phố phía Đông - PV) trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức như quy định tại Điều 3 Nghị quyết số 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thủ tướng ủng hộ TP HCM lập thành phố phía Đông - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP.HCM tại buổi làm việc với Thủ tướng. Ảnh: Trung tâm báo chí

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết thêm trung tâm động lực phát triển kinh tế trong 10 năm tới của TP.HCM là khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, tích hợp ba lợi thế của ba quận: 2, 9 và Thủ Đức.

Trong đó, lợi thế của quận 9 là khu công nghệ cao, Thủ Đức là đào tạo đại học và nghiên cứu khoa học với 15 trường đại học gồm trên 100.000 sinh viên, còn quận 2 là trung tâm tài chính.

Khu đô thị sáng tạo phía Đông rộng hơn 21.000 ha với khoảng 1 triệu dân, kỳ vọng sẽ đóng góp 30% GDP của TP.HCM, nghĩa là bằng 4%-5% GDP của cả nước.

Theo ông Nhân, hiện nhu cầu bức thiết là sáp nhập ba quận để thành lập thành phố phía Đông thuộc TP.HCM. Nếu thành lập được thì đây là "quả đấm" kinh tế và GDP bằng nhiều tỉnh, thành khác cộng lại. 

"TP.HCM thiết tha mong Thủ tướng thống nhất chủ trương, giao Bộ Xây dựng hướng dẫn để trong quý III TP có thể hoàn thành đề án trình Chính phủ" - ông nói.

Đồng tình với kiến nghị này nhưng Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng việc này liên quan đến việc tổ chức bộ máy chính quyền, nếu được Chính phủ đồng ý vẫn phải gắn với chỉ đạo của Bộ Chính trị về sắp xếp lại bộ máy hành chính cấp xã, phường.

Theo ông Tuấn, việc lập thành phố phía Đông nên nằm trong cùng một đề án với đề xuất thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận huyện, phường, xã vì cùng liên quan đến các vấn đề về tổ chức bộ máy hành chính, cơ chế hoạt động của cán bộ, công chức.

“Đề xuất lập thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM không trái quy định pháp luật nhưng cần nghiên cứu làm sao để đảm bảo gắn kết việc không thực hiện HĐND cấp quận huyện, vì nếu thành lập thành phố phía Đông từ ba quận thì nó cũng chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện thôi, không khác được” - ông Tuấn nói.

Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng đây là đề xuất mới nhưng đã có đủ cơ sở pháp lý. Bởi theo Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, việc thành lập thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương là phù hợp quy định. 

Ngoài ra, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có quy định tiêu chuẩn về các đơn vị hành chính.

Từ đó, Bộ Tư pháp đề nghị UBND TP.HCM phối hợp các bộ, ngành thực hiện chủ trương này theo đúng quy định.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ủng hộ việc sáp nhập ba quận phía Đông của TP.HCM. "Còn tên gọi là gì sau khi thành lập sẽ bàn luận tiếp" - Thủ tướng nói và giao Bộ Tư pháp hướng dẫn TP.HCM thực hiện.

Liên quan đến vấn đề này, hồi cuối tháng 4, UBND TP.HCM có quyết định thành lập Ban Chỉ đạo về xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông thành phố tại quận 2, 9 và Thủ Đức. Ban Chỉ đạo gồm 22 thành viên do Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong làm trưởng ban.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu lập quy hoạch phát triển tổng thể khu đô thị sáng tạo phía Đông; xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tri thức, các chương trình kêu gọi đầu tư phát triển đô thị và thu hút nhân tài đến sống và làm việc; nghiên cứu các chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện quy hoạch và phát triển khu đô thị này...

Ban Chỉ đạo còn có nhiệm vụ chỉ đạo công tác tăng cường cải cách hành chính, đổi mới quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế phối hợp giữa ba quận (quận 2, 9 và Thủ Đức). 

Nhiệm vụ nữa là nghiên cứu kinh nghiệm ở các thành phố lớn của nước ngoài để đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển hệ sinh thái sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu đô thị, hướng đến chuẩn bị thành lập bộ máy hành chính thành phố phía Đông.

Tá Lâm

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.